ClockChủ Nhật, 18/07/2010 21:35

Du ký xứ hoa Anh đào

TTH - Tôi lại được thăm xứ xở hoa anh đào. Đi hội thảo, đi về vẫn chỉ 4 ngày như mọi lần. Dù công việc rất bận nhưng tôi vẫn hồ hởi chuẩn bị cho chuyến đi này, vì đây là lần hội thảo tổng kết đề tài nghiên cứu của nhóm, đồng thời lại được tổ chức tại Kyoto.

Cố đô nổi tiếng của nước Nhật quả là tuyệt đẹp. Bước ra khỏi tàu tốc hành Haruka sau hành trình 75 phút từ sân bay Kansai tôi được Kyoto đón bằng cả một bầu trời trong veo tràn ngập ánh nắng vàng. Trời lạnh nhưng rất dễ chịu. Anh bạn thân đón tôi ở ga với nụ cười thật tươi và cho biết, tôi là người may mắn vì cả tuần trước Kyoto đều mưa lạnh, ánh nắng vàng ngày hôm nay là một đặc ân mà cố đô dành cho tôi. Cùng các đồng nghiệp, tôi được bố trí ở Khách sạn Royal Garden Palace, đối diện với Hoàng cung Kyoto, một vị trí mà bao du khách mơ ước. Ở đây, vào sáng sớm chúng tôi có thể đi bộ quanh Hoàng cung hay thoải mái ngắm cảnh trong ngự uyển...

Chúng tôi có hai ngày tham quan khảo sát quanh vùng Kyoto và Osaka trước buổi hội thảo, đây quả là khoảng thời gian tuyệt vời. Ngày đầu tiên chúng tôi được bà Keiko Kawamoto, phu nhân của vị giáo sư chủ trì hội thảo lái xe đưa đi thăm ngôi thiền tự Chion-in (Tri Ân Viện) và khu phố cổ ở phía nam của cố đô Kyoto. Bà vốn là người chuyên nghiên cứu về mỹ thuật Nhật Bản cổ nên đã giúp chúng tôi biết thêm nhiều điều về nghệ thuật trang trí và hội họa trong các di tích kiến trúc nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc.
 
Chùa Chion-in là cả một quần thể kiến trúc đồ sộ tọa lạc ở chân ngọn núi phía Nam Kyoto. Ngôi chùa nguyên thủy được xây dựng từ năm 1234 nhưng do động đất và hỏa hoạn nên kiến trúc chùa hiện nay cơ bản là được xây dựng trong thế kỷ 17, dưới thời của vị Tokugawa đời thứ 3 là Shogun Iemitsu, và cũng vì vậy chùa mang đậm phong cách kiến trúc cung đình. Trong chùa vẫn còn 2 nhà khách nhỏ được xây dựng từ năm 1641, có lẽ cũng là những nhà khách cổ nhất của nước Nhật.
 

Thiền tự Chion-in
 
Bước qua tòa tam quan gỗ đồ sộ của chùa bạn còn phải leo qua mấy chục bậc đá cao ngất nữa mới đến sân chùa. Cổng chùa là chiếc cổng bằng gỗ lớn nhất của Nhật Bản hiện còn. Cổng được xây dựng năm 1619, kiểu 2 tầng mái, cao tới 24m. Tài liệu lịch sử cho biết, thời kỳ hưng thịnh nhất chùa có đến 21 công trình kiến trúc và là ngôi chùa có tổng mặt bằng rộng nhất của Kyoto.
 
Trong ánh chiều xuân lấp loáng như tráng bạc trên nền sỏi trắng của sân chùa, tôi thích thú ngắm nhìn từng chi tiết trang trí tinh xảo của hệ thống bậc cấp dẫn lên tòa chính, bộ mái lợp cây sậy kiểu cung điện Kyoto và đặc biệt là gốc bạch mai đang trổ hoa trắng xóa bên cạnh nhà chuông khổng lồ. Chion-in có nhiều điểm đặc biệt so với các ngôi chùa cổ của Kyoto và là ngôi chùa giữ rất nhiều kỷ lục. Tòa kiến trúc chính của chùa Ngự Cảnh Đường (Mieido) có thể chứa đến 3000 người bên trong sàn nhà bằng gỗ rộng mênh mông của nó. Chuông chùa cũng là quả chuông lớn nhất Nhật Bản, nặng đến 74 tấn! Mỗi khi vào lễ mùa xuân phải có đến 17 vị sư đứng nối vòng tay quanh quả chuông vĩ đại này để cầu nguyện. Tòa chính được xây dựng vào năm 1633, chuông cũng được đúc cùng năm này.
 
Ngoài những kỷ lục đã kể, ngoài phong cách kiến trúc cung đình cao quý, Chion-in còn có chiếc ô bằng đồng che cho lư hương trước tòa kiến trúc chính rất nổi tiếng. Nghe nói người ta thiết kế chiếc ô này nhằm “gọi mưa” đến, mục đích là phòng chống hỏa hoạn cho kiến trúc của chùa. Chion-in còn được nhiều người biết đến do đây là nơi diễn viên Tom Cruise đã đóng phim The Last Samurai. Sự thành công của siêu phẩm điện ảnh này đã mang Chion-in ra khỏi nước Nhật.
 
Khu phố cổ kyoto chỉ cách chùa Chion-in chừng 10 phút đi bộ. Cũng như Việt Nam, kiến trúc truyền thống Nhật đều là kiến trúc gỗ, phần lớn nhà phố thì đều lợp ngói, cách bố trí không gian cũng khá gần gũi với chúng ta. Khu phố cổ mà chúng tôi đi dạo là khu phố chuyên kinh doanh nghệ thuật với rất nhiều quán trà, quán ăn thuần túy kiểu Nhật Bản.
 

Các Geisa ở phố cổ Kyoto
 
Trong ánh hoàng hôn mờ tỏ khá đông geisa (kỹ nữ) với trang phục lộng lẫy lượn qua lượn về chào đón du khách đến quán. Các geisa này đều mặc kymono, đi guốc tròn cao bằng gỗ, mặt đánh phấn trắng xóa cực kỳ tương phản với mẩu son đỏ chót bôi chính giữa môi dưới. Rất nhiều du khách nước ngoài hào hứng ghi hình hoặc xin chụp ảnh chung với các geisa xinh đẹp này. Sau một buổi đi bộ mỏi nhừ chân chúng tôi được bà Keiko mời ăn món Kuri Kuri, loại chè khoai mài truyền thống của Kyoto. Cách chế biến món chè rất lạ, bột củ mài sau khi nhào nặn được vuốt thành những sợi dài như sợi mỳ Ý sẽ được ngâm trong nước đá. Khi ăn, khách dùng đũa gắp những “sợi mỳ” này ra, nhúng vào mật mía mà thưởng thức. Gía một suất chè kèm theo nước trà là 800 Yên (khoảng 150 ngàn đồng Việt Nam).
 
Ngày hôm sau thì đích thân giáo sư Kawamoto đưa chúng tôi đi Osaka thăm lâu đài Himeiji, di tích được xếp vào hàng quốc bảo của Nhật Bản.
 
Được mệnh danh là Lâu đài Hạc trắng bởi màu sắc và hình dáng khá đặc biệt, Himeiji nổi bật giữa vùng Kansai với quy mô lớn và lợi thế tọa lạc trên một quả núi khá cao. Thực ra tên đúng của tòa lâu đài này là Cơ Lộ Thành, công trình được xây dựng từ năm 1346 bởi vị Sogun Amatsu Sadanori chủ trì để chống lại các Sogun của địa phương. Sau khi hoàng đế Nobunaga Oda khống chế được huyện Harima vào năm 1577, ông giao việc cai quản vùng này cho Hideyoshi, người đã cải tạo, nâng cấp Himeiji trở thành một pháo đài về quân sự với hơn 30 lô cốt. Năm 1601, Ikeda Terumasa đã đầu tư một kế hoạch 9 năm để xây dựng lâu đài Himeiji, biến nó trở thành một tòa thành khổng lồ có diện mạo như hiện nay. Đây là món quà mà ông dành cho Mạc phủ Tokugawa Ieyasu nhằm chống lại sự nổi loạn của các tướng quân. Một số nhà sử học Nhật Bản đã ước tính người ta đã bỏ ra khoảng 25 triệu nhân công để xây dựng lại Himeiji! Sau mấy trăm năm tồn tại, Himeiji bị xuống cấp hư hại, năm 1931, công trình được Viện thiết kế quốc gia Nhật Bản thiết kế lại. Việc tu bổ được tiến hành trong các năm 1956, đến năm 1964 thì hoàn thành. Tháng 12 năm 1993, Himeiji được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
 
Khi chúng tôi đến Himeiji trời đang mưa lất phất và khá lạnh. Hàng anh đào cổ thụ phía trước lâu đài đang trơ trụi lá nhưng phong cảnh hết sức hùng vỹ. Vượt qua cây cầu bắc qua hào hộ thành, chúng tôi qua cổng chính rồi bắt đầu leo lên hệ thống bậc cấp đá để đi lên tòa lầu chính. Cơ Lộ Thành gồm nhiều phần nhưng lộ trình hiện nay chủ yếu là tham quan tòa lâu đài chính cao 5 tầng này. Có đến tận nơi, xem tận mắt mới thấy hết vẻ kỳ vỹ của công trình này. Toàn bộ nền đài được xây đắp bằng gạch đá, bên trên là bộ khung gỗ đồ sộ với toàn bộ 5 tầng lầu lát ván; mái công trình lợp các loại ngói ống. Du khách nước ngoài và học sinh phổ thông Nhật Bản đi tham quan rất đông, nhưng tất cả đều trật tự ngăn nắp. Ai cũng tự giác cầm tay đôi giày hoặc dép của mình sau khi bỏ vào túi nilon đã được chuẩn bị sẳn ở tầng 1.
 
Đứng trên tầng cao nhất của Himeiji, phóng mắt nhìn ra bốn phía bạn mới cảm nhận hết vẻ hùng tráng của tòa thành và khâm phục sự tài giỏi của tướng quân Ikeda Terumasa khi ông chọn địa thế tuyệt đẹp này để xây pháo đài. Cả tòa thành rộng lớn nằm gọn trên một quả núi, xung quanh đều có hào nước sâu vây bọc. Phía trước của Himeiji còn có 2 ngọn núi nhỏ, địa thế kiểu “tả long hữu hổ” để bảo vệ cho tòa thành này. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ trên hai ngọn núi ấy vẫn còn nền móng những không trình kiến trúc không nhỏ. 
 
Trên đường trở về Kyoto chúng tôi ghé thăm chùa Tịnh Thổ, một ngôi chùa có quy mô khá khiêm tốn nằm ở phía nam của Nara (Nại Lương thành), một cố đô khác của Nhật Bản trước thời Kyoto. Chùa không lớn nhưng có bức tượng Phật Quán Thế Âm rất đẹp, được xếp hàng quốc bảo. Đúng 16 giờ chiều, chúng tôi được phép đánh chuông bằng cách giật sợi dây thừng để điều khiển chiếc chày kình. Mỗi người đều chắp tay cầu nguyện thành kính trước khi được bước lên thỉnh chuông. Từng tiếng chuông vang lên, ngân dài làm ấm cả hoàng hôn.
 
 
Hội thảo của chúng tôi được tổ chức tại phòng hội nghị của trường đại học Nữ Kyoto. Có khá đông các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học vùng Kyoto, Nara, Osaka và cả Tokyo tham dự. Sau phần giới thiệu ngắn của giáo sư Kawamoto, chúng tôi lần lượt trình bày các báo cáo khoa học mang tính tổng kết về chương trình 2 năm nghiên cứu về không gian và nghi lễ trong cung điện châu Á. Mỗi báo cáo viên có đến hơn 60 phút để trình bày và trả lời các câu hỏi phản biện. Phương pháp nghiên cứu kiến trúc truyền thống châu Á từ góc độ không gian và nghi lễ là một hướng nghiên cứu khá mới mẻ, đòi hỏi phải có một sự phối hợp liên ngành giữa kiến trúc, mỹ thuật, sử học, nhân học…; đặc biệt, đòi hỏi người nghiên cứu phải có sự am hiểu nhất định về triết học phương Đông.
 
Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra và không phải câu hỏi nào cũng được giải đáp thỏa đáng. Tôi hết sức vui mừng vì nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản rất quan tâm đến cung điện Huế và các nghi lễ cung đình thời Nguyễn. Một số đoạn phim tôi trích giới thiệu về lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc mới được phục dựng trong kỳ Festival Huế 2008 đã tạo nên sự chú ý đặc biệt của những người tham dự. Đáng tiếc là tôi không có nhiều đĩa DVD phim về những lễ tế này để tặng các học giả. Sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu đối với đề tài đã khiến giáo sư Kawamoto vui mừng tuyên bố, ông sẽ nỗ lực hết sức để tiếp tục phát triển đề tài này. Và như vậy, nhóm nghiên cứu quốc tế của chúng tôi sẽ còn tiếp tục hoạt động!  
 
 
Ngày cuối cùng trước khi rời Kyoto, do chuyến bay muộn, vợ chồng giáo sư Kawamoto lại nhiệt tình đưa tôi đi thăm ngôi chùa Ginkakuji (Chùa Bạc) nổi tiếng. Chùa nằm ở phía tây cố đô, gần như đối xứng với chùa Vàng ở phía đông bắc. Phần lớn du khách đến Kyoto đều biết nhiều đến chùa Vàng chứ ít biết đến chùa Bạc. Thực ra, chùa Bạc có vẻ đẹp không hề kém cạnh chùa Vàng, giá trị văn hóa, lịch sử xem ra lại còn đặc sắc hơn vì rất nhiều yếu tố.                                    
 
Chùa Bạc có nguồn gốc từ một khu vườn của vị Tokugawa đời thứ 8 là Ashikaga Yoshimasa xây dựng từ năm 1482. Nguyên vị trí này là một phần đất của ngôi chùa nhỏ nằm sát chân núi phía đông Kyoto. Ashikaga đã lấy đất này để xây dựng một khu vườn cảnh để làm nơi nghỉ dưỡng của riêng mình. Ashikaga là một vị tướng quân tài ba nhưng lại là một con người khá bất hạnh trong cuộc sống gia đình, bởi vậy ông đã dồn tâm sức cho việc kiến tạo khu vườn này thành một kiến trúc phong cảnh tuyệt đẹp. Khu vườn của ông được xem là điển hình của phong cách Higashiyama, phong cách vườn thiền nổi tiếng của Kyoto. Trong chùa có 2 công trình được xây dựng từ thế kỷ 15 là Ngân Các (Gác Bạc) và Đông Cầu Đường, tuy trải qua nhiều lần trùng tu nhưng đến nay vẫn giữ được phong cách nguyên thủy. Cả hai đều được xếp hạng quốc bảo của Nhật Bản.
 
Bước qua chiếc cổng gỗ xinh xắn, phần lớn du khách đều phải ngước mắt choáng ngợp bởi hai hàng hoa hải đường cao vút được cắt xén vuông vức tựa hai bức tường thành. Đầu xuân, hải đường đang mùa ra hoa nên bức tường xanh này lại lốm đốm sắc đỏ trông rất đẹp. Ngân Các đang được trùng tu nhưng với tôi đó lại là điều may mắn vì được xem kỹ toàn bộ kết cấu bộ khung gỗ và cả chi tiết bộ mái lợp gỗ thông.
 
 
Một may mắn nữa là chúng tôi bắt gặp ngay trên sân chùa cảnh người thợ đang cào lớp cát sông tạo hình sóng nước mà người Nhật gọi là Ngân Sa Hán (dải Ngân Hà bằng cát, tượng trưng cho bầu trời). Đây là một trong những thủ pháp độc đáo của nghệ thuật vườn cảnh Nhật Bản. Sát bờ ao có cái tên rất đẹp Cẩm Kính Trì là đài cát đắp hình tháp tròn mang tên Hướng Nguyệt Đài. Theo giáo sư Kawamoto, chùa Bạc là ngôi chùa duy nhất của Nhật Bản còn bảo tồn được nghệ thuật đắp đài Hướng Nguyệt bằng cát. Loại cát này cũng rất đặc biệt vì có nguồn gốc từ đá hoa cương nên có màu nâu đen và phát sáng lấp lánh khi có ánh nắng chiếu vào. Theo sử liệu, sau khi Ashigaka qua đời, khu vườn của ông đã được quốc hữu hóa rồi dựng thành chùa. Nhiều công trình kiến trúc mới đã được dựng thêm nhưng hần vườn cảnh thì vẫn được giữ nguyên. Phần kiến trúc vườn này đang còn giữ phong cách khá tự nhiên, kể cả cây cảnh, non bộ, đá xếp quanh các dòng nước, cách tạo dòng chảy… chứ chưa có vẻ quá trau chuốt in rõ dấu ấn con người như ở Quế Ly Cung hay các vườn cảnh của thời kỳ Kyoto sau này.
 
Sau khi thăm Ngân Các Tự, vợ chồng giáo sư tiễn tôi đến nhà ga Kyoto để đáp tàu về sân bay Kansai. Vẫn còn thời gian nên tôi tranh thủ dạo quanh khu vực nhà ga. Quá đẹp, đầy đủ và hiện đại! Dường như tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống đều có thể mua tại đây, vì xung quanh nhà ga có cả một hệ thống siêu thị vô cùng phong phú. Hệ thống nhà hàng quanh ga cũng thu hút rất đông thực khách. Có lẽ đây là điểm rất khác ở Việt Nam. Người Nhật quả là tài giỏi vì Kyoto hiện đại là thế mà vẫn bảo tồn được những nét cổ kính dầy chất văn hóa của một cố đô.
 
Trên chuyến bay kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ trở về nước tôi cứ loay hoay mãi với suy nghĩ, đến bao giờ nước ta mới bằng Nhật Bản; tại sao một quốc gia bị tàn phá và khánh kiệt sau Đại chiến thế giới thứ 2 lại vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới chỉ sau vài chục năm? Đây cũng là câu hỏi đã ám ảnh tôi bao nhiêu lần. Có lẽ quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người. Cách đây hơn hơn thế kỷ, cụ Phan Bội Châu đã nhận ra vấn đề này rất rõ và ra sức kêu gọi người Việt Nam phải thức tỉnh để phấn đấu tự cường. Hơn 100 năm rồi nhưng những lời tâm huyết của cụ Phan vẫn còn nguyên giá trị!
 
TS Phan Thanh Hải
                                            ( Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế )
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2022 - 2026). Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Thêm điểm “check in” trước thềm xuân

Cánh đồng hoa cải ở Kim Long (TP. Huế) đang bắt đầu khoe sắc. Khi đến Huế vào dịp tết Tân Sửu, du khách sẽ có thêm lựa chọn điểm “check in” trong chuyến du xuân của mình.

Thêm điểm “check in” trước thềm xuân
Độc đáo với team building ở A Nôr

Lúc xe đang vượt đèo A Co (A Lưới), người tổ chức tour giới thiệu, team building (các trò chơi tập thể) lần này sẽ rất khác biệt, không chỉ giúp du khách gắn kết với nhau, mà còn là sự trải nghiệm và khám phá văn hóa độc đáo của A Lưới, hòa mình vào cảnh sắc, thiên nhiên ở làng du lịch cộng đồng A Nôr...

Độc đáo với team building ở A Nôr
Hai điểm đến hút khách sau công chiếu phim "Mắt biếc"

Theo dự kiến, các điểm chính xuất hiện trong bộ phim Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ sẽ được nhiều du khách lựa chọn dịp Tết nguyên đán này. Chính quyền địa phương, Sở Du lịch cũng như hãng lữ hành đã có những bước đầu tư cho các điểm đến nói trên.

Hai điểm đến hút khách sau công chiếu phim Mắt biếc

TIN MỚI

Return to top