ClockChủ Nhật, 09/07/2017 19:24

Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch phát triển chưa đồng bộ

TTH - Con số 5.600 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành thuộc Khoa Du lịch – ĐH Huế năm nay cho thấy ngành du lịch đang hấp dẫn người lao động. Vấn đề này cũng đặt ra câu hỏi, các cơ sở đào tạo nhân lực ở miền Trung đã chuẩn bị để đón nhận cơ hội đó như thế nào? Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trò chuyện với PGS. TS Bùi Thị Tám, Khoa trưởng khoa Du lịch – ĐH Huế:

PGS. TS Bùi Thị Tám

Từ con số 5.600 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành thuộc Khoa Du lịch - ĐH Huế, vấn đề đặt ra nếu năng lực và điều kiện đào tạo không đáp ứng thì chất lượng đào tạo giảm. Ở đây có nghĩa “thừa yếu, thiếu chuyên”. Bà có dự báo, lường trước vấn đề này?

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trên cơ sở đánh giá năng lực đào tạo của từng đơn vị, nên sẽ không có chuyện một trường có thể tăng chỉ tiêu đào tạo vượt quá năng lực của mình.

Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về nguồn nhân lực ngành du lịch ở thời điểm hiện tại, không chỉ thiếu về số lượng mà còn cả chất lượng đào tạo, nhất là về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý tình huống và kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý… Vậy một phần do lỗi đào tạo?

Theo tôi, chúng ta cần có quan điểm hệ thống về vấn đề này. Trước hết phải thẳng thắn là hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch của ta phát triển chưa đồng bộ để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển cao của ngành. Mặt khác, vẫn còn tồn tại quan điểm chú trọng đào tạo nghề là chính, thiếu các cơ sở đào tạo bậc đại học và sau đại học. Với đặc điểm là một ngành kinh tế tổng hợp, người làm du lịch phải vừa có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, vừa phải có kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý... Sự thiên lệch trong quan điểm đào tạo du lịch nói trên sẽ không thể giải quyết được cốt lõi của các tồn tại hiện này.

Thực tế, có nhiều giảng viên đang giảng dạy về du lịch tốt nghiệp từ các ngành khác (dù có kinh nghiệm làm du lịch). Ngoài ra, nhiều giảng viên còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, phương pháp sư phạm và ít quan tâm đến giảng dạy kỹ năng...

Tôi thường không đồng quan điểm với những nhận định có tính khái quát khi chưa có cơ sở dữ liệu khoa học minh chứng, hơn nữa có sự khác nhau rất lớn giữa các trường thuộc các bậc đào tạo khác nhau. Riêng ở các trường đại học thì khó có thể nói giảng viên lại hạn chế về phương pháp sư phạm và ít quan tâm giảng dạy kỹ năng, bởi để đạt chuẩn giảng dạy, trước hết mỗi giảng viên phải được bồi dưỡng và đạt các chuẩn này. Hơn nữa, việc đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy trong thời gian qua đều tập trung giải quyết bài toán đảm bảo hợp lý giữa giảng dạy kiến thức và rèn luyện các kỹ năng cho người học. Yêu cầu này được thể hiện rất chặt chẽ trong nội dung của từng học phần, được hội đồng khoa học nhà trường thông qua, và các giảng viên phải thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận có hiện tượng có một số giảng viên còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, dẫn đến một số khó khăn trong hoạt động chuyên môn của họ.

Riêng với Khoa Du lịch - Đại học Huế, nhận thức rất rõ vấn đề này, ngay từ ngày đầu thành lập chúng tôi đã có các giải pháp cụ thể để tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy có cơ hội học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài - một phương cách hiệu quả để nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Ví dụ, hiện tại khoa chúng tôi đang có 14 nghiên cứu sinh, trong đó có 12 nghiên cứu sinh ở các nước phát triển như Bỉ, Đức, Áo... Như vậy, trong một vài năm tới đây là nguồn bổ sung đội ngũ vững mạnh để chúng tôi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Sinh viên ngành du lịch trong quá trình tham gia thực tập tại các doanh nghiệp

Không riêng gì Huế - Đà Nẵng mà trục du lịch miền Trung gồm Quảng Bình - Huế - Đà Nẵng - Hội An và ngược lại đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế. Vậy, để chuẩn bị cho lực lượng nhân lực du lịch miền Trung, khoa đã có tính toán gì, thưa bà?

Với tư cách là một trong số ít ỏi các đơn vị đào tạo lớn về du lịch ở trình độ đại học và sau đại học ở khu vực miềnTrung – Tây Nguyên và cả nước, quy mô và chất lượng đào tạo của Khoa Du lịch - ĐH Huế có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển ngành du lịch ở các địa phương này. Cùng với việc củng cố và phát triển năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, khoa đang gấp rút nghiên cứu và rà soát các chương trình đào tạo theo hướng khu vực hóa, quốc tế hóa thích ứng thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch của các nước ASEAN (MRA-TP).

Cụ thể, sẽ mở thêm hai ngành mới là Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và khu nghĩ dưỡng. Nhanh chóng rà soát, đổi mới và bổ sung nội dung chương trình đào tạo theo hướng gia tăng kiến thức chuyên sâu về quản lý và điều hành doanh nghiệp du lịch và lữ hành trong điều kiện kinh tế hội nhập và kỷ nguyên công nghệ số, ví dụ các kiến thức chuyên sâu như quản trị tài chính quốc tế, quản lý bất động sản du lịch, kinh doanh du lịch online, E-marketing... Động thái này là nhằm góp phần lấp lỗ hổng lớn của thị trường lao động du lịch ở nước ta hiện nay đối với đội ngũ cán bộ quản trị trung và cao cấp trong các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao hạng, các công ty lữ hành... – bài toán khó của nhà tuyển dụng hiện nay, góp phần giảm nhập lao động cao cấp về du lịch trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch nước nhà.

Theo bà, đâu là giải pháp để chất lượng đào tạo tốt, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, và doanh nghiệp khỏi than phiền?

Chất lượng đào tạo là kết quả tổng hòa của các giải pháp từ nhiều phía: nhà trường – doanh nghiệp - người học. Về phía nhà trường luôn kiên định với tiến trình đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo thông qua một loạt các giải pháp đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tăng cường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để tăng cường hoạt động thực tập, thực tế cho sinh viên... Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, các doanh nghiệp du lịch ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên rất hợp tác và hỗ trợ nhà trường trong quá trình đào tạo. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thái độ và hành vi học tập, rèn luyện của người học.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

 PHAN THÀNH (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Return to top