ClockThứ Năm, 01/09/2022 07:56

Du lịch Huế “mở tiệc” lễ hội đón du khách đến chơi lễ Quốc khánh

TTH.VN - Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, khi đến Huế đúng vào dịp Quốc khánh năm nay, du khách sẽ được ngành du lịch Cố đô “chiêu đãi” bằng các lễ hội đặc sắc và hấp dẫn.

Từ một chỉ số tự tinKinh nghiệm mua vé máy bay đi Côn ĐảoNhộn nhịp tour du lịch lễ Quốc khánhNâng cao hình ảnh du lịch, đảm bảo an toàn cho du kháchTham vấn xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng

Trong những ngày lễ, Huế tổ chức nhiều lễ hội để thu hút khách du lịch

Ngày nào cũng có lễ hội

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay kéo dài 4 ngày, từ ngày 1 cho đến hết ngày 4/9. Trong 4 ngày lễ, ở Huế tổ chức liên tiếp 5 lễ hội, hoạt động gắn với lễ hội mang dấu ấn văn hóa đặc sắc riêng của vùng đất Cố đô; qua đó, phần nào sẽ đáp ứng được nhu cầu về trải nghiệm, khám phá văn hóa đặc trưng khi đến Huế của du khách.

Theo Sở Du lịch, bắt đầu “bữa tiệc” lễ hội trong dịp lễ Quốc khánh là Lễ hội Thanh trà Thủy Biều với chủ đề “Thanh trà Thủy Biều hương vị xứ Huế”, diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 4/9 tại 540 đường Bùi Thị Xuân, TP. Huế và nhiều điểm khác trong làng. Khi đến với lễ hội, du khách không chỉ được tìm hiểu về một loại trái cây “tiến vua” nức tiếng của Huế mà còn được tham gia tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động lễ cáo giang sơn tại đình làng Lương Quán, đình làng Nguyệt Biều; tour du lịch tham quan các nhà vườn thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán; hội thi ẩm thực “Bữa cơm gia đình với truyền thống Huế xưa”, “Chế biến các món ngon từ trái thanh trà”…

Ngày thứ hai của kỳ nghỉ, du khách yêu thích bộ môn đua ghe có thể đến trước bến Nghinh Lương Đình từ lúc 6h30 sáng để thưởng thức những màn xuất phát, bức tốc, lộn vè và về đích ngoạn mục của các vận động viên tại giải đua ghe truyền thống Thừa Thiên Huế lần thứ 33 vào sáng ngày 2/9 trên sông Hương.

Ngày thứ ba của kỳ nghỉ, đúng vào dịp cuối tuần, nổi bật nhất là Ngày hội Lân Huế 2022 với 2 nội dung thi đấu “Mai hoa thung” và “Nhất địa bửu” sẽ diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn. Cũng trong ngày 3/9, lần đầu tiên có không gian trưng bày và sắp đặt các chủng loại lồng đèn đặc trưng của Huế, đèn lồng cổ truyền. Kết hợp với giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa chơi Trung thu của người Việt như mâm cỗ Trung thu, đầu lân, con giống bột, tò he diễn ra tại tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế.

Nếu có thêm thời gian và muốn khám phá lễ hội đặc sắc nhiều hơn, du khách có thể đến với Phiên chợ quê “Hương xưa làng cổ” tại Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền) từ 17h00 ngày 3/9, với các hoạt động đặc trưng của ngôi làng cổ có lịch sử hơn 500 năm, như trải nghiệm nghề gốm truyền thống; mua các mặt hàng nông sản và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; thâm gia các trò chơi dân gian truyền thống; thưởng thức các món ăn dân dã truyền thống của địa phương.

Ngoài tham quan di sản, chùa chiền, các điểm du lịch suối thác, du lịch cộng đồng và các điểm "check - in" sống ảo, trải nghiệm trang phục áo dài truyền thống… du khách còn có thể còn có trải nghiệm ngắm cảnh và tham quan Cố đô Huế bằng xe bus 2 tầng mui thoáng nóc theo hình thực tour Hop on Hop off được khai thác từ ngày 1/9; trải nghiệm tour Trà chiều sông Hương, khởi hành hằng ngày từ 16h30; trải nghiệm xe đạp chia sẻ công cộng miễn phí tại TP. Huế, thuận tiện khách du lịch, người dân lấy và trả xe ở nhiều điểm khác nhau, phù hợp với những quãng đường di chuyển ngắn. Cùng với đó là hai sự kiện nghệ thuật, âm nhạc độc đáo là đêm chung kết toàn quốc Miss Golf Việt Nam 2022 diễn ra tại Nhà hát Sông Hương vào lúc 19h00 ngày 3/9 và Show diễn “Mây Lang Thang Cố đô Huế"” tại khu vực Rù Rì Hill (thôn Kim Sơn, phường Thủy Bằng, TP. Huế), tối ngày 2/9.

Sẵn sàng phục vụ khách

Bên cạnh các lễ hội, hoạt động diễn ra trong không gian rộng, mở cửa miễn phí để phục vụ du khách, trong ngày 2/9, du khách Việt Nam và người dân địa phương khi vào tham quan các điểm di tích Huế thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế cũng sẽ được miễn 100% vé.

Trải nghiệm phiên chợ quê “Hương xưa làng cổ” tại Làng cổ Phước Tích

Với nhiều hoạt động sôi động, hấp dẫn, đa dạng phù hợp với nhiều dòng khách, ngành du lịch kỳ vọng, trong dịp Lễ Quốc khánh, tính từ ngày 31/8 đến ngày 5/9, tổng lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế có thể thu hút được ước đạt 60 ngàn lượt, khách lưu trú ước đạt 25 ngàn lượt; trong đó, có gần 4.500 khách quốc tế. Công suất bình quân phòng các khách sạn đạt khoảng 53%, riêng ngày 1/9 và 2/9 công suất phòng của các khách sạn trên 70%, một số khách sạn 3-4 sao ở trung tâm TP. Huế và các khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp đạt trên 90%.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, từ cuối tháng 7/2022, các hãng hàng không đã tămg thêm một số chuyến bay đi và đến Huế. Trong dịp lễ sẽ duy trì 22 - 24 chuyến bay đến và đi Huế trong một ngày. Điều này sẽ giúp Huế thu hút thêm du khách trong dịp lễ. Để việc đón và phục vụ khách tốt nhất, sở đã có công văn gửi các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng yêu cầu đảm bảo giá cả theo quy định và thỏa thuận trước với khách hàng nếu có điều chỉnh; đồng thời lập tổ liên ngành để kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch trước, trong và sau lễ. Bộ phận trực đường dây nóng cũng sẽ trực 24/7 để hỗ trợ du khách thông tin và liên hệ các cơ quan chức năng, xử lý kịp thời các phản ảnh của du khách về môi trường du lịch.

Ông Phúc cũng chia sẻ thông tin là chuyên trang du lịch The Culture Trip vừa bình chọn Huế là một trong 9 địa danh đẹp nhất Việt Nam mà người Việt có thể còn chưa đi hết. Theo chuyên trang này, Cố đô Huế được lựa chọn với nhiều thắng cảnh mang đậm hơi thở của lịch sử, từ Đại Nội, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền cho đến các cảnh sắc thiên nhiên hàng đầu như vịnh Lăng Cô, sông Hương, núi Ngự Bình… Huế rất xứng đáng là một trong những nơi đẹp nhất của Việt Nam. Điều này sẽ góp phần thôi thúc du khách đến Huế nhiều hơn.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 318/KH-UBND tổ chức các hoạt động Lễ hội mùa Thu trong khuôn khổ Festival Huế 2022. Ngoài các lễ hội diễn ra đúng vào dịp lễ Quốc khánh, trong thời gian đến sẽ còn có các lễ hội, hoạt động, như Lễ hội quảng diễn Lân Sư Rồng và rước đèn với quy mô lớn trên các tuyến đường của TP. Huế vào 16h30 chiều ngày 6/9; chương trình âm nhạc “Mùa thu xứ Huế” tại Vườn Cơ Hạ trong tháng 9/2022; triển lãm Tem “Việt Nam đất nước và con người” từ ngày 9 - 11/9/2022 do Hội Tem tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức; hoạt động “Vui Tết Trung Thu 2022” và hội rước đèn của trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Huế, vào ngày 9/9. Hoạt động phá cỗ Trung thu tại các phường xã, cụm dân cư, các trường học, bệnh viện… Hoạt động múa Lân trên đường phố của các câu lạc bộ, các đoàn múa lân.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top