ClockChủ Nhật, 18/09/2022 19:44

Khó đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế

Tín hiệu mới từ khách quốc tế

Sau lễ Quốc khánh là thời kỳ cao điểm đón mùa khách du lịch quốc tế. Lúc này, mùa khách nội địa gần như kết thúc khi năm học mới đã bắt đầu. Hầu như gia đình Việt nào cũng chỉ xây dựng kế hoạch du lịch hè. Chỉ rất ít những gia đình có người lớn tuổi, con cái đã trưởng thành mới chọn du lịch những tháng cuối năm. Hơn nữa, ở nhiều địa phương khu vực miền Trung, thời điểm này trở đi thời tiết không ổn định, mưa lạnh kéo dài không thích hợp cho những chuyến trải nghiệm biển, đầm phá, khám phá thiên nhiên - được xem là lợi thế của khu vực này.

Năm nay, cả nước và Huế đều bắt đầu đón khách quốc tế trở lại sau hai năm gián đoạn do dịch bệnh. Trên đường phố Huế đã xuất hiện những “ông tây, bà tây”, nhất là ở khu phố đi bộ Võ Thị Sáu - Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão, lượng khách nước ngoài đã đông hơn trước. Thế nhưng, so với con số thống kê tổng lượng khách đến Huế nói chung, Việt Nam nói riêng, thì khách quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến cuối tháng 8, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa tới 1,5 triệu lượt, dù gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại giảm hơn 83% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa như mong đợi. Đó là sau dịch, thói quen du lịch của du khách cũng thay đổi. Họ chọn những đất nước an toàn, giá cả hợp lý. Nếu xét về hai yếu tố này thì Việt Nam hoàn toàn có lợi thế, nhất là mới đây Việt Nam được Tạp chí The Travel bình chọn là 1 trong top 10 điểm có chi phí rẻ và đáng đi du lịch nhất thế giới. Thế nhưng tại sao con số lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt 1/3 kế hoạch đề ra?

Theo các nhà phân tích và những doanh nghiệp du lịch lớn như Saigon Tourist, Viettourist, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là việc đi lại của du khách quốc tế, dù Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn nhưng còn rất nhiều bộ phận, khu vực vẫn còn hoạt động như thời điểm xảy ra dịch. Cũng theo các doanh nghiệp này, thủ tục cấp visa cho đối tác, khách hàng doanh nghiệp để đi lại còn khó khăn nói gì đến du khách. Nếu không sớm giải quyết tình trạng này, thì mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay sẽ khó đạt được.

Nếu không đón được khách thì 2 triệu lao động trong ngành du lịch trên cả nước sẽ có nguy cơ mất việc làm, tiếp tục lao đao, chật vật để kiếm sống, giữ nghề. Thế nên, các giải pháp vĩ mô cũng cần được triển khai sớm, trong đó có gia hạn miễn thị thực lên 30 ngày hoặc nhiều hơn như Hiệp hội Du lịch kiến nghị. Đồng thời, tăng cường các kết nối, quảng bá để đưa khách đến Việt Nam, như thông qua hình thức du lịch MICE (du lịch hội nghị). Với những hội nghị tầm quốc tế, mỗi hội nghị Việt Nam đón khoảng vài ngàn đến vài chục ngàn khách. Như thế ngành du lịch sẽ có nhiều cơ hội phục vụ và quảng bá Việt Nam hơn.

Đó cũng là những giải pháp mà ngành du lịch Huế đang triển khai để tăng lượng khách đến Huế. Cũng như cả nước, dù rất có lợi thế về di sản, cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa..., thế nhưng lượng khách quốc tế đến Huế cũng khá nhỏ giọt chỉ chưa tới 100.000 lượt khách trong những tháng đầu năm nay. Như vậy, mục tiêu đón 2 triệu lượt khách quốc tế như Sở Du lịch dự báo đầu năm nay sẽ rất khó thực hiện.

Các doanh nghiệp du lịch so sánh, đón được 10 khách nội địa doanh thu chưa chắc hơn 1 khách quốc tế. Họ không chỉ chi tiêu nhiều hơn, mà còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Thế nên, đón khách quốc tế vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các địa phương có thế mạnh về du lịch, trong đó có Huế. Nói thế để thấy vai trò của khách quốc tế đối với ngành du lịch cả nước nói chung. Trong lúc chờ những giải pháp ở tầm vĩ mô, Huế cũng cần có những thay đổi để đón đầu dòng khách quốc tế từ đây đến cuối năm và những năm tới.

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
Return to top