ClockThứ Ba, 09/10/2012 14:23

Hai nhà tạo mẫu của làng nghề Bao La

TTH - Trong vòng 5 năm, hai người thợ lành nghề của làng Bao La (Quảng Phú-Quảng Điền) đã kỳ công sáng tạo hàng trăm mẫu mã mới, góp phần hồi sinh nghề truyền thống.

Trắng đêm sáng tạo

 

Chúng tôi về Bao La đúng dịp ông Thái Phi Hùng và ông Võ Chức vừa được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân với nhiều thành tích xuất sắc trong việc duy trì, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Nhưng câu chuyện với hai nghệ nhân hôm ấy lại bắt đầu bằng những thăng trầm, bỉ cực của làng nghề cách đây chưa lâu.

 

Nghệ nhân Thái Phi Hùng (bên trái ) và Võ Chức giới thiệu những sản phẩm mây tre độc đáo của làng nghề Bao La do hai ông thiết kế

 

Ông Hùng nhớ lại: Trước 2007, nghề đan đát Bao La đi vào bế tắc, không cạnh tranh nổi hàng gia dụng công nghiệp vừa rẻ, vừa đa dạng tràn khắp chợ. Những mặt hàng truyền thống lâu đời của làng nghề như dần, sàng, thúng, mủng… hầu như không tìm được đầu ra.

 

Không bó tay ngồi nhìn làng nghề suy thoái, hai người thợ kỳ cựu ấy cùng một số người tâm huyết đã quyết tâm đứng ra thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, với khát vọng vực dậy nghề đan đát vốn gắn bó với làng quê nghèo từ đời này sang đời khác. “Để có vốn hoạt động, khi ấy chúng tôi bàn với 3 anh em khác trong HTX cầm sổ đỏ nhà thế chấp ngân hàng, vay gần 100 triệu đồng đầu tư cho sản xuất” - ông Hùng hồi tưởng.

 

Đó là giai đoạn khó khăn nhất của làng nghề. Ngoài thiếu vốn hoạt động, khó khăn lớn nhất là phải tìm sản phẩm mới phù hợp với thị trường để có đầu ra. Đó cũng là trách nhiệm lớn đặt lên vai ông Hùng và ông Chức với trách nhiệm phụ trách kỹ thuật của HTX.

 

Sau khóa đào tạo thiết kế mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ do quỹ khuyến công tỉnh và tổ chức Traicraf (châu Âu) tài trợ, hai nghệ nhân bắt đầu mày mò chuyển hướng cho làng nghề, từ sản xuất sản phẩm dân dụng sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Sau 5 năm thành lập HTX, đến nay, họ đã sáng tạo ra hơn 350 mẫu mã mới gồm: đèn ngủ, đèn lồng các loại, giỏ đựng trái cây, lồng bàn, hoa sen trang trí, công cụ sản xuất nông nghiệp (nơm cá, máy quạt lúa… dưới hình thức hàng thủ công mỹ nghệ)… Nhờ những sản phẩm này, từ chỗ không có đầu ra, các mặt hàng đan đát của làng nghề Bao La đã tiếp cận được thị trường, tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước.

 

Nghệ nhân Võ Chức (trái) và nghệ nhân Thái Phi Hùng (phải) giới thiệu sản phẩm do hai ông sáng tạo đang được ưa chuộng tại trị trường trong nước và xuất khẩu

 

Nâng niu những chiếc đèn lồng đủ kiểu đang được nhiều khách sạn, nhà hàng ưa chuộng, ít ai biết, để có một mẫu mã mới, hai nghệ nhân làng nghề đã phải nhiều đêm thức trắng. Với chiếc máy ảnh cũ kỹ của con trai là sinh viên báo chí, đêm đêm, ông Chức chăm chú xem tin tức trên truyền hình. Thấy đâu có sản phẩm lạ, ông vội chụp hình, mày mò nghiên cứu. Mỗi lần tham gia các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh và trong nước, ngoài mục tiêu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hai ông còn tranh thủ tìm kiếm, học hỏi sản phẩm mới. Với những sản phẩm khó, thời gian nghiên cứu, thử nghiệm có khi mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời.

 

Lo thế hệ kế cận

 

Từ 20 lao động ban đầu, đến nay, HTX Mây tre đan Bao La đang tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Những tác phẩm mỹ nghệ từ cây tre của làng nghề Bao La đã có mặt ở nhiều thành phố lớn trong nước (Đà Lạt, Vũng Tàu, Hà Nội…) và xuất ra nước ngoài. Làng nghề mây tre đan Bao La cũng đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là làng nghề tiêu biểu của Việt Nam.

 

Vui nhiều nhưng lòng hai nghệ nhân vẫn đau đáu nỗi lo. Lo nhất là đội ngũ kế cận tại HTX hiện có quá ít người trẻ. Nghệ nhân Phi Hùng bộc bạch: “So với các nghề khác, thu nhập từ nghề đan lát không cao lại đòi hỏi tay nghề, sự tỷ mỹ nên không thu hút được lao động trẻ”. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lao động tại HTX Mây tre đan Bao La ngày càng già hóa, với hơn 80% đã ở tuổi trên 50.

 

Nói về tương lai xa hơn của làng nghề, mong ước lớn nhất của hai nghệ nhân Bao La là nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn nữa trong việc đào tạo, thu hút và nâng cao tay nghề cho lao động trẻ. Theo nghệ nhân Hùng và nghệ nhân Chức, dù đã có nhưng kinh phí khuyến công cho công tác đào tạo lao động ở các làng nghề lâu nay còn khiêm tốn, chưa kích thích được lớp trẻ tìm đến và gắn bó với nghề truyền thống. Bởi vậy, một nỗi lo rất thật là đến nay, khi các nghệ nhân đã ở tuổi 60, việc tìm kiếm thế hệ kế cận có đủ tay nghề và tâm huyết thay thế đang là bài toán nan giải.

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn du lịch với nghề làm nón lá

Trong các sản phẩm nghề truyền thống ở Huế, nón lá được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản văn hóa “nón bài thơ”. Tuy nhiên, nghề làm nón lá đang bị mai một dần, hình ảnh chiếc nón lá Huế đang dần bị mất đi trong hình ảnh du lịch Huế. Do đó, cần thiết có một hướng đi tốt trong việc khôi phục và phát huy nghề chằm nón.

Gắn du lịch với nghề làm nón lá
Muối nung Phước Tích

Ngoài nhà rường cổ, nghề gốm nổi tiếng khắp nước, ngôi làng cổ Phước Tích còn có một nghề muối nung ít người biết.

Muối nung Phước Tích

TIN MỚI

Return to top