ClockThứ Hai, 03/09/2018 08:15

Đổi vị với canh môn sen cá lóc đồng

TTH - Môn sen hay còn gọi là môn tím (vì lá và thân cây có màu tím), một số nơi còn gọi là “môn đò” (vì được vận chuyển bằng đò từ quê lên thành phố-PV), ngày nay ít bạn trẻ biết và gọi đúng tên nhưng với thế hệ từ 8X trở về trước cây môn tím không xa lạ, bởi món canh trứ danh từ cây môn này có thể ăn thay cơm những ngày nghèo khó hoặc để đổi khẩu vị, thực đơn với những gia đình có điều kiện hơn.

Cá bống kho của mạ

Canh môn sen ăn mùa nào cũng phù hợp

Lúc trước, quê tôi có nhiều nhà trồng môn sen ở những luống đất phía trước đường “ngang” (đường liên thôn, xã). Khoảnh đất đó chủ yếu để trồng hoa màu, ớt, khoai, sắn... Nhưng trồng môn sen đem lại thu nhập cao nhất nên những gia đình có công chăm sóc thường trồng môn sen. Thật ra môn sen không quá khó trồng. Sau khi làm đất, mua cây giống từ chợ hoặc tự ươm trồng rồi bón phân, tưới nước thường xuyên sau ba tháng là có thể thu hoạch. Loại cây này gần như không có sâu bệnh nên không có chuyện phun thuốc trừ sâu nhưng phải luôn đảm bảo nguồn nước tưới hàng ngày nên chỉ những vồng đất gần nhà người dân mới trồng phòng khi nguồn nước tự nhiên cạn kiệt phải gánh nước ở nhà đến tưới. Đó cũng là lý do khiến môn sen ít người trồng. Càng ít người trồng nên càng có giá trị. Một vồng bán được vài trăm ngàn đồng cao hơn trồng khoai sắn nhiều.

Đến mùa thu hoạch, mẹ tôi bán sỉ hai vồng môn sen cho thương lái tự nhổ, vận chuyển nhưng cũng không quên để dành lại vài bụi ăn dần. Lúc nào cần, chỉ việc đến nhổ về nhà cạo rửa sạch sẽ nấu canh với cá lóc đồng hoặc cá dét, cá chạch, tôm đều ngon.

Vì ăn thường xuyên và hay phụ mẹ nên tôi cũng học được cách nấu và tự nấu cho cả nhà ăn. Môn sen nhổ hoặc mua về rửa sạch, cạo, gọt hết lớp vỏ bên ngoài phần củ rồi cắt thành khúc nhỏ, mỏng để nấu nhanh chín. Thân cây tước lớp vỏ bên ngoài xắt thành lát chéo mỏng rửa sạch bằng nước. Nhớ là trong quá trình rửa chỉ để môn trong rổ đặt trong chậu nước chao qua chao lại nhiều lần và thay nước liên tục chứ không nên dùng tay, nếu có dùng tay thì phải đeo găng tay bằng ni lông để tránh bị ngứa.

Môn sau khi rửa sạch để ráo nước. Cá lóc đồng làm sạch, ướp gia vị, nếu có củ ném càng tốt vì sẽ khử hết mùi tanh của cá. Bắc chảo dầu nóng phi thơm hành, ném, cho cá lóc vào um cho thấm, sau đó gỡ ra từng miếng, bỏ xương, um lại thêm lần nữa rồi múc ra để riêng. Cho môn vào xoong, đổ nước sâm sấp bắc lên bếp. Nước ruốc sau khi đánh với nước lọc đã lắng cặn đổ vào cùng lúc để nấu cho đến khi sôi. Đợi thêm 5 phút nữa đổ thêm tí dầu ăn cho môn mềm, chín tới rồi cho cá lóc đã um vào đảo đều. Quá trình này chỉ dùng muỗng canh để đảo, tuyệt đối không dùng đũa để tránh môn bị “lăn tăn”. Khi nước bắt đầu sôi lại, tiếp tục cho một ít bột năng hoặc bột gạo, bột bình tinh... đã khuấy với nước lọc vào chờ đến lúc nồi canh sôi sền sệt thì tắt bếp, múc ra tô rắc thêm ít rau ngổ, hành ngò phía trên cho đẹp mắt. Món này có thể ăn cả lúc nóng hoặc nguội mà vẫn giữ được vị ngon đặc trưng. Cũng có thể ăn kèm với cơm hoặc ăn no không cần cơm nếu trong quá trình nấu thay các loại bột bằng gạo tấm vẫn giữ được độ bùi, béo, đậm đà của hạt gạo, vị thơm của môn, ngon ngọt từ cá lóc tươi...

Bây giờ để mua được cá lóc đồng không phải dễ nhưng ngày trước mỗi khi đến mùa cào ruộng hoặc sau khi gặt lúa, thế nào ba và em trai tôi cũng đi “soi” (dùng đèn pin đội đầu rọi vào nước khi gặp “cá đóng đèn” thì dùng chơm hoặc ở những vũng nước giữa hai luống đất trồng hoa màu thường có những “chú” lóc đồng trú ngụ), ít thì được vài con, có hôm trúng thì được cả mớ. Bắt được nhiều thì nhốt trong thùng nước để ăn dần. Khi nào cần có là có ăn ngay nên muốn nấu canh môn cá lóc là có sẵn luôn nguyên liệu.

Bây giờ ngày càng có nhiều món ngon nên canh môn sen cá lóc cũng dần mất chỗ đứng. Đi chợ phải tìm hỏi kỹ lắm mới mua được môn, cá lóc đồng cũng ít nên nếu hôm nào đủ nguyên liệu kiểu gì tôi cũng đãi cả nhà món canh cá lóc môn sen sở trường.

Bài, ảnh: L. ĐAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o, các dì hàng bánh canh cá lóc. Họ cán dẹt bột bằng một tấm trụ tròn, sau đó dùng dao xắt trực tiếp vào nồi nước dùng đang nghi ngút khói, từng sợi bánh canh bay như thoi đưa, rất khéo léo và chính xác. Bột chín rồi thì được vớt ra tô, rưới nước dùng lên và cho thêm trứng cút, cá lóc và hành lá. Nồi thịt cá lóc đã được ráy sẵn đỏ au là điểm nhấn bắt mắt của hàng bánh canh.

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Huế vào top các thành phố có món ăn ngon nhất thế giới

Trang web Taste Atlas (chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới) vừa công bố danh sách “Những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023 - Best Food Cities in the World” nhằm vinh danh nền ẩm thực địa phương của các điểm đến. Trong danh sách này, Huế được đánh giá xếp hạng thứ 28 thành phố có món ăn ngon nhất thế giới.

Huế vào top các thành phố có món ăn ngon nhất thế giới
Nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế

Cùng với sáu món ăn tiêu biểu của Huế được vinh danh, nhiều món ăn khác của các địa phương tại Thừa Thiên Huế có thể tiếp tục lọt top “1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và để góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực.

Nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế
Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh

Chiều 7/11, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn I - 2022; Phát động bình chọn đề cử giai đoạn II - 2023 trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và trao chứng nhận hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh
Return to top