ClockChủ Nhật, 03/01/2016 10:53

Hy vọng về một chương mới

TTH - Những khách sạn lắm sao, những khu resort cao cấp,... những thứ ấy có tiền là có thể tạo lập. Còn với những tài nguyên du lịch như Huế, cho dù có tiền, thật nhiều tiền đi nữa, thì vẫn không thể...mơ.

Đại nội - Điểm đến khó bỏ qua khi thăm Huế

Kiểm kê “của nả”

Đêm trước ham vui, cứ chén tạc chén thù với mấy đồng nghiệp ở đất cao nguyên. Sáng mai ra, người cứ như đi...trên mây. Nhưng bạn tha thiết rủ đi Ayun Hạ. Ừ, thì đi. Cất công từ Cố đô leo lên tới “mái nhà Đông Dương”, mắc mớ chi mà bỏ. Đi coi cho biết cái hồ chứa hơn 250 triệu khối nước, làm hồi sinh hơn 1,3 vạn ha đất canh tác, giúp bà con dân tộc an tâm định canh định cư. Đi cho biết một điểm du lịch sinh thái có tuổi đời mới hơn 20 năm ở xứ “phố núi đầy sương”...

Bảy chục cây số sau một đêm “chiến đấu” quả là nhọc nhằn. Cuối cùng thì cũng đến. Thoát được chiếc ô tô chật chội để lên chễm chệ giữa lòng con thuyền thông thoáng quả là sướng vô cùng tận. Thuyền nổ máy rời bến. Gió từ mặt hồ thổi tới rười rượi mát làm tỉnh cả người. Thuyền băng băng giữa mênh mông nước, mênh mông núi rừng. Sang bờ bên kia thì cập bến cho anh em lên giải lao. Xong lại xuống thuyền, lại mênh mông nước, mênh mông núi rừng. Cậu em út của đoàn sợ mất lòng chủ nhà, ghé tai tôi nói nhỏ: “Ri thì phải kêu hồ Truồi của mình bằng... cụ, anh hí.” Tôi cười. Cái thằng... tự tôn ghê gớm. Nghĩ vậy, nhưng thật lòng tôi cũng ít nhiều đồng cảm. Hồ Truồi không vạm vỡ hoành tráng bằng, nhưng đúng là thơ mộng thật.

Festival Huế đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng du khách và công chúng

Mà đâu chỉ riêng hồ Truồi, câu nói của anh bạn trẻ khiến tôi tẩn mẩn ngồi “kiểm kê tài sản” du lịch Huế để rồi... giật mình. Đúng là nói về tiềm năng “của nả” của du lịch thì không vùng đất nào giàu có như Huế thật. Ít ra là trong tầm hiểu biết của cá nhân tôi. Chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, nhắm mắt cũng có thể kể ngay. Trước hết nói về sông. Tôi đã từng được dịp đi dọc một đoạn sông Kurlalumpur của Malaysia, được ngồi thuyền du ngoạn sông Singapore về đêm với cái giá không hề dễ chịu, được rẽ sóng Mekong ra thăm Biển Hồ ở Campuchia, và nhiều nhiều nữa những con sông ở các tỉnh thành trong nam ngoài bắc, từng lắng nghe ý kiến nhận xét của bầu bạn gần xa, thì sông Hương của Huế vẫn là nữ hoàng trên mọi phương diện.

Nói về biển, Thừa Thiên Huế cũng chẳng kém ai. Hơn trăm cây số bờ biển đã dâng tặng cho Cố đô những bãi tắm cực kỳ lý tưởng, trong đó có Thuận An từng được hoàng đế Thiệu Trị liệt vào một trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh; Lăng Cô đứng trong top 30 bãi biển đẹp nhất thế giới.

Nói về núi thì Bạch Mã từng là thiên đường nghỉ dưỡng, là “Đà Lạt” của miền Trung từng được người Pháp khám phá và khai thác từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 mà dấu tích của 139 biệt thự và các kiến trúc như chợ, bưu điện...vẫn còn hiện hữu.

Nói về chùa chiền thì Huế cũng được mệnh danh là kinh đô Phật giáo, và trong thời hiện đại lắm thứ xô bồ, Phật giáo Huế là nơi còn giữ được chất thiền đậm nét.

Luận về đầm phá thì 22.000 ha của hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai được khẳng định là lớn nhất Đông Nam Á với những sản vật làm mê say lòng người. Rồi nữa, Huế còn là vùng đất của ẩm thực, của lễ hội, của nghề thủ công truyền thống. Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế là những Di sản Văn hóa nhân loại đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận...

Đến lúc làm thôi...

Những nơi khác có thể có những khách sạn lắm sao, những khu resort cao cấp, sang trọng, những khu vui chơi giải trí rộn ràng... Nhưng tôi lại nghĩ (dù có thể bị cho là... lẩm cẩm tự cao) những thứ ấy có tiền, có người đầu tư là hoàn toàn có thể tạo lập. Còn những tài nguyên du lịch của Huế như vừa kể, cho dù có tiền, hay thật nhiều tiền đi nữa, thì vẫn đành là mơ ước. Thế cho nên, cho dù hạ tầng còn nhiều yếu kém, cho dù cung cách phục vụ được cho là chưa chuyên nghiệp, cho dù sản phẩm lưu niệm còn nghèo nàn, cho dù du lịch bị chê là tụt hậu vân vân và vân vân..., Huế vẫn luôn lọt vào danh sách những top đầu trong các cuộc bình chọn: Sông Hương được bình chọn vào top 5 dòng sông trải nghiệm du thuyền thú vị của Việt Nam (Tổ chức Kỷ lục Việt Nam); Tờ Figaro, một tờ báo danh tiếng và lâu đời nhất của Pháp, đưa Huế vào danh sách 10 điểm đến không thể bỏ qua nếu du lịch Việt Nam (2015); cũng trong năm 2015, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn 45 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam thì Huế chiếm đến 6 điểm, bao gồm biển Lăng Cô, Văn Thánh, Bảo tàng cổ vật cung đình, Làng cổ Phước Tích, chùa Thiên Mụ, chợ Đông Ba... Đó là thực tế. Tuy nhiên, có một thực tế khác nữa là dù nhiều tiềm năng thế mạnh, từng là con chim đầu đàn của du lịch Việt Nam một thuở như thế, song đến nay du lịch Huế đang tụt hậu, thậm chí có nguy cơ thua cả một số điểm du lịch mới nổi, kể cả so với một vài người bạn láng giềng. Thực tế đó không chỉ làm cho lãnh đạo địa phương sốt ruột, mà ngay cả những người dân bình thường nhất cũng thấy chạnh lòng. Đã đến lúc phải hành động để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn là quyết tâm mà những người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bày tỏ tại các diễn đàn. Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 (đầu tháng 12/2015), Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã cho biết, tỉnh sẽ có một hội nghị chuyên đề bàn về du lịch. Chúng ta đã nói nhiều rồi, bàn nhiều rồi, bây giờ là lúc bắt tay để làm- Người lãnh đạo cao nhất của tỉnh bày tỏ.

Tiềm năng như thế, hấp dẫn như thế, tại sao lượng khách đến tăng chậm, thậm chí có lúc giảm; tại sao thời gian lưu trú của khách không dài; tại sao chi tiêu của khách còn khiêm tốn v.v... là những “câu chuyện” cần phải trải hết trên bàn nghị sự. Để rồi từ đó đi đến thiết kế những tour nào cho Huế, ai triển khai, ai chào bán để đưa khách đến? Ai đảm bảo chất lượng, dịch vụ lưu trú? Ai lo cho sự hài lòng và lan tỏa của ẩm thực Huế? Ai chăm cho hàng lưu niệm, hàng đặc sản Huế để khách đến sẽ hài lòng, yên tâm mua sắm mà không lo bị chặt chém, không sợ bị mua nhầm hàng dổm? Ai quản để dẹp nạn cò mồi, chèo kéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh? Ai quảng bá, xúc tiến đầu tư?... Cần phải giao việc cụ thể cho từng người cụ thể; cần phải cắt cử một vị “tư lệnh” để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc với tinh thần mà Thường trực Tỉnh ủy từng nhiều lần quán triệt “Ai làm tốt được tuyên dương khen thưởng; ai làm không tốt phải bị kiểm điểm, phê bình”, phải như thế thì mới có thể đạt tới mục tiêu “xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa-du lịch của cả nước và khu vực”, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, dự phần xứng đáng vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả tỉnh.

Một hội nghị chuyên đề trên tinh thần “bắt tay để làm” hy vọng sẽ mở một chương mới, rộn rã, tươi vui cho du lịch Huế bắt đầu từ năm mới 2016...

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top