ClockThứ Bảy, 11/06/2016 10:10

Điền Kê - “thuốc bổ” đồng quê

TTH - Gọi một cách sang trọng theo lương y Tuệ Tĩnh chứ điền kê (gà đồng) thực chất là thịt ếch nhái, món ăn bổ dưỡng cho trẻ nhỏ và người ốm dậy…

Phi tiễn chắm sốt mayonaise tương ớt

Sau vụ hè thu, khi những cơn mưa dông đổ xuống ấy là lúc dân đi soi đổ ra đồng tìm ếch nhái. Những chân ruộng vừa được mưa tưới tắm mát rượi, bãi lúa giống mới gieo sạ hay ở chân ruộng bắp săm sắp nước, ếch nhái xuất hiện nhiều. Theo chân người lớn, tụi con nít lẽo đẽo đi học nghề một buổi là có thể tự lập ngay vào hôm sau. Cứ nghe mưa xuống là ới nhau xách đèn pin hướng về xứ đồng. Đi chừng tiếng đồng hồ là chiến lợi phẩm đằm oi. Với nhà nông, chi tiêu buổi chợ được tiết kiệm bằng thứ nguyên liệu ngon, bổ, rẻ này.

Ếch to bắt được nhiều con thì nướng, xào, rang sả lá chanh hay nhường cho người ốm yếu nhất nhà nấu cháo ăn cho lại sức. Còn nhái thì tha hồ mà lên thực đơn. Này thì nhúng bột phi tiễn chấm  mayonaise, hay băm nhuyễn trộn ít chả heo chiên lên rưới nước mắm đường, hoặc để nấu canh chua, dưa hường, mướp ngọt… kể đến thiệt là “hao cơm”.

Điền kê theo đông y có vị ngọt, tính lạnh, có công dụng bổ tỳ vị, trị lao, nhiệt, hư phiền, trẻ em lở ngứa, trị phù thủng... Trong thành phần dinh dưỡng của loại thực phẩm này có chứa can xi, đạm, phốt pho, vitamin B1, B12… Với những nông dân nghèo thuở trước, đây là nguồn thức ăn dễ kiếm và giúp thêm chất tươi cho bữa ăn.

Nhắc tới điền kê, ngoại tôi tự hào: “Tau nuôi mạ bây chỉ có ếch, nhái và rạm thôi mà ú na ú nần chơ thời đó kiếm mô ra tiền để ăn đồ bổ dưỡng”. Vì trải đời nên ngoại nấu ăn cực ngon. Ngon nhứt là canh chua lá bứa, lá giang. Nhái băm nhuyễn ướp gia vị thêm vài hột ném cho đỡ tanh. Cũng giống như món canh chua thông thường nhưng khi bỏ lá vào nồi nước đang sôi, ngoại dùng hai tay vò cho lá nát, nước sôi trở lại là bắc nồi canh xuống, xắt ít ném cây, giã ít ớt gạo, tiêu tươi muối hột nêm nếm. Không cần bỏ mì chính vào, nồi canh đã ngọt lừ, vị chua pha nồng cay, vừa húp vừa hít hà. “Ngon dã man”, bầy cháu thành phố khen tấm tắc nên khi mô về quê, ngoại cũng bắt cậu xách đèn pin ra ruộng để hôm sau có món ruột đãi cháu. Ngoại còn có món độc đáo hơn nữa để bù đạm cho những khi nhà không có đồ ăn. Nhái hấp lên, gỡ lấy thịt, băm hoặc xay nhỏ, sau đó đem sấy khô cất vô thẩu kín. Mùa đông, nấu canh rau, dưa… là múc một muỗng bỏ vô, hương vị ngon gấp mấy lần bột nêm bây giờ. Ngoại đặt tên cho nó là canh rau “nhốt bại”, hỏi sao có tên kỳ quặc ngoại không nói còn nạt “nhiều chuyện”. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là cách nói lái của từ “nhái bột”! Trời đất, ngoại thiệt là “nội công thâm hậu”!

Tại nhiều quán nhậu dân dã phù hợp túi tiền người lao động, người Huế có lẽ “kết” món phi tiễn, bởi nó vừa mặn miệng, vừa dễ uống bia, nhiều anh hay chữ lừa bạn tới quán có “chân dài”. Món này ngon nhứt phải kể đến quán nhậu ông Chạy ở vùng Kim Long. Cũng vùng này nhưng có quán nấu món cháo đậu xanh chàng hương nêm ném vừa bổ vừa giải cảm nghe đâu khá nổi tiếng, muốn ăn phải dặn trước vì nguyên liệu không phải lúc nào cũng có.

Quán xá bữa nay tha hồ nhưng để có điền kê chính hiệu chớ không phải “kê nhà”, “kê vườn” thì phải chịu khó tìm về các quán vùng ngoại ô hoặc nông thôn. Cứ ăn đi sẽ thấy sự khác lạ của món thuốc bổ đồng quê.

Bài, ảnh: NGỌC ĐÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top