ClockThứ Bảy, 10/09/2022 15:21

Kết nối, khai thác thị trường khách Lào

TTH - Nhiều năm qua, Huế nói riêng và miền Trung nói chung là thị trường yêu thích của khách Lào; ngược lại, nhiều khách Huế cũng đã lựa chọn Lào là điểm đến trong chuyến du lịch.

Lạm phát, thiếu hụt lao động làm chậm đà phục hồi chi tiêu của các chuyến công tácLào nhắm đến dòng khách Việt Nam yêu thiên nhiênThiếu hụt nghiêm trọng lao động trong ngành du lịch

Đoàn báo chí Lào tìm hiểu di sản Huế

Khai thác thế mạnh du lịch của nhau

Sau khi hai nước Việt Nam và Lào mở cửa du lịch trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt kết nối và khai thác được gần 2.000 khách từ thị trường Lào sang Việt Nam du lịch. Trong đó, miền Trung nói chung và Huế nói riêng là điểm đến được lựa chọn của khách ở đất nước "Triệu Voi”.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh thông tin, thời điểm trước dịch bệnh, mỗi năm Huế đón đến vài chục nghìn khách Lào sang tham quan, sử dụng dịch vụ. Riêng công ty, trung bình mỗi năm khai thác được 3.000 khách. Cũng giống như Việt Nam, thời điểm khách Lào sang du lịch nhiều nhất là trong 3 tháng: 6,7 và 8 hàng năm. Vì đây là thời điểm nghỉ hè của học sinh ở Lào. Nhu cầu chủ yếu của khách Lào là tham quan, khám phá văn hóa, các vùng đất mới và kết hợp du lịch biển. Khoảng cách tương đối gần, nên khách Lào đến Huế chủ yếu bằng đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo.

Sở Du lịch cho biết, bên cạnh các dịch vụ du lịch thuần túy, Huế là điểm mà khách Lào chọn đến để khám, chữa bệnh. Số liệu thống kê trong năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh), Huế đón hơn 5.000 khách Lào sang để khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ở Huế. Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm y tế của Việt Nam và cả khu vực, đó là lý do được khách Lào tin tưởng, chọn làm điểm đến để chăm sóc sức khỏe.

Cách đây chưa lâu, một đoàn báo chí Lào đã đến Huế để gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm trong thực tiễn tác nghiệp báo chí. Nhân chuyến đi này, đoàn đã thực hiện nhiệm vụ đăng tin bài về những hình ảnh đẹp tại Việt Nam; trong đó có Huế đến với đông đảo bạn đọc ở đất nước Lào. Một thành viên trong đoàn sau đó phản hồi, những hình ảnh, clip được ghi lại khi đến Huế được bạn đọc ở Lào rất quan tâm; qua đó, thúc đẩy du khách Lào sang Huế du lịch nhiều hơn.

Lào cũng là điểm đến được lựa chọn của nhiều khách Việt  nói chung và Huế nói riêng. Từng tham gia tour trải nghiệm đạp xe qua ba nước: Việt Nam, Lào và Thái Lan, hướng dẫn viên Trần Mậu Thảo chia sẻ, tại Lào, đoàn có hành trình đạp xe vào thành phố Savannakhet với chiều dài 35km. Cả đoàn đi qua những bản làng, chứng kiến sinh hoạt thường nhật của người dân, hiểu thêm nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Cũng trên quãng đường, đoàn đạp xe qua khu công nghiệp Savan - Sê Nô của Lào, chứng kiến sự đổi thay ở lĩnh vực kinh tế của đất nước bạn. Dừng chân và thưởng thức những món ăn độc đáo của nước bạn Lào, như món sông tầm (gỏi đu đủ), món lạp mú (gỏi da heo, thịt băm)…

Anh Trần Mậu Thảo chia sẻ, để lại kỷ niệm sâu sắc nhất đối với đoàn là thông qua chuyến du lịch bằng xe đạp, đã gắn kết tình hữu nghị giữa các đơn vị tổ chức tour. Vượt qua bất đồng về ngôn ngữ, sự gắn kết nhau đã được thể hiện. Sau những lần gặp gỡ và giao lưu đó, các bên vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên và tiếp tục gắn kết cho đến hiện tại.

Khai thác thị trường tiềm năng

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cho hay, dù nằm cạnh nhau, song thị trường Lào và Việt Nam; trong đó có Huế lại là thị trường khách tiềm năng của nhau. Lý do là lượng khách đã đến nhưng chưa nhiều, “dư địa” phát triển vẫn còn rất lớn.

Để tăng cường khai thác thị trường còn rất tiềm năng như Lào, thời gian qua, ngành du lịch Huế đã tiến hành nhiều đợt xúc tiến, quảng bá đến thị trường này. Tại các hội nghị xúc tiến hợp tác du lịch giữa hai quốc gia, ngành du lịch Cố đô cũng đều đặn tham gia và có gian hàng giới thiệu, xúc tiến các sản phẩm du lịch. Cũng tại các đợt xúc tiến quảng bá, ngành du lịch Huế tận dụng tối đa thời gian trao đổi với các công ty lữ hành tại Lào để thông tin các hoạt động, sản phẩm dịch vụ du lịch mới, trao đổi những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tìm biện pháp tháo gỡ, tạo tiền đề thúc đẩy các doanh nghiệp đưa khách về Huế nhiều hơn trong tương lai.

Nhằm kết nối lại thị trường Lào trong thời gian đến, trong ít ngày nữa, từ ngày 14-17/9/2022, Hội Lữ hành tỉnh sẽ tổ chức đoàn famtrip đến Lào và thị trường Đông Bắc Thái Lan. Famtrip này nhằm quảng bá và lan tỏa vẻ đẹp của du lịch Huế đến du khách; xây dựng mới và kết nối lại các mối quan hệ cũ đối với các công ty du lịch và dịch vụ du lịch để chuẩn bị chào đón du khách từ cả hai nước đến tham quan. Sau dịch bệnh, nhu cầu của các thị trường sẽ có sự thay đổi, việc chủ động kết nối là rất cần thiết để xây dựng, cung ứng dịch vụ mới, phù hợp với thị hiếu và có tính đón đầu cho tương lai.

Theo ông Đỗ Ngọc Cơ, có một thực tế cần đánh giá đúng mới có thể có những giải pháp, xây dựng sản phẩm có tính đón đầu, phù hợp với khách Lào. Đó là dấu hiệu lựa chọn tham quan di sản của khách Lào giảm xuống, mà lựa chọn các dịch vụ gắn với biển nhiều hơn. Ở Huế, du lịch biển chưa phát triển, thiếu dịch vụ nên xu hướng ở Huế 1 đêm nhiều hơn so với 2 đêm như thời gian trước đó.

“Như tôi đã nói ở trên, nhu cầu về du lịch biển đối với khách Lào rất lớn. Như vừa qua, có nhiều khách trong 3 tháng hè là 3 lần đến miền Trung để du lịch biển. Vì vậy, tỉnh nhà cần ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch biển mới có thể thu hút khách nhiều hơn. Bên cạnh đó là khả năng quảng bá sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp phải mạnh hơn nữa. Đây là dòng khách có kinh tế, quan trọng là Huế làm cho khách tin và lựa chọn đến Huế để làm đẹp. Nếu “bộ ba”: tham quan di sản, du lịch biển và khám, chữa bệnh, làm đẹp được triển khai tốt, Huế sẽ là điểm đến của khách Lào”, ông Đỗ Ngọc Cơ phân tích.

Theo các doanh nghiệp du lịch, đường bay thẳng từ Lào về Huế cần được có kế hoạch để khai thác vì sẽ rất khả thi. Ngoài khách du lịch từ hai phía dần chuyển từ đi bằng đường bộ sang hàng không, người lao động tại Lào ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình cũng rất lớn. Đây sẽ là dòng khách ổn định để việc mở đường bay duy trì tốt.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề: "Công tác xã hội Việt Nam - Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối"; đồng thời tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh. Đến dự lễ kỷ niệm có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội
Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

Ngày 23/3, hai địa phương là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình “Hải Vân Quan - Kết nối thân tình” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024). Đây là 2 địa phương giáp ranh và kết nghĩa đã lâu.

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Return to top