ClockChủ Nhật, 24/06/2012 13:36

Khó nhất vẫn là vốn

TTH - Với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là tập trung mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Quyết định 818/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt “Dự án điều chỉnh Quy hoạch và bảo tồn Di tích Cố đô Huế”, giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, nên việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ có thể là lai rai, cầm chừng.

Ngổn ngang phần việc

UNESCO đã công nhận di sản văn hoá Huế vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Nhưng để công tác bảo tồn di tích Huế phát triển bền vững, đơn vị được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn nhiều việc ngổn ngang phải làm nhằm chống lại sự xuống cấp của công trình và làm sống lại nhiều không gian đã hoang tàn, đổ nát. Quyết định 818/QĐ-TTg của Chính phủ không những đã kéo dài thêm thời gian để Thừa Thiên Huế chỉnh trang và thực hiện quy hoạch về bảo tồn di sản Huế mà còn mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội để triển khai nhiệm vụ đó. Theo kế hoạch, năm 2012, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ tiến hành bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp cho hệ thống di tích thuộc Kinh thành Huế, những công trình “vắt” qua từ năm 2011 và hạng mục chính của các công trình, như: lăng Đồng Khánh (giai đoạn 1), Tả Tùng Tự (lăng Minh Mạng), Thái Bình Lâu, Tây Khuyết Đài, điện Thọ Ninh (Hoàng thành Huế). Đồng thời, lập dự án chuẩn bị đầu tư các công trình tu bổ tiếp theo như: điện Thái Hoà, Ngự tiền Văn phòng, Tàng thơ lâu, Thái Miếu, phủ Nội Vụ; tiếp tục tu bổ các hạng mục còn lại ở lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Gia Long…

Trùng tu Thái Bình Lâu (Đại Nội)

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: “Hiện nay, trung tâm đang tập trung mọi nguồn vốn để đầu tư, tôn tạo, phục hồi các hạng mục công trình trong Đại Nội và giải toả dân đang sống trong khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích ở Kinh thành. Quan điểm của chúng tôi là trùng tu các công trình di tích theo hướng phục hồi thích nghi để phát huy giá trị. Vì vậy, không nhất thiết phải giải toả, di dời toàn bộ số hộ dân đang sinh sống trong phạm vi này mà sẽ quy hoạch từng bước, những hộ nào ở lại và những hộ nào phải di dời để trả lại đất cho di tích. Hiện nay, chúng tôi cũng đang tập trung nghiên cứu một số công trình trọng điểm theo hướng này, như khu Lục Bộ chẳng hạn. 

Sốt ruột với vốn

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Tuấn đã xác định: Khó nhất hiện nay của chúng tôi là vấn đề về vốn. Thường, nhu cầu nguồn vốn ở các công trình trùng tu di tích rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các nguồn thì lại hạn chế. Chúng tôi đã lập kế hoạch để triển khai chương trình và cũng khẩn trương hoàn tất các thủ tục báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cấp kinh phí chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu về văn hoá của Chính phủ. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để huy động các nguồn lực của xã hội, các tổ chức quốc tế và phát huy tối đa việc khai thác giá trị các công trình cũng như các dịch vụ liên quan.

 Nghiên cứu vật liệu sành sứ trang trí trên Thái Bình Lâu

Vấn đề này, ông Nguyễn Minh Biểu – Giám đốc Ban Quản lý Dự án di tích (Trung tâm BTDTCĐ Huế) nói thêm: “Trong rất nhiều cái khó của công tác tu bổ di tích, như cần có nghệ nhân giỏi, các vật tư đặc chủng, giá cả luôn biến động, thì vốn là vấn đề đầu tiên. Những khả năng chúng ta có, không ăn thua gì so với sự hư hỏng quá nhiều của công trình di tích nên không đáng kể”. Rồi ông tính thêm: Hổ Quyền, Voi Ré, lăng Dục Đức, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị... tất cả đều bị hư hỏng nặng nhưng hiện nay chúng ta đều chưa có vốn để trùng tu, tôn tạo. Năm 2012, vốn của ngân sách địa phương từ nguồn bán vé của trung tâm thu được khoảng 20 tỷ thì đã dành mất 7 tỷ đồng cho dự án các nhà vệ sinh trong các khu di tích phục vụ Festival Huế. Chúng ta cũng có thêm 25 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng nay đã gần hết nửa năm rồi mà vẫn chưa thấy có thông báo chính thức. Vì vậy những công trình trong di tích đã có kế hoạch thực hiện thì tiến độ triển khai cũng chỉ mang tính lai rai, chứ không thể khẩn trương được.

Với tình hình trên, nhiều lần lãnh đạo tỉnh làm việc với các ban ngành Trung ương để xin cho di tích Cố đô Huế một cơ chế đặc thù về vốn, tháo gỡ những khó khăn về nguồn kinh phí để Thừa Thiên Huế có đủ khả năng nâng mức đầu tư cho công tác trùng tu di tích. “Hiện nay, các nguồn của di tích Huế mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng, nhưng nhu cầu thực tế thì cần đến khoảng 300-400 tỷ đồng. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã tháo gỡ bằng làm việc với các bộ liên quan để trình lên Thủ tướng một cơ chế xin vốn đặc biệt cho di tích Huế, mỗi năm từ 100-200 tỷ. Như vậy thì may ra những khó khăn của Huế mới cứu vãn được. Tuy chưa có kết luận chính thức, nhưng tình hình có vẻ lạc quan”, ông Nguyễn Minh Biểu nói thêm.

Thực tế, với công tác trùng tu tôn tạo di tích Cố đô Huế, nguồn kinh phí được sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế đã đóng góp một phần rất lớn và rất quan trọng. Từ năm 1992 đến năm 2012, tổng cộng nguồn ngân sách tài trợ từ các dự án được sự hỗ trợ của các chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với di tích Cố đô Huế là 7.205.849 USD. Phấn khởi và ghi nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế rất nhiều, nhưng TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế vẫn còn băn khoăn: Được bạn hỗ trợ, ủng hộ nhưng chúng ta cũng phải có sẵn nguồn vốn nhất định để đối ứng. Có như vậy, chúng ta mới củng cố được sự nỗ lực đối với sự nghiệp chung và tranh thủ được nhiều dự án có nguồn hỗ trợ.

Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top