ClockThứ Hai, 04/09/2017 08:56

Hướng đến đô thị Chân Mây - Lăng Cô

TTH - Dự án (DA) điều chỉnh tăng vốn từ 876 triệu USD lên 2 tỷ USD có kinh doanh Casino tại Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (KKT CM- LC) của Công ty TNHH Laguna Việt Nam đang hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận cùng với nhiều DA quy mô lớn về du lịch, cảng biển và khu đô thị sắp hoàn thành, tạo tiền đề xây dựng đề án thành lập khu đô thị CM- LC.

Một góc Khu du lịch Laguna ở Chân Mây - Lăng Cô

Khởi động các dự án lớn

Nằm trên địa bàn xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) và chạy dọc theo bờ biển Cảnh Dương, chỉ vài tháng nữa, khu nghỉ dưỡng mang tên Huyền thoại Địa Trung Hải (Mediterraneo Resort) do Tập đoàn Vicoland đầu tư sẽ đưa vào hoạt động, tạo điểm nhấn cho KKT CM- LC và tạo thêm điểm du lịch chất lượng cao phục vụ du khách.

Với tổng vốn 830 tỷ đồng, khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên diện tích 8ha, bao gồm  52 vila, hệ thống khách sạn có công suất 110 phòng ngủ và hội trường, căn hộ, trung tâm dịch vụ tổng hợp tiêu chuẩn 5 sao cùng với các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vicoland, ông Hồ Văn Thu khẳng định, sau khi hoàn thành, đây sẽ là khu du lịch ấn tượng, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng đối với du khách. Sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1 (trước Tết Nguyên đán 2018), tập đoàn tiếp tục đầu tư các hạng mục giai đoạn 2, đồng thời mở rộng diện tích lên 18 ha với đầy đủ các dịch vụ vui chơi giải trí nhằm kết nối và chia sẻ nguồn khách giữa 3 khu nghỉ dưỡng do Vicoland đầu tư tại 3 địa điểm là Đà Nẵng- Huế- Quảng Bình.

Ngoài lĩnh vực du lịch, nhiều DA sản xuất công nghiệp đang đầu tư tại KKT CM-LC, điển hình là Công ty CP One One miền Trung. Với dây chuyền sản xuất các loại bánh gạo nổi tiếng theo công nghệ Nhật Bản công suất 360 tấn/tháng, hiện doanh nghiệp (DN) đang đầu tư vốn mở rộng quy mô.

“Sau gần 2 năm hoạt động, DN đã có thị trường ổn định khắp cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, 8 tháng đầu năm tiêu thụ gần 25 ngàn tấn sản phẩm. Sắp tới, DN tiếp tục đầu tư vốn trang bị thêm dây chuyền sản xuất để sản xuất sản phẩm mới và mở rộng xuất khẩu sang một số nước trên thế giới”, Trưởng phòng Nhân sự, ông Hồ Thế Quốc chia sẻ.

Bến cảng số 3, Cảng CM được xem là DA quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông hàng hóa và hành khách hiện đang được Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đẩy mạnh thi công. Với tổng vốn đầu tư 846 tỷ đồng, hiện công trình đã hoàn thành việc đóng cọc, xây dựng bờ kè, chuẩn bị đổ bê tông kè bến với mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành tháng 9/2018 nhằm giảm tải cho bến cảng số 1, đưa Cảng CM trở thành cảng biển quốc tế.

Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô nhìn từ bãi biển Cảnh Dương với vẻ đẹp mang đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Phan Thành

Ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Sau 11 năm hình thành, đến nay KKT CM- LC thu hút 39 DA với tổng vốn đăng ký 40.266 tỷ đồng, bao gồm KKT du lịch kết hợp với nhà ở đô thị, khu phi thuế quan- công nghiệp- dịch vụ hậu cảng và dịch vụ đô thị công nghiệp-công nghiệp kỹ thuật cao. Một số DA trọng điểm mang lại hiệu quả kinh tế, như DA Laguna Lăng Cô, khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, khu du lịch sinh thái đầm Lập An, hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn- Chân Mây…

Phó Trưởng ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh, ông Lê Văn Tuệ thông tin: “Với mục tiêu thành lập đô thị CM- LC trong tương lai gần, hiện ban đang đẩy mạnh phát triển KKT theo hướng nhanh và bền vững, trong đó sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, tạo môi trường hấp dẫn thu hút khách. Trong đó, đẩy mạnh các DA hạ tầng xử lý nước thải, bến cảng, đường giao thông nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu sản xuất, đi lại và kinh doanh dịch vụ của các DN. Hiện, DA hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu công nghiệp và khu phi thuế quan có tổng mức đầu tư 267 tỷ đồng đang khẩn trương thi công để hoàn thành trong năm 2018; các DA trọng điểm như cầu cảng số 2 và đê chắn sóng Cảng CM, đường phía đông đầm Lập An sẽ triển khai trong năm 2018”.

Theo ông Tuệ, đến năm 2020 Cảng CM sẽ có 3 cầu cảng, đáp ứng 6 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm. Trong đó, DA đê chắn sóng là DA hạ tầng kỹ thuật quan trọng nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào bến cảng. Với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, giai đoạn 1 của DA có chiều dài 450m, dự kiến khởi công vào cuối năm 2017 và hoàn thành đầu năm 2020, giúp DN kéo dài thời gian khai thác của cảng, có vai trò chắn sóng và tạo sự ổn định cho tàu thuyền lưu thông qua cảng CM.

Ban Quản lý các KKT, công nghiệp tỉnh vừa cấp phép cho 2 DA lớn có tổng vốn đăng ký trên 1 ngàn tỷ đồng, đó là DA bến số 2 Cảng CM và khu du lịch Suối Voi của Công ty TNHH Đầu tư thương mại& Dịch vụ Hoa Lư Huế; đồng thời có 4 nhà đầu tư tiềm lực đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKT CM- LC, như Công ty J.W (Hàn Quốc) với DA đầu tư hạ tầng và sản xuất phụ kiện ô tô, Tập đoàn Sunjin Hàn Quốc phối hợp với Tập đoàn Phương Trang đầu tư DA kho vận phân phối và kinh doanh xăng dầu, nhà máy sản xuất xe buýt và Tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật Bản Route Inn nghiên cứu đầu tư DA khách sạn cao cấp.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
Khống chế thành công cháy rừng trong đêm

Ngày 6/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Lúc 20h40 đêm 5/4, Đồn Biên phòng Lăng Cô (Phú Lộc) nhận tin báo của chính quyền địa phương về việc xảy ra đám cháy lớn tại khu vực rừng thuộc tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô.

Khống chế thành công cháy rừng trong đêm
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới

TIN MỚI

Return to top