ClockChủ Nhật, 13/08/2017 15:04

Hiền lành bánh sen tán

TTH - Trong bữa cơm trưa, cô giáo tôi nói sẽ làm bánh sen tán để thết khách trong ngày cô tổ chức ra mắt sách. Đây là loại bánh mà từ nhỏ cô mê nhất vì nó đẹp và ngon.

Bánh sen tán làm vào mùa hạ là ngon và chuẩn vị nhất vì đúng mùa sen nở và kết đài, ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Tôi cũng là một người trong số ấy. Dù mới chỉ được ăn một lần từ hôm ấy n hưngtrên đường về nhà, đi dưới chiều mưa mùa hạ cứ xôn xao mãi vì hương vị hiền lành của bánh sen tán uống với nước lá chè tươi, như thẩm được mùi của Huế từ những ngày xa xưa ấy, trong căn bếp của bà, của mạ mà tôi vẫn thường đọc được trong trang sách của cô.

Bánh sen tán làm bằng hạt sen tươi. Quy trình chuẩn bị để cho ra nhân bánh có lẽ là kỳ công nhất, quyết định đến hương vị của bánh. Sau khi rửa sạch, làm vỏ, bỏ tim sen thì hấp hạt sen cho nhừ, vớt ra để ráo nước rồi tán cho thật mịn. Tán xong, ngào sen với đường cho đến khi sen khô cốt để đến lúc vo tròn nhân bánh không bị dính tay. Cô nói, khi xưa hay sên bánh liu riu trên bếp củi từ 10 - 12 tiếng cho đến khi bánh giòn tan, để được lâu và không bị mốc. Còn ngày nay bỏ vô lò vi sóng sên nhanh và tiện lợi hơn nhiều.

Chúng tôi ngồi gói bánh. Giấy bọc được cắt tua rua, gồm đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng. Lấy nhân bánh gói vô một mảnh giấy trắng con con rồi bọc ngoài là giấy màu. Lần đầu tiên tôi được tham gia gói bánh này nên còn nhiều lúng túng, o Trinh - một người bạn thân của cô hướng dẫn cho tôi cách gói sao cho dễ nhất. Bánh gói xong phải đầy đặn ở giữa và hai đầu bánh phải có độ xòe của giấy màu thì trông mới đẹp mắt.

Từng chiếc bánh gói xong được bỏ vô một chiếc rá nhỏ có lót lá sen hoặc lá dong rồi đặt xuống một chiếc mâm đồng. Sự sắp đặt ấy là theo cách của cô, luôn muốn bảo lưu những gì mộc mạc, gần gũi nhưng cũng tinh tế nhất của ẩm thực truyền thống xứ Huế. Bánh sen, rá tre, mâm đồng, giấy phết màu... tất cả hiện lên như một phiên chợ quê ngày Tết mà khi xưa bánh sen tán là mặt hàng đặc sắc và không thể thiếu. Cô nhìn mâm bánh, cười hiền đến lạ, hỏi tôi rằng thấy có đẹp không, có ngon không. Cô luôn hỏi như thế mỗi khi làm xong một thức gì đó thết khách, cốt để muốn người ăn được "hiền cái bụng" như cách cô nói vậy.

Hôm ra mắt sách, trời mưa to. Bàn đón khách có bánh sen tán, nước chè, bình hoa sen trắng, nhãn cơm. Tôi nhìn thấy sự ngỡ ngàng, cảm động của những vị khách lớn tuổi đến tham dự khi nhìn thấy mâm bánh sen tán trên bàn. Có thể đã lâu rồi họ không được thấy loại bánh này hoặc chỉ thấy trong các món chay của nhà chùa nhưng cách thức trình bày thì khác hẳn. Một cựu nữ sinh trường Đồng Khánh đã lặng nhìn rất lâu những mâm bánh ấy, cô ăn một chiếc, uống một ngụm trà và thốt lên "Chu choa lâu rồi mới được thấy lại cái vị ni".

Cô giáo tôi sẽ rất vui nếu biết được điều ấy. Không phải vì được khen làm bánh khéo mà vì có được những sự đồng cảm, những nỗi nhớ từ góc bếp của những người cùng thế hệ với cô. Mưa vẫn rơi mà hương sen thoang thoảng đâu đây, làm ấm lòng người thưởng thức sau làn mưa chiều cuối hạ. Họ nhìn chiếc bánh và rưng rưng nhớ về những ngày xưa, khi mỗi bữa ăn phải chạy từng ngày.

Nghĩa là rất thương đấy.

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau lũy tre làng

Theo những người hiểu chuyện ở làng, trước đây, người phụ nữ ấy vốn hiền lành. Chị ở nhà chăm con, nuôi thêm vài con gà, ít con vịt và vườn rau nhỏ.

Sau lũy tre làng

TIN MỚI

Return to top