ClockThứ Bảy, 23/11/2019 13:30
KHU DU LỊCH LĂNG CÔ - CẢNH DƯƠNG:

Hướng đến địa chỉ hàng đầu của miền Trung

TTH - Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch (KDL) quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương với mục tiêu đến năm 2025 trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của Huế và miền Trung.

Động thổ giai đoạn 1 Khu du lịch Minh Viễn Lăng Cô

Cảnh Dương được quy hoạch thành đô thị du lịch sinh thái biển trong tương lai. Ảnh: CÔNG MINH

Theo ngành du lịch, quyết định của Chính phủ là cơ hội lớn cho Lăng Cô – Cảnh Dương. Tuy nhiên, để trở thành KDL quốc gia, cần có những giải pháp từ sớm mới có thể cụ thể hóa được các “định mức” phải có khi thời điểm 2025 không còn xa.

Những con số “khủng” phải đạt được

Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1774/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương. Mục tiêu được đặt ra là đến năm 2025, KDL Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là KDL quốc gia. Đến năm 2030, trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.

Ban Quản lý các Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh thông tin, với mục tiêu trên, hàng loạt sản phẩm du lịch đã được định hướng phát triển, gồm nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch golf, thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao và phát triển các sản phẩm du lịch phụ trợ…

KDL được chú trọng phát triển đa dạng các loại hình lưu trú, đặc biệt là các loại hình lưu trú cao cấp tiêu chuẩn 4 - 5 sao; trong đó, phải có hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự du lịch, khách sạn cao cấp gắn với chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí cao cấp.

Theo ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch, lộ trình để Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành KDL quốc gia là vào năm 2025, còn khoảng 6 năm để triển khai. Tuy nhiên, từ quy hoạch đến thực tế là cả một chặng đường dài, nhìn vào những con số để có thể được công nhận là KDL quốc gia không phải dễ trong ngày một, ngày hai.

Điều kiện công nhận KDL quốc gia là phải có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm: Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm.

Ông Lê Hữu Minh cho biết, để được phê duyệt quy hoạch Lăng Cô – Cảnh Dương thành KDL quốc gia không phải dễ, bởi sự cạnh tranh điểm đến trong cả nước đang dần trở nên gay gắt hơn rất nhiều so với trước. Việc có một kế hoạch sớm, giải pháp thực hiện đồng bộ ngay từ bây giờ mới giúp đến năm 2025 đạt được các chỉ số về cơ sở hạ tầng, số phòng lưu trú chất lượng, lượng khách cho Lăng Cô - Cảnh Dương.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các ban, ngành và UBND huyện Phú Lộc mới đây, nhiều lãnh đạo ban, ngành cho rằng, cơ hội đang đến với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói chung, nhưng thách thức luôn song hành.

Hiện nay, các yếu tố cấu thành cần có cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có sức bật nói chung và KDL quốc gia trong tương lai vẫn chưa được đầu tư tương xứng, nhất là hạ tầng, giao thông đô thị và cả hệ thống ánh sáng vào ban đêm thể hiện cho sự phát triển của một khu kinh tế tầm cỡ vẫn còn yếu và thiếu.

Cần chủ động hơn

Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng Quy hoạch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, sau khi có phê duyệt quy hoạch chung KDL quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương, Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025; trong đó, tập trung nhiều cho hạ tầng, dịch vụ du lịch. Nhưng để triển khai các công trình, hạng mục như trong quy hoạch cần có lộ trình và kế hoạch dài hơi hơn.

Một khó khăn lớn khiến quá trình đầu tư cho KDL Lăng Cô – Cảnh Dương gần như phải chậm đến 2 năm là khi thông qua quy hoạch, nằm ở giai đoạn giữa kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, thành thử gặp khó về bố trí nguồn lực đầu tư.

Ban Quản lý các Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho KDL phải đưa vào kế hoạch trung hạn tiếp theo (2021 – 2025), nên những thay đổi lớn cho khu kinh tế chưa rõ rệt.

Ông Lê Hữu Minh cho rằng, điều cần làm từ bây giờ là đưa ra được một số dự án trọng điểm để tận dụng một số nguồn vốn tập trung đầu tư. Trong đó, ưu tiên đến cơ sở hạ tầng, giao thông thiết yếu. Bên cạnh đó, xác định từng hạng mục và xác định nguồn kinh phí cụ thể từ Trung ương, địa phương hay hình thức xã hội hóa để phân hóa, triển khai hợp lý.

Riêng với các dự án nhằm đạt mục tiêu tăng số phòng lưu trú cao cấp, đáp ứng tiêu chí của một KDL quốc gia cũng cần “tăng tốc” hơn. Hiện ở đây có 3 dự án lớn đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác là giai đoạn 2 Laguna Lăng Cô, KDL Địa Trung Hải và KDL quốc tế Minh Viễn. Riêng với Laguna Lăng Cô, việc đầu tư dịch vụ casino đang gặp những khó khăn trong tìm kiếm đối tác cùng phối hợp đầu tư khai thác.

Theo quy hoạch KDL quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương mà Chính phủ phê duyệt, về định hướng đầu tư, nguồn lực để phát triển KDL này sẽ được huy động thông qua hỗ trợ từ ngân sách, vốn ODA, vốn đầu tư nước ngoài FDI, các tổ chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế...; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư một phần từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng khung phục vụ du lịch trong phạm vi KDL Lăng Cô - Cảnh Dương và tại các phân khu chức năng...

Theo các nhà đầu tư, để thu hút được nguồn vốn lớn, Lăng Cô – Cảnh Dương cần hình thành được cơ chế chính sách thu hút đặc thù riêng.

Ông Phan Quang Minh, Giám đốc Khai thác phát triển KDL quốc tế Minh Viễn cho rằng, về các thủ tục hành chính, doanh nghiệp đã được hỗ trợ tốt. Vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp vẫn là thời gian giải phóng mặt bằng thường kéo dài. Khi doanh nghiệp đã quyết định đầu tư luôn cần có mặt bằng sạch, nhanh và thời gian thi công rút ngắn để sớm đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

 ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top