ClockChủ Nhật, 25/12/2016 07:39

Huế sẽ không còn ngủ sớm

TTH - Không còn vắng lặng và ngủ sớm, đêm Huế sẽ dần sôi động khi các điểm vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực, các show diễn thời trang... đang được lên kế hoạch thực hiện.

Dù đã nỗ lực cải thiện nhưng hiện nay, các dịch vụ về đêm phục vụ người dân và du khách chưa nhiều. Một trong những điểm đến chủ yếu dành cho du khách về đêm khi đến Huế là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Số quán bar, nhà hàng có dịch vụ giải trí về đêm phục vụ du khách  như  nhà hàng, bar DMZ còn rất ít.

Về định hướng sắp đến, Phó Giám đốc Sở Du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định: “Du lịch Huế sẽ khởi sắc và có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn mang bản sắc văn hóa Huế trong năm 2017. Trong đó, nhiều hoạt động sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm như mở cửa Đại Nội về đêm, chỉnh trang phố đi bộ dọc hai bờ sông Hương, tăng cường các chương trình biểu diễn nghệ thuật và đổi mới loại hình ca Huế trên sông Hương.” Theo ông Phúc, lâu nay các tụ điểm vui chơi giải trí chủ yếu tập trung ở phía bờ Nam sông Hương, trong khi bờ Bắc rất tiềm năng với không gian nguyên thủy của văn hóa cung đình. Đầu năm 2017, ngành du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội du lịch, các DN lữ hành phát triển thêm nhiều địa điểm vui chơi, bán hàng phục vụ khách dọc tuyến đường Đoàn Thị Điểm, công viên Nguyễn Văn Trỗi và đầu tư hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, không gian thao diễn nghề truyền thống bên ngoài Đại Nội Huế.

Bắt đầu từ năm 2017, người dân và du khách đến Huế sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp Đại Nội về đêm khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chính thức mở cửa. Việc mở cửa Đại Nội về đêm sẽ tạo điều kiện cho du khách có thêm thời gian khám phá cố đô Huế, nhất là trong không gian huyền ảo lung linh của Hoàng cung. “Đến Huế bằng các chuyến bay muộn sau 19h, nên mở cửa Đại Nội về đêm là một trải nghiệm thú vị, để du khách dành toàn bộ thời gian ban ngày thăm thú các di tích, lăng tẩm hoặc mua sắm”, chị Nguyễn Thanh Nga, một du khách đến từ TP. Vũng tàu chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế  Phan Thanh Hải, đơn vị ông đang nghiên cứu tổ chức một số hoạt động trưng bày, giới thiệu, diễn giải về văn hóa cung đình. Những hoạt động chính sẽ được tổ chức tại Đại Nội,  các show trình diễn nghệ thuật tại cung Trường Sanh, biểu diễn Nhã nhạc ở Duyệt Thị Đường, trình diễn nghề truyền thống ở Phủ Nội vụ... Trung tâm sẽ kết hợp với một số DN và nhà nghiên cứu để xây dựng và thực hiện chương trình này và biến nó trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc cho Huế.

Một tin vui khác khi Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) hỗ trợ quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Hương và triển khai dự án thí điểm từ Bến Hề tới công viên Lý Tự Trọng với tổng kinh phí trên 6 triệu USD, trong đó dự án thí điểm chiếm 3 triệu USD (gần 65 tỷ đồng). Mục tiêu của dự án là liên kết khu vực ven sông với cồn Hến và cồn Dã Viên ở bờ Nam sông Hương; kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng và tạo điểm nhấn tầm nhìn sang bờ Bắc sông Hương, mang đến cho Huế không gian sống động về đêm.

Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top