ClockThứ Sáu, 05/01/2018 05:11

Du khách và cảm giác bị "bỏ rơi"

TTH - Phố “Tây”, trục đường Lê Lợi và nhất là khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng, cửa Ngăn, quanh Đại Nội được xem là những điểm nóng về môi trường du lịch, nhưng không có bất kỳ một điểm tiếp nhận phản ánh hay thông tin về điểm đến nào cho du khách.

Chạm vào trái tim du kháchKhuyến cáo du khách Việt Nam không đến vùng núi lửa phun trào ở BaliAn toàn cho du khách trong mùa mưa bãoDu khách quốc tế đến Mỹ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009Đưa du khách đến Huế bằng đường sắt

Không có điểm tiếp nhận

Một hướng dẫn viên (HDV) du lịch (xin giấu tên) cho biết, mới đây anh dẫn một đoàn khách đi tham quan Huế bị một số người bán hàng rong chèo kéo rất khó chịu. Khách không có nhu cầu nên đã bỏ đi, ngay lập tức nhận luôn một “trận chửi”. Cũng may những vị khách nước ngoài không hiểu tiếng Việt.

Khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, cửa Ngăn (ảnh) chưa có điểm hỗ trợ và tiếp nhận thông tin

Người HDV này bày tỏ, muốn phản ánh với cơ quan chức năng để kịp thời đến điều chỉnh nhưng lại không biết phản ánh bằng cách nào. Các điểm du lịch ở Huế hiện không có bất kỳ một điểm tiếp nhận, hay công bố đường dây nóng để phản ánh. “Cách mà các HDV như tôi phản ánh khi có việc bức xúc là lên các trang thông tin điện tử về du lịch, hay mạng xã hội. Mặt trái khi phản ánh như thế là nhiều người hơi quá đà, dễ “vơ đũa cả nắm”, khi đó lại càng làm ảnh hưởng đến du lịch Huế, gây hiểu lầm cho du khách vì không phải điểm nào cũng có tình trạng như thế”, HDV này cho biết.

Xích lô bắt khách, hàng rong chèo kéo, thợ chụp ảnh ra khu vực này mời khách… tạo ra những hình ảnh rất lộn xộn. Thanh tra Sở Du lịch cho rằng, khu vực này trách nhiệm quản lý thuộc về công an các phường. Dù thế, mới đây công an các phường thông tin, nhiều xích lô đậu trên lề đường của phường Thuận Hòa xuống đường mời khách thì Công an Phú Hòa không xử lý được. Hay người bán hàng rong thuộc phường Thuận Thành thì Công an Phú Hòa cũng khó xử lý…

Trước đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trích một phần kinh phí hỗ trợ lực lượng công an túc trực ở khu vực từ Bến xe Nguyễn Hoàng vào Đại Nội thì tình hình rất nghiêm túc. Sau này không có sự phối hợp nữa thì tình trạng lộn xộn lại xảy ra. Giải pháp được các doanh nghiệp đưa ra là hình thành một điểm tiếp nhận phản ánh của du khách ngay tại khu vực này, khi đó môi trường du lịch sẽ ổn định lâu dài.

Ghi nhận trên trục đường Lê Lợi, khu phố “Tây” cũng không có bất kỳ một điểm tiếp nhận thông tin hay hỗ trợ cho du khách. Trước đây, có Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch đóng tại đường Lê Lợi (Trung tâm Nghệ thuật XQ Cổ độ hiện nay) thì nay đã chuyển sang đường Hoàng Hoa Thám. Gần một năm qua, lượng khách vào địa điểm mới để lấy thông tin hay phản ánh thắc mắc chỉ đếm “trên đầu ngón tay”. Lý do là vì trái với đường Lê Lợi.

Một điểm hỗ trợ thông tin khác được hình thành vào năm 2014 là Trung tâm Hỗ trợ du khách trực thuộc Trung tâm Festival Huế, địa chỉ 17 Lê Lợi hiện nay cũng đã đóng cửa. Lý do, không có nhân lực để duy trì hoạt động. Trước đây, giải pháp duy trì là hợp tác với một doanh nghiệp du lịch mở văn phòng ở đây, kiêm luôn nhiệm vụ hỗ trợ khách. Gần đây, công ty này đã chuyển địa điểm nên trung tâm cũng dừng hoạt động.

Cần sớm có phương án

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, với những trường hợp ảnh hưởng đến du lịch nằm trong quần thể di tích thì trung tâm tiếp nhận và xử lý, còn nằm bên ngoài thì không thể can thiệp vì không đủ thẩm quyền. Trong khi đó, với những điểm bên ngoài giao cho các phường, nhưng với nhân lực hiện tại thì các phường cũng không thể ngày nào cũng đi thanh kiểm tra.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch cho biết, giải pháp lâu dài là hình thành các trạm tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, giải pháp này gặp một số khó khăn, trước tiên là về nhân lực của ngành du lịch không đủ. Thứ hai là mặt bằng để đặt các trạm này. Trước đây, đã có phương án hình thành một điểm tiếp nhận thông tin theo hình thức xã hội hóa ở Bến xe Nguyễn Hoàng, nhưng sau đó không thống nhất được mặt bằng nên không thực hiện được. Do đó, cần có một chủ trương chung để các cơ quan, ban ngành hỗ trợ mặt bằng.

Phương án phối hợp để cung cấp đường dây nóng ở các bảng chỉ dẫn du lịch, bảng giới thiệu các điểm đến để du khách biết và phản ánh khi có các sự việc đã được ngành du lịch thông tin khá lâu. Tuy nhiên, một thời gian dài, giải pháp này vẫn chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, ngoài cung cấp đường dây nóng, cần hình thành một đội phản ứng nhanh. Khi có phản ánh thì đội này đến giải quyết, chứ như hiện nay chỉ thanh tra du lịch đến cũng không giải quyết được sự việc.

Ông Trương Thành Minh cho hay, cách đây không lâu, nhằm thông tin điểm đến cho du khách sâu rộng hơn, ngành phối hợp với Hiệp hội Du lịch xây dựng một quyển brochure về tất cả tour tuyến và điểm du lịch ở Huế. Sau đó đặt ở các khách sạn và doanh nghiệp lữ hành. Nhưng công việc này cũng không thực hiện được vì nhiều cơ sở lưu trú không đồng ý và một số doanh nghiệp lữ hành không tham gia vì không thống nhất được giá dịch vụ.

Nhiều du khách cho rằng, có cảm giác bị “bỏ rơi” khi đến Huế du lịch. Ngành du lịch cần có các tham mưu sớm hình thành các trạm tiếp nhận và hỗ trợ thông tin cho du khách, để Huế xứng đáng với danh hiệu điểm đến an toàn và thân thiện.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top