ClockChủ Nhật, 27/02/2011 06:41

Dòng sông huyền thoại - tư tưởng

TTH - Nếu được tóm tắt về cho Huế, tôi sẽ mạnh dạn đề cập đến hai từ rất ngắn gọn: CẨN TRỌNG, và SANG TRỌNG, như là điểm trọng tâm xuyên suốt, tạo nên cái HỒN, cái THẦN của Huế.

Huế, một diện mạo cụ thể hay chân dung tổng thể, sẽ là điều rất khó nói, khó phác thảo bởi tận nguồn cội, suốt chiều dài lịch sử, Huế luôn mang trong mình nhiều cơ hội đặc biệt, với nhiều sứ mạng lịch sử đặc biệt. Từ đó, định hình nên dáng vẻ đặc biệt, “chẳng nơi nào có được”. Nét riêng đó, suy cho cùng, chính là những giá trị bản sắc, đặc trưng.

Nếu được tóm tắt về cho Huế, tôi sẽ mạnh dạn đề cập đến hai từ rất ngắn gọn: CẨN TRỌNG, và SANG TRỌNG, như là điểm trọng tâm xuyên suốt, tạo nên cái HỒN, cái THẦN của Huế. Văn hóa, suy cho cùng, là thế ứng xử của con người trước môi trường thiên nhiên cũng như nhân quần xã hội. Sở dĩ cộng đồng con người nơi đây phải cẩn trọng và sang trọng đến vậy, sâu xa, cái môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội ấy phải rất đặc biệt, mới tạo nên được dấu ấn đến mức đặc trưng. Trong đó, điểm nhấn có tính nguồn cội trong cái nôi bao bọc ấy, chính là dòng sông Hương.


Sông Hương: thuyền Hoàng thái hậu nhà Nguyễn.

Dải đất miền Trung có nhiều sông suối. Hằng số địa lý này vừa có tác dụng chia cắt, vừa trong thế nối liền những miền đất bị cắt xẻ mạnh bởi núi đồi (hoành sơn), sông suối, đầm phá, cồn cát ven biển… Tuy nhiên, điểm đáng quan tâm là cũng trên dải đất nhỏ hẹp, tựa núi sát biển này, mỗi một dòng sông, từ chỗ mang nhiều nét riêng trong cấu tạo địa chất, thủy văn…, lại đảm đương một sứ mạng lịch sử - văn hóa đặc thù.
 
Quảng Bình - vùng đất giáp ranh, sông Gianh (Đại Linh Giang) quả thực đã mang trong mình, nổi bật là một dòng sông CHÍNH TRỊ - QUÂN SỰ. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này xưa nay đã sản sinh nhiều danh tướng, từ Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ… cho đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời hiện đại.
 
Bên kia ải Hải Vân, dòng sông Sài Thị (chợ Củi, được hợp lưu bởi hai nguồn chính phía thượng lưu là Thu Bồn và Vu Gia) phát nguyên từ vùng núi Quảng Nam, Tây Nguyên vốn nhiều lâm thổ sản quí hiếm, nổi tiếng tận thời kỳ đầu công nguyên. Trong đó, có phần lãnh địa của người Katu - “kẻ sống đầu ngọn nước”, nổi tiếng là những KẺ SĂN MÁU theo cách nói của Le Pichon (B.A.V.H, 1938), như là một thông điệp đầy sức thuyết phục cho việc bảo vệ các nguồn tài nguyên lâm thổ sản trù phú, có giá trị hàng hóa, trước mọi sự nhòm ngó từ bên ngoài. Hậu phương bao la đó trở thành nguồn lực chính cho sự sầm uất của thương cảng Hội An thời Đàng Trong - một cách tái hiện Đại Chiêm Hải Khẩu của Tiên chúa Nguyễn Hoàng. Con người, trong bối cảnh đó, rất năng động, mang đậm chất “thị dân”, của những người “có máu” làm kinh tế, từ rất sớm: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le chở xuống, cá chuồn chở lên”.
 
Trong lúc đó, với người Huế, dù “rất thương” nhưng vẫn “sợ”: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Tại sao lại sợ? Tất cả, suy cho cùng, cũng chính bởi tính chất tâm linh huyền bí đầy giá trị tư tưởng của những dòng sông đặc biệt trên vùng đất Ô - Lý/ Hóa - Thuận này: Sông Hương, sông Ô Lâu, sông Thạch Hãn. Đó là nỗi niềm “bất an” bởi tâm lý di cư của con người từ miền Bắc trên vùng đất mới vốn nhiều lạ lẫm, vốn đã “có chủ”, là “người Chiêm Thành”, “người Bồng Nga” (Thỉ thiên - 1429).
 
Vượt qua Hoành Sơn quan, chúa tôi Nguyễn Hoàng phải chịu sức ép cam go từ nhiều phía, nên bãi cát Ái Tử được lựa chọn là điểm dừng chân buổi đầu (Mậu Ngọ - 1558). Chỉ với đoạn đường hơn 65km (Ái Tử - Huế) nhưng phải mất đến 78 năm (1558 - 1636), trải hai đời chúa Nguyễn, qua bao lần dời dựng suốt một hành trình gian nan, thủ phủ xứ Đàng Trong mới được dịch chuyển về nam rồi định đô ở Kim Long - Phú Xuân.

Thuyền cung đình Tế Thông

 
Suốt chặng đường đó, các chúa Nguyễn đã đi qua những dòng sông và quan trọng hơn, phải khẳng định mình bằng chính khả năng “Việt hóa” những yếu tố “phi Việt”. Cụ thể là hai vị nữ thần sông, thông qua hình thức báo mộng, ở Ái Tử và Thiên Mụ, về cơ bản, đã giải quyết được hai nhu cầu căn bản cho một chính thể mới buổi đầu: (1) QUÂN TÌNH trong thế tìm đất đứng chân, thông qua trận thắng đầu tiên với quân Mạc của tướng Lập Bạo nhờ tiếng chim Qua Qua của CÔ GÁI ÁO XANH - BỜ SÔNG ÁI TỬ năm 1570, sau đó trở thành QUA QUA PHU NHÂN, được liệt vào hàng quốc tế; (2) DÂN TÌNH, chiến lược nhân tâm, định hình nên hệ tư tưởng chính thống cho đất mới Nam hà (ra đời Thiên Mụ tự) trên cơ sở kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa: hình ảnh BÀ TRỜI ÁO ĐỎ - BỜ SÔNG HƯƠNG năm Tân Sửu (1601).
 
Chi tiết đáng lưu ý ở đây là người dân Việt di cư đã rất năng động trong khả năng chuyển hóa, “Việt hóa” những yếu tố lạ lẫm, điển hình là ở chính dòng sông Hương huyền hoặc chất huyền thoại và lịch sử. Quá trình huyền thoại hóa và lịch sử hóa ở đây đan xen như quyện chặt, thật khó tách rời. Trên nền tảng một ngôi miếu đổ nát của cộng đồng cư dân bản địa tiền trú, với sự hiện diện đến mức phổ biến, dưới nhiều dạng thức, của Poh Iư Nagar - BÀ MẸ XỨ SỞ, người Việt đã thật có lý, và hợp lý khi chuyển hóa nữ thần này trở thành danh xưng Hán Việt với đầy đủ ý nghĩa của thổ ngữ, là Thiên Y A Na. Từ đây, lại tiếp tục có sự rút gọn trở thành Thiên Mẫu và dân gian chốn miền Trung quen gọi là Thiên Mụ.
 
Tương tự, cũng có thể trên nền tảng một ngôi cổ tự đổ nát chưa định hình được đối tượng thần linh thờ tự cụ thể, người Việt đã tiếp cận một trung tâm tín ngưỡng Poh Iư Nagar ở Hải Cát để “cung thỉnh” Bà về đây, hình thành nên Bà Trời Áo Đỏ, theo phương thức đó. Từ tín ngưỡng dân gian, mang đậm màu sắc huyền thoại, tài chính trị lỗi lạc của chúa Tiên đã nhanh chóng chuyển tải nội dung huyền diệu đó trở thành nguyên liệu chính yếu cho một quá trình lịch sử hóa quan trọng cho lịch sử - văn hóa Huế.
 
Ở cấp độ phổ quát hơn, ở chốn dân gian, hầu như mọi vị thần bản địa (Yang) đều được người Việt “kính nhi viễn chi” tôn xưng bằng BÀ. Từ YANG được chuyển hóa thành DÀNG, để rồi lại trở thành BÀ DƯƠNG, hay kính cẩn qua danh xưng DƯƠNG PHU NHÂN…

Sông Hương: toàn cảnh bến thuyền

Danh xưng Huế, lần tìm từ nguồn cội, đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên, xem xét vấn đề trong phương thức và bối cảnh đặc thù Huế như vậy, CÂU HUE mang ý nghĩa một “dòng sông hương thơm” trong thổ ngữ tiền Việt, xem ra vẫn hữu lý, rất đáng được lưu tâm. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở một danh xưng, mà cao cả hơn, là quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt - phi Việt, vấn đề cốt lõi tạo nên cái hồn, cái thần cho Huế, như qua trường hợp Bà Thiên Mụ.
 
Có lẽ vì vậy mà vùng đất Huế suốt chiều dài lịch sử, là một vùng đất thiêng, trở thành tiền đề cho việc gánh vác trọng trách trung tâm Phật giáo - tôn giáo: xứ Thiền kinh. Nếu như vùng đất Quảng Bình sản sinh nhiều võ tướng, con người xứ Quảng Nam là những thương nhân tiềm năng…, thì mảnh đất này lại là quê hương bản quán của nhiều danh tăng, thi sĩ nổi tiếng.
 
Huế nghèo tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp thuần túy, cho nên sở trường cho Huế phải chăng chính là trục văn hóa - giáo dục - du lịch. Người Huế cẩn trọng, sang trọng, được nuôi dưỡng trong môi trường gia giáo truyền thống đặc trưng hiếm hoi còn lại, một chốn huyền diệu của huyền thoại và tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng… sẽ là nguồn nguyên liệu chính yếu trong việc tiếp tục tạo dựng dấu ấn đặc trưng riêng có trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay của một THÀNH PHỐ LỄ NGHI: THÀNH PHỐ FESTIVAL.

                TS Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top