ClockThứ Sáu, 17/03/2017 06:06

Huế phải tiên phong, phải là “đầu tàu” kéo du lịch phát triển

TTH - TP. Huế là hạt nhân du lịch của cả tỉnh. Để TP. Huế là đầu tàu kéo du lịch tỉnh nhà phát triển thì đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải chủ động kết nối với các sở, ban, ngành; có quy hoạch, chiến lược phát triển lâu dài; mạnh dạn triển khai các sản phẩm du lịch mới…

Đó là một số yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trong buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành với Ban Thường vụ Thành ủy Huế trong chiều 16/3 để bàn về kế hoạch phát triển du lịch, dịch vụ theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế giải trình một số nội dung tại cuộc làm việc

Bí thư Thành ủy Huế Huỳnh Cư thẳng thắn đánh giá, việc đầu tư để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ của TP. Huế chưa tương xứng với ngành kinh tế mũi nhọn; chưa thật sự xem du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế tổng hợp, chủ lực của thành phố; sự đầu tư của các thành phần kinh tế về phát triển du lịch dịch vụ còn nhỏ lẻ, ít đơn vị có quy mô lớn mang tính hệ thống, liên kết vùng; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ vẫn chưa đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và nhu cầu của du khách, nhất là hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, bến xe, khu vui chơi giải trí, phố đêm,…; chất lượng các dịch vụ đang còn thấp, thiếu các dịch vụ cao cấp, khác biệt để thu hút du khách…

Sự chồng chéo và thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị cấp tỉnh và TP. Huế là một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra khiến du lịch TP. Huế phát triển chưa tương xứng. Các đại biểu nêu ví dụ như ca Huế trên sông Hương, câu chuyện đã nói nhiều hơn 10 năm qua. Sự chồng chéo khiến việc quản lý, tổ chức, giám sát không đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, ca Huế trên sông Hương gần như là sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất vào ban đêm đang được khai thác. Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, quản lý diễn viên, ca sĩ, hát sao cho đúng là chức năng của sở, còn các dịch vụ thuyền, bán vé, bán hàng lưu niệm lại thuộc cơ quan khác. Vì thế việc thực hiện rất khó khăn. Nếu được cần quy về một đầu mối thì việc khai thác sẽ đạt hiệu quả hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu kết luận

TP. Huế phải có quy hoạch cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn, đặc biệt là liên quan đến cơ sở hạ tầng. Theo đại diện Sở Xây dựng, thời gian đến, Đại Nội sẽ mở cửa về đêm, chắc chắn khu vực Đại Nội và vệ tinh quanh đó sẽ sôi động hơn và có cơ hội để phát triển mạnh. Vì thế, TP. Huế cần có một quy hoạch xây dựng các dịch vụ ở đường Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng nhận định, các dịch vụ để hỗ trợ khi Đại Nội mở cửa vào ban đêm còn thiếu. TP. Huế cần tính toán, quy hoạch xây dựng thêm một số dịch vụ như ẩm thực, giải trí ở xung quanh để tạo chuỗi sản phẩm thu hút khách.

Môi trường du lịch là nội dung được bàn nhiều trong buổi làm việc. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu TP. Huế tăng cường tuyên truyền, vừa ra quân lập lại trật tự, tạo vỉa hè thông thoáng. Đây là việc mà TP. Huế phải làm quyết liệt. Cần có kế hoạch cụ thể, trước mắt phải làm tốt những tuyến trung tâm, nơi tập trung nhiều du khách như Lê Lợi, Hùng Vương, Hà Nội…Tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch cần có giải pháp tích cực hơn. Đây là trách nhiệm chính của TP. Huế. Cần giao trách nhiệm cho lãnh đạo, công an từng phường, nếu địa phương nào làm không tốt, không nghiêm có thể báo cáo với tỉnh và có giải pháp xử lý các các bộ lãnh đạo.

Phát triển du lịch là nhiệm vụ trong tâm, đó là lý do mà Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03 về phát triển du lịch. Nhiệm vụ của TP. Huế là đơn vị đi tiên phong. Bí thứ Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu trong thời gian đến, việc  phân công, phân cấp giữa các cơ quan cấp tỉnh và TP. Huế phải rõ ràng hơn. Riêng TP. Huế phải chủ động hơn trong việc phối kết hợp; đồng thời, các sở ban ngành cũng tăng cường phối hợp. Khi có sự phối hợp thì mới cùng nhau gỡ các khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu TP. Huế, để phát triển lâu dài thì đòi hỏi phải có quy hoạch lâu dài, cụ thể, tránh sự chồng chéo khi triển khai các dự án; tăng cường ra quân để làm sạch môi trường du lịch, đây là việc làm thường xuyên; các sản phẩm du lịch được đưa ra trong kế hoạch cần được triển khai  sớm, ấn định thời gian cụ thể, vì các sản phẩm du lịch được đề cập nhiều nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến, thiếu các sản phẩm mang thương hiệu.

Doanh thu du lịch năm 2016 của TP. Huế ước đạt 2.005 tỷ đồng; lượng khách lưu trú năm 2016 đạt 1,703 triệu lượt khách, tăng bình quân 2,69%/năm; trong đó, khách quốc tế tăng bình quân 4,07%/năm; khách nội địa tăng bình quân 1,64%/năm.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top