ClockThứ Tư, 03/04/2019 06:00

Du lịch & nỗi lo chậm đổi mới

TTH - Dù mỗi địa phương đã có nhiều sản phẩm hấp dẫn, song du lịch miền Trung nói chung vẫn còn chậm đổi mới.

Dịch vụ homestay chưa đáp ứng nhu cầu của kháchNuôi hàu làm du lịch

Du khách tham quan di sản Huế. Ảnh: Đ.QUANG

Thương hiệu đã cũ

Miền Trung được xác định là điểm đến trọng tâm của du lịch cả nước. Lợi thế cạnh tranh là văn hóa, di sản và du lịch biển. Trong quá trình phát triển, các địa phương luôn có sự liên kết chặt chẽ, không tách rời trong việc xây dựng những tour du lịch. Nhiều tour tuyến chung được khai thác đã góp phần kéo dài thời gian của du khách ở lại miền Trung lâu hơn thay vì chỉ đến một địa phương riêng lẻ.

Tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” được tổ chức tại TP. Huế đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi, ngoài thương hiệu “Con đường di sản miền Trung” đã khai thác nhiều năm qua thì những thương hiệu mới của miền Trung là gì? Tính sáng tạo trong phát triển du lịch luôn đòi hỏi các địa phương phải tư duy; du lịch phải luôn có cái mới thì mới có thể thu hút khách, nhất là khi sự cạnh tranh về điểm đến ngày càng lớn.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, muốn có thương hiệu mới, trước tiên phải tháo gỡ được những điểm nghẽn đang tồn tại của các địa phương; trong đó, lớn nhất là về sản phẩm du lịch. Không thể phủ nhận các sản phẩm của mỗi địa phương rất phong phú, độc đáo nhưng nhìn lại, sản phẩm nào cũng đã có thời hạn sử dụng khá lâu, không được cập nhật, làm mới. Hay những sản phẩm mới lại chưa tìm được điểm chung để có những liên kết phù hợp.

Trong liên kết giữa ba địa phương Quảng Bình - Quảng Trị - Huế, nhiều tour du lịch được nêu ý tưởng, như “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững”; tour du lịch giáo dục lịch sử từ Huế đi Quảng Trị và Quảng Bình... nhưng doanh nghiệp của cả ba địa phương chưa thể đẩy mạnh khai thác, dù đã được định hướng song các thương hiệu này vẫn khá xa lạ với du khách.

Các thương hiệu chưa thể phát triển bởi nhiều lý do, trong đó, không tương đồng về thế mạnh giữa các sản phẩm luôn được chỉ ra đầu tiên, vì mỗi địa phương phát triển theo mỗi hướng riêng. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch lại cho rằng, trong liên kết phát triển luôn có hai dạng, thứ nhất là liên kết dựa trên tương đồng sản phẩm để xây dựng một tour xuyên suốt, chẳng hạn như “Con đường di sản miền Trung"; thứ hai là liên kết giữa các sản phẩm có tính bổ trợ cho nhau, nhằm tăng tính đa dạng cho tour, như Huế mạnh về di sản, Quảng Trị mạnh về thăm chiến trường xua, Quảng Bình du lịch hang động.

Một thực tế khác được chỉ ra, các doanh nghiệp chưa thật sự “mặn mà” trong liên kết để tạo ra những sản phẩm dùng chung cho các địa phương. Hiện tính liên kết thực chất chỉ chủ yếu ở cấp độ cơ quan quản lý Nhà nước và một số doanh nghiệp lữ hành cung cấp dịch vụ cho nhau. Còn liên kết cùng khai thác dựa trên thương hiệu chung vẫn chưa làm tốt.

Khách nước ngoài trải nghiệm làm kẹo mè tại phường Thủy Biều, TP. Huế. Ảnh: VÕ NHÂN

Tìm thương hiệu mới

Trở lại tour “Con đường di sản miền Trung”, đúng là tour du lịch này đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và đa số du khách khi đến các tỉnh miền Trung đều sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist, duy trì và thu hút khách thì các điểm đến, lịch trình tour luôn có thể thay đổi để phù hợp hơn. Do đó, để tour này tiếp tục trở thành thương hiệu cho miền Trung thì cần có sự đánh giá lại và có thể nâng cấp chất lượng dịch vụ.

“Con đường di sản miền Trung” là thương hiệu được duy trì, vậy trong thời gian đến, miền Trung nói chung và Huế nói riêng sẽ đẩy mạnh thương hiệu gì? Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, thương hiệu cần được đẩy mạnh hơn của miền Trung trong thời gian tới là hành trình khám phá con đường du lịch ven biển, khi vừa kết hợp được giữa du lịch di sản và biển, gắn với nghỉ dưỡng. Điều này rất khả quan bởi các địa phương đang tập trung đầu tư hạ tầng cho tuyến đường và Chính phủ cũng đã cho chủ trương phát triển.

Một số thương hiệu khác được các chuyên gia du lịch đề xuất là: điểm đến của những sự kiện kết hợp với tham quan di sản; điểm đến vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; đi qua các miền lễ hội…

Thông điệp “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” đã được các tỉnh miền Trung khẳng định. Định hình các sản phẩm có tính liên vùng để xây dựng thành thương hiệu là điều bắt buộc phải làm. Nếu không chủ động, miền Trung nói chung và Huế nói riêng sẽ tự đánh mất cơ hội trong cạnh tranh phát triển với các điểm đến khác trong khu vực.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Return to top