ClockThứ Hai, 27/09/2010 21:23

Gặp Huế ở cao nguyên

TTH - Dọc ngang trên Tây Nguyên ròng rã tháng trời, đặt chân đến nơi nào, chúng tôi cũng nhận được một sự gần gũi, ấm áp.

Sẽ không quá lời khi nói, trên miền đất bazan thăm thẳm bao la này, không có nơi đâu lại không có dấu ấn của người Huế. Người Huế sống rải rác khắp nơi. Có những huyện quần tụ lại thành làng, thành xã.

Đến lúc này, ngồi viết những dòng cho loạt phóng sự “Gặp gỡ Tây Nguyên”, tôi mới cảm nhận một cách rõ ràng đánh giá của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, được nhà văn Văn Công Hùng (quê ở xã Điền Hòa, Phong Điền) - một cây bút thành danh trên đất Gia Lai trích dẫn, rằng: “Có lẽ ở nước Nam ta, không nơi nào người dân di cư nhiều như Nghệ An, Thanh Hóa... và Huế. Là nói Thừa Thiên Huế nói chung. Nhưng người Huế có một đặc tính rất khác là dù có đi đâu thì đi nhưng trong thẳm sâu tình cảm vẫn đau đáu nhớ về quê hương. Lễ Tết là về. Hễ có dịp lại về”.
 
Với chủ đề đã định cho loạt phóng sự về người Huế trên miền đất đỏ bazan, chúng tôi đã đến 4 tỉnh của vùng Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Tại mỗi tỉnh chúng tôi dành nhiều thời gian để về các huyện, các phường, xã có đông người Huế lập nghiệp, sinh sống.
 
 

TP Pleiku - ảnh từ internet
 
Được đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều thông tin, tôi chắc chắn rằng, không ở nơi nào trên cao nguyên bao la này lại có một lượng người Huế sống tập trung đông như ở huyện Krông Năng của tỉnh Đắc Lắc. Những nét văn hóa Huế vẫn còn đậm đặc ở nơi đây. Từ tiếng nói, phong tục, ẩm thực, kiến trúc, những sinh hoạt mang tính chất tâm linh...
 
Theo nhiều bài viết chúng tôi đọc được cũng như những hiểu biết từ chuyến đi thực tế này, người Huế đến Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp từ ba nguồn ở ba thời điểm khác nhau. Trước năm 1975. Cụ thể hơn là những năm 60, 70. Sau năm 1975-1980. Những năm 1980 trở về sau.
 
Những người di cư từ những năm 60-70 chủ yếu định cư ở Lâm Đồng. Có những người dính dáng đến triều đình nhà Nguyễn thời Bảo Đại. Nhiều người khác di cư là để tìm kế mưu sinh. Từ thế hệ đầu tiên rồi tiếp nối, người Huế quần tụ từng khu vực để sinh sống. Ở thành phố Đà Lạt, có hai vùng có đông người Huế nhất là ấp Ánh Sáng và khu Thái Phiên. Tại khu vực Thái Phiên người dân ở làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) còn lập một đình làng để thờ tự ông bà tổ tiên, để là nơi con cháu của làng tụ họp vào các dịp Thanh minh và Tết. Ở Kon Tum có đình làng Huế, ở Đắc Lắc có nhà thờ của các họ Nguyễn, Lê...
 
Những người di cư lên cao nguyên từ những năm sau 1975-1980 chủ yếu người dân đi kinh tế mới theo chủ trương dãn dân của Đảng và Nhà nước. Rầm rộ nhất là vào những năm 1977, 1978. Thời điểm này người Huế di cư hầu khắp ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều nhất là ở hai tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc.
 
Không biết ở nơi đâu trên nước Việt ta người dân di cư mang theo cả tên làng, hồn cốt của quê hương nữa không, chứ ở Đắc Lắc, chúng tôi đã thấy người Huế ra đi mang cả tên đất tên làng đi theo. Tại huyện Krông Năng tỉnh Đắc Lắc , khi thành lập huyện có 6 xã thì có đến 3 xã mang địa danh của Huế. Ròng là người Huế. Đó là các xã Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang. Ở xã Phú Lộc chủ yếu là người các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang đi kinh tế mới được tổ chức thành những đội thanh niên xung phong. Tương tự như vậy, ở xã Tam Giang bao gồm người ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà. Và xã Phú Xuân là người TP Huế.
 
Từ những năm 1980 trở về sau, tiếp tục cũng có những người Huế di cư tự do theo bà con lên Tây Nguyên làm ăn, nhưng thời thời bác sĩ. Tại Bệnh viên tỉnh Gia Lai, bác sĩ là người Huế rất đông. Các trưởng khoa bây giờ chủ yếu là người Huế, hoặc từ Trường đại học Y khoa Huế. Tại Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai, trường chuyên Lê Quý Đôn và bây giờ là Trường trung học phổ thông Pleiku có thời điểm đến hơn 80% là giáo viên người Huế.
 
Tại các tỉnh mà chúng tôi đi qua, ở đâu cũng có hội đồng hương người Huế. Ở Gia Lai có hội đồng hương người Huế tại TP Pleiku và huyện Chư Sê. Ở tỉnh Kon Tum có hội đồng hương ở thành phố Kon Tum. Những người Huế ở đây đóng góp lập nên Đình Huế. Ở Đắc Lắc cũng vậy, người dân từng xã đông người Huế đóng góp lập nhà thờ họ, chùa chiền. Họ lấy ngày mà những thanh niên xung phong đầu tiên đặt chân lên vùng đất này làm ngày họp của hội đồng hương các xã hàng năm. 3 xã chúng tôi đã nêu là Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang, hễ xã này tổ chức kỷ niệm ngày hội đồng hương thì phải mời đại diện của các xã còn lại, và ngược lại. Chúng tôi không được dự ngày họp hội đồng hương nhưng nghe kể lại rằng đó là những ngày đông vui. Họp mặt để chia sẻ niềm vui của hiện tại. Và cũng để nhớ lại một thời muôn vàn cực khổ lúc mới lập làng.
 
 
Sông Krông H Năng - Đaklak
 
Người Huế đi đâu cũng mang theo phong tục tập quán chịu ảnh hưởng lễ nghi cung đình triều Nguyễn. Họ còn giữ nhiều tập tục cổ truyền hơn hết các nhóm dân khác. Nhóm người này còn có tinh thần gia tộc và quê hương mãnh liệt. Ở đâu có người Huế là ở đó có nhà thờ họ, tế tự, giỗ chạp theo chu kỳ như ở quê cũ.
 
Với lực lượng đông đảo và hùng hậu như vậy, sẽ không ngoa khi nói rằng, những người gốc Huế, hoặc xuất xứ từ những trường đại học Huế đã góp một phần rất đáng kể cho sự phát triển của Tây Nguyên hôm nay. Một Tây Nguyên mênh mông, một Tây Nguyên xanh. Một Tây Nguyên hiện diện sự sung túc, giàu có nhưng cũng đầy lãng mạn trữ tình.
 
Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”

Tối 19/4, tại phố đi bộ đường Hai Bà Trưng (TP. Huế), Sở Du lịch tổ chức sự kiện “Huế - Chào hè 2024”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2024, nhằm tạo không khí tươi vui, phấn khởi, chào đón một mùa du lịch hè hấp dẫn, đồng thời tạo hiệu ứng truyền thông thu hút khách du lịch đến tham quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”
Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế: Mạnh tay nhưng cần sự chung tay

Huế được biết đến với một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều “con sâu” làm rầu môi trường du lịch. Những vụ việc "chặt chém", "chèo kéo" khách làm du lịch Huế mất điểm trong mắt du khách, dù đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Sự kiên quyết, mạnh tay từ chính quyền địa phương và ngành du lịch thôi là chưa đủ, muốn giữ gìn hình ảnh du lịch Huế, rất cần sự chung tay từ các cấp, ngành, người dân.

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế Mạnh tay nhưng cần sự chung tay
Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng

Lớp tập huấn quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch thông qua kỹ năng xây dựng video, clip do TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra ngày 17/4 tại xã Dương Hòa. Đông đảo cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chủ cở sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã tham dự.

Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng
Sẵn sàng cho mùa du lịch biển

Khởi động mùa du lịch biển và chương trình “Thuận An Biển gọi năm 2024”, tại bãi tắm Thuận An, UBND TP. Huế và phường Thuận An đã và đang hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên bãi tắm cũng như kiện toàn các tổ bảo vệ, cứu hộ… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Return to top