ClockThứ Ba, 14/02/2017 12:46

Gắn kết cơ quan quản lý và doanh nghiệp

TTH - Cơ quan quản lý cho rằng các doanh nghiệp (DN) chỉ biết lợi ích riêng, không cùng góp sức, chia sẻ khó khăn với ngành. DN lại than do ngành không muốn kêu gọi, hoặc có nhưng lại theo kiểu áp đặt, ra lệnh.

Doanh nghiệp gắn kết sẽ góp phần giúp du khách đến Huế ngày càng tăng

Khoảng cách

Một giám đốc DN lữ hành kể, cách đây không lâu, anh cùng với một số DN trên địa bàn đứng ra tổ chức đoàn famtrip, mời các DN từ các địa phương bạn đến khảo sát. Khi kế hoạch của các DN được “chốt”, gửi công văn xin phép ngành triển khai. Lãnh đạo ngành, khi đó chưa tách sở gọi lên gây khó dễ và bảo, các anh tổ chức như vậy có ý đồ gì? Đúng là khi tổ chức đoàn famtrip, trước tiên là vì lợi ích của DN, nhưng sau đó, nhiều bên liên quan sẽ cùng được lợi. Nhà hàng, khách sạn có thêm đối tác đưa khách đến.

Nói về việc xúc tiến quảng bá của Huế, lý do luôn được ngành đưa ra là thiếu kinh phí, “có thực mới vực được đạo”. Qua bao năm, hình thức quảng bá vẫn như cũ, thiếu đột phá. Các DN, đặc biệt những DN lớn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tự đi quảng bá. Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc DMZ cho biết, không phải chúng tôi không chịu chung tay mà do ngành không kêu gọi hợp tác. Đó là chưa nói việc “đì” DN khi phật ý gì đó. Đơn cử như vừa qua ngành có làm một brochure giới thiệu chung về du lịch Huế, nhưng lại không giới thiệu chút gì về DMZ. Thử hỏi cách làm như thế, liệu doanh nghiệp có “phục” và cùng đồng lòng. Thêm một điều nữa, suốt cả năm 2016, ngành không tổ chức được một cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp để bàn về xúc tiến quảng bá, làm sao xúc tiến quảng bá hiệu quả cho được.

Một ví dụ để thấy sự góp sức của DN tạo nên hiệu quả cho việc tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá. Cuối tháng 11, đầu tháng 12/2016, Huế đón đoàn famtrip do Tổng cục Du lịch tổ chức. Kinh phí vẫn có, nhưng không đủ để “lo” một cách chu đáo nhất. Sự chung sức, hỗ trợ của các DN từ phòng nghỉ, các bữa tiệc, tổ chức sự kiện…làm cho chuyến khảo sát rất thành công, để lại ấn tượng về dịch vụ và môi trường du lịch của Huế đối với đối tác.

Nói như vậy không có nghĩa là toàn bộ DN Huế đã biết vì cái chung. Không ít DN chỉ biết lợi ích, khi có yêu cầu góp sức thì tìm cách né tránh. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, không ít lần, chủ động gọi điện thì nhận được những lời từ chối, như đang đi công tác, bận việc nhà, tình hình kinh doanh đang gặp khó khăn…Vị lãnh đạo này chia sẻ, nói ra đây không phải để trách móc nhau, nhưng đúng là tư tưởng kinh doanh của một số DN Huế còn chụp giật, biết một mà không biết hai.

Không ít lần ngồi với lãnh đạo ngành du lịch, nghe những lời chỉ trích về DN. Rồi những lúc ngồi với DN thì lại nghe lời than vãn của doanh nghiệp. Cứ thế, hai bên đỗ lỗi cho nhau. Mấu chốt ở đây là những cuộc đối mặt trực diện, cùng nói ra những khó khăn. DN cần bỏ qua tư tưởng e ngại, sợ bị “trù dập”. Đổi lại, ngành có những cam kết gỡ khó cho DN, không lấy vai trò là đơn vị quản lý để áp đặt.

Gỡ từng nút thắt

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận, những cuộc họp bằng giấy mời đôi khi tốn thời gian, mà nhiều DN không tham dự vì ở đó họ sẽ không phát biểu gì. Đặc biệt, DN của Huế còn quá rụt rè, nhiều DN nhỏ không dám nói ra những bức xúc vì sợ đụng chạm. Chính những tư tưởng này càng tạo thêm khoảng cách giữa cơ quan quản lý và DN.

Cũng theo ông Định, vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phải tổ chức gặp gỡ DN ít nhất một lần trong tháng. Thời gian qua, sở đã tiến hành, hình thức được đổi mới hơn và cho thấy hiệu quả tích cực. Thứ nhất, vẫn cách truyền thống, công khai lịch tiếp DN trên các trang thông tin điện tử. Đây là những cuộc gặp để giải quyết những bức xúc của DN trong quá trình kinh doanh. Hình thức thứ hai cho thấy hiệu quả cao hơn là gặp mặt bằng “cà phê doanh nhân”. Theo định kỳ, hoặc có sự việc nào đó, thông báo rộng rãi không hạn chế một DN nào. Tại quán cà phê, cơ quan quản lý và DN gần nhau hơn. Những vướng mắc sẽ được nói ra dễ dàng. Hay nhiều cuộc gặp mặt không để giải quyết khó khăn mà cùng góp ý tưởng. Khi đã có sự thẳng thắn, cởi mở và hiểu nhau thì những khó khăn sẽ được tháo gỡ, dễ tìm đến mục tiêu sau cùng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty du lịch Nụ Cười Huế cho hay, DN chị chưa vào hiệp hội nhưng vẫn thường xuyên được Sở Kế hoạch và Đầu tư mời tham gia gặp mặt, bày tỏ khó khăn và chia sẻ ý tưởng phát triển cho ngành. Đây là việc làm tạo sự gần gũi và các DN như được tôn trọng, dù chỉ DN nhỏ, tiềm lực cũng không lớn. Khi được tin tưởng như vậy, DN sẵn sàng góp sức, với phương châm sức chừng nào thì hỗ trợ chừng đó.

Trong buổi gặp mặt các DN du lịch gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chia sẻ với các DN phải hiểu rằng, để có những lợi ích riêng thì cần có những cái chung trước. Tạo được môi trường cạnh tranh tốt thì mới giúp mỗi DN thành công được. Những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, định hướng phát triển, nếu DN có vướng mắt ở đâu thì cả hệ thống sẽ cùng gỡ những nút thắt. Mắc đến đâu cùng nhau gỡ đến đó, cho đến khi nào không còn mắc nữa thì thôi.

Gần đây, mỗi lần gặp các DN, tôi đều cố tình hỏi, nếu cơ quan quản lý có yêu cầu hỗ trợ để làm gì đó, anh, chị có hợp sức. Tất cả DN đều chắc chắn sẽ tham gia. Tôi ấn tượng với câu nói của ông Lê Xuân Phương: “Giờ mà mang chuyện khó khăn, tồn tại ra “nói nhau” cũng chẳng được gì nữa. Những điều đó “bỏ” sang một bên và hướng đến những đều tốt đẹp trong tương lai”.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Return to top