ClockThứ Ba, 16/07/2019 07:00

Hướng dẫn viên du lịch “đắt hàng”

TTH - Lượng khách đến Huế, nhất là khách ở Huế đi du lịch tiếp tục tăng, do đó, nghề hướng dẫn viên (HDV) du lịch cũng “được mùa”.

Châu Á: Thiếu hụt phi công ảnh hưởng đến phát triển du lịchNghề không có tếtXếp hạng để tăng chất lượng hướng dẫn viên du lịchSinh viên tranh tài tìm hướng dẫn viên tài năng

Hướng dẫn viên hướng dẫn khách ở Đại Nội - Huế

Nhu cầu lớn

Hè 2019, số lượng khách Huế đặt tour tại Công ty CP Du lịch Đại Bàng tăng đột biến. Khách đi tour tăng, nhu cầu về số lượng HDV cũng tăng.

Anh Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc công ty cho biết, nhu cầu đi du lịch của người dân Huế năm nay tăng mạnh. Công ty đang có 15 HDV, song nhiều lúc vẫn thiếu. Nhiều tour tổ chức cùng ngày nên phải hợp tác thêm một HDV ngoài để đi tour.

Theo Chi hội HDV du lịch Huế, hiện đang đỉnh điểm của mùa du lịch nội địa. Do đó, HDV nội địa đang “cháy” hàng. Với số lượng như hiện nay, khoảng 300 HDV nội địa vẫn không cung ứng đủ nhu cầu của khách và các doanh nghiệp du lịch. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thuê HDV quốc tế để dẫn tour.

HDV Nguyễn Đình Quyên, Công ty CP Du lịch Fiditour, Chi nhánh Huế cho biết, so với các năm gần đây, 2019 là năm “làm ăn” được nhất của HDV này. Theo đó, lịch trình trong 3 tháng hè 6, 7 và 8/2019 gần như kín. Sau mỗi tour chỉ tranh thủ nghỉ ngơi khoảng 1 ngày là đã tiếp tục đi tour mới. “Nghề HDV phụ thuộc nhiều về mùa vụ, nên tranh thủ thời gian này để kiếm thêm thu nhập”, anh Nguyễn Đình Quyên bộc bạch.

Hướng dẫn viên hướng dẫn khách tham quan Huế

Qua tìm hiểu, thu nhập của các HDV hiện nay thuộc vào mức thu nhập khá. Thù lao trung bình mỗi ngày là 500 nghìn đồng với khách nội địa và 700 nghìn đồng với khách quốc tế. Theo anh Lê Đình Huy, Phó Chủ tịch Chi hội HDV Huế, tùy vào tính chất tour mà thu nhập của các HDV có sự thay đổi. Với những tour khách quốc tế, đòi hỏi HDV phải làm việc nhiều, hay phải tham gia hành trình đạp xe trong tour DMZ (tour thăm lại chiến trường xưa)… sẽ có thu nhập cao hơn. Còn những tour nội địa, hay chỉ có hình thức di chuyển bằng ô tô sẽ có mức thu nhập thấp hơn.

Ngoài HDV nội địa, nhóm HDV tiếng hiếm thời gian qua cũng tiếp tục “cháy hàng”. Dù đã tăng về số lượng, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Nhất là HDV tiếng Thái, dòng khách này đang tăng trưởng trở lại sau khoảng 4 năm chững lại, vươn lên đứng thứ 2 về số lượng khách quốc tế đến Huế thời gian qua. Tuy nhiên, theo thống kê, ở Huế chỉ mới có 24 HDV được cấp thẻ. Nhiều tour đã phải sử dụng ngôn ngữ trung gian để phục vụ khách đến Huế.

Thiếu hụt về chất và lượng

Mới đây, đại diện Công ty TNHH TM&DL Tân Hồng, chuyên khai thác dòng khách tàu biển trăn trở về việc thiếu hụt HDV phục vụ dòng khách tàu biển. Theo đó, mỗi lần xuống tàu, lên đến vài nghìn khách, số lượng HDV tham gia hướng dẫn có thể lên đến cả 100 HDV.

Theo bà Nguyễn Thanh Hoa, Công ty TNHH TM&DL Tân Hồng, gần đây có đoàn khách tàu biển quốc tịch Đức gần 2.000 người xuống cảng Chân Mây, do không đủ HDV nên đã gây rất nhiều khó khăn trong việc phục vụ khách. Nhiều HDV hiện không đảm bảo chất lượng, thông tin hướng dẫn ít cập nhật, quản lý thời gian cho khách không phù hợp nên thường làm trễ thời gian của khách, không kịp quay lại tàu biển, buộc các tàu phải chờ đợi. Nhiều đoàn khách phản ánh, HDV khả năng ngoại ngữ yếu. Đây là những vấn đề về HDV cần được khắc phục khi sản phẩm du lịch tàu biển hứa hẹn tiếp tục phát triển thời gian đến.

Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, sở liên tiếp mở các lớp cập nhật kiến thức cho các HDV, giúp HDV nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, còn là đợt sát hạch về chất lượng trước khi tiến hành làm hồ sơ cấp thẻ hành nghề mới.

Riêng với chất lượng và số lượng HDV du lịch phục vụ khách tàu biển, theo anh Trần Đình Minh Đức, do tần suất tham gia các tour tàu biển không thường xuyên nên nhiều HDV không tham gia phục vụ mà chọn các tour khác. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khai thác khách tàu biển chưa có mức thù lao xứng đáng với các HDV phục vụ nên khó tìm kiếm HDV. Các doanh nghiệp cũng cần có những cơ chế, đãi ngộ phù hợp hơn để thu hút các HDV chất lượng cùng tham gia phục vụ.

Quay trở lại với khách Thái Lan nói riêng và các thị trường ngôn ngữ hiếm nói chung, ngành du lịch cần chủ động hơn các giải pháp để tăng số lượng HDV. Có những nghiên cứu về thị trường để đón đầu các giải pháp, nếu không sẽ tiếp tục thiếu hụt HDV tiếng Hàn và tiếng Thái như đã vấp phải thời gian qua.

Nghề HDV được xem là các “đại sứ” du lịch. Phát triển số lượng và chất lượng HDV phải được chú trọng. Đây là tiêu chí quan trọng để giúp du lịch Huế phát triển bền vững.

Theo thống kê của Sở Du lịch, hiện nay Huế có 1.740 HDV; trong đó, 1.432 HDV quốc tế và 308 nội địa. HDV tiếng Anh chiếm số lượng nhiều nhất với 775 HDV. Ngoài ra, số lượng HDV một số ngôn ngữ hiếm, như tiếng Hàn có 34 HDV, tiếng Nga 33 HDV, tiếng Thái 24 HDV, tiếng Đức 26 HDV, Tây Ban Nha 6 HDV, Italia 1 HDV…

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

TIN MỚI

Return to top