ClockThứ Năm, 18/12/2014 11:16

Không để cái khó bó cái khôn

TTH - Ít sản phẩm du lịch hấp dẫn, không có nhiều người giỏi và hoạt động rời rạc… là nguyên nhân tạo thành sức ì của lữ hành Thừa Thiên Huế.

Môi trường chưa ổn

Công ty Cổ phần HG Huế (số 18 Dương Văn An, Xuân Phú, TP. Huế) là một trong những cái tên được nhắc nhiều nhất ở những nơi chúng tôi tìm đến để chia sẻ thông tin về hoạt động lữ hành của Thừa Thiên Huế. HG Huế được thành lập năm 2012, hoạt động rộng rãi ở nhiều địa bàn khác nhau và khai thác nguồn khách chủ yếu từ nước ngoài vào Việt Nam từ các thị trường: châu Âu, châu Mỹ, Thái Lan, Mi-an-ma, Cam-pu-chia… Bên cạnh đó, một số đơn vị khác cũng được “điểm danh”, như: Công ty TNHH Xanh Việt, Công ty Cổ phần Du lịch Xanh Huế, Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội Chi nhánh Huế, Chi nhánh Công ty TNHH 1 thành viên Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel)… Cung cấp những thông tin này, ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VHTT&DL) chia sẻ: “Số đơn vị làm ăn hiệu quả, có năng lực chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số còn lại hoạt động rất rời rạc, mang tính tự phát và chỉ xây dựng những tour na ná với đơn vị bạn để hạ giá bán, cạnh tranh không lành mạnh”.

Một gia đình ở Thủy Thanh làm bánh tét trong tour du lịch trải nghiệm

Nói chuyện về thực trạng của hoạt động lữ hành Thừa Thiên Huế hiện nay, ông Nguyễn Hàng Quý – Giám đốc Công ty Cổ phần HG Huế, tự tin: “Tôi không nhận là mình yếu vì chúng tôi có đội ngũ nhân viên hoạt động rất hiệu quả và HG Huế vẫn đủ sức để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác ở Việt Nam”. So với 2 đầu đất nước như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế thiệt thòi hơn nhiều, nhất là khả năng và cơ hội tiếp cận thị trường nguồn khách.

Ở góc độ khác – sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, là vấn đề khiến bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội Chi nhánh Huế bức xúc: “Mình dồn tâm huyết xây dựng một sản phẩm mới với mức giá hợp lý để chào hàng, thì ngay lập tức có đơn vị khác sao chép và hạ giá xuống thấp nhất có thể. Thậm chí, có những đối tác đang chuẩn bị ký hợp đồng thì nhận được thông tin bị bệnh hiểm nghèo, nội bộ doanh nghiệp mất đoàn kết hoặc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ… gây rối loạn. Mình có trao đổi thông tin để xác minh thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Được vạ thì má đã sưng, chỉ riêng năm nay chúng tôi đã bị “hụt” mất mấy đoàn khách vì lý do này”, bà Lý cho biết. Hơn nữa, cũng theo bà Lý, trình độ của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lái xe và chất lượng của các cơ sở lưu trú… cũng là những vấn đề cần được chấn chỉnh. “Chúng tôi rất thông cảm với các cơ sở lưu trú trong điều kiện khách ít như hiện nay. Nhưng họ đua nhau giảm giá và giảm luôn cả chất lượng dịch vụ, làm mất cả hình ảnh của du lịch Huế. Có những đoàn khách, khi chúng tôi kết nối tour đã kiên quyết ra điều kiện không trở lại khách sạn từng lưu trú trước đó. Khách đánh giá chất lượng khách sạn thấp thì chúng tôi cũng rất khó bán được tour”, bà Lý cho biết thêm.

Xới vật đầu xuân làng Thủ Lễ thu hút du khách. Ảnh: Đức Trí

Cần sự định hướng

Theo ông Lê Văn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt, việc có DNLH hạ giá sản phẩm và cạnh tranh không lành mạnh thì không riêng gì Thừa Thiên Huế và cũng không riêng lĩnh vực lữ hành. Tuy nhiên, “các DNLH đang hoạt động rất rời rạc. Muốn hạn chế tình trạng này, chỉ có cách là tự nguyện liên kết với nhau. Nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp chưa tự nuôi được bản thân nên liên kết cũng là việc khó”. Đánh giá rất cao việc Xanh Việt đang liên kết cùng 3 doanh nghiệp khác thực hiện dự án xây dựng và tu sửa phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, ông Quốc nói: “Chúng tôi mong có nhiều dự án tương tự. Vì ít ra Nhà nước đã có chủ trương và các doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức để cho ra sản phẩm mới cho du lịch Huế”.

Không có đường bay quốc tế đi và đến thẳng tại sân bay Phú Bài cũng là một trong những thiệt thòi tạo nên cái khó của lữ hành Thừa Thiên Huế. Nhưng đây chỉ là “giọt nước tràn ly” chứ không phải là vấn đề sống còn của một ngành du lịch. “Nếu chúng ta coi sân bay Đà Nẵng là sân bay vùng và chỉ cách trung tâm TP. Huế vài giờ đồng hồ di chuyển thì suy nghĩ sẽ khác. Vấn đề là chúng ta khai thác đường bay đó như thế nào, có những chính sách gì để tiếp cận họ và có những sản phẩm như thế nào để đón họ?”, ông Quý phân tích. Ông Quý cũng cho biết, hiện vẫn có nhiều đoàn khách quốc tế đến Huế từ sân bay Đà Nẵng, nhưng du khách Trung Quốc thì lại không. Tại sao khách Trung Quốc không chọn Huế? Tại sao Đà Nẵng lại đáp ứng được thị hiếu của khách Trung Quốc và Huế làm gì để thu hút thị trường khách này?… là những vấn đề mà theo ông Quý, các DNLH, các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước của Thừa Thiên Huế cần ngồi lại để tìm hiểu và có câu trả lời. Đây cũng là động lực cho lữ hành Huế phát triển.

“Hoạt động lữ hành của Thừa Thiên Huế có nhiều cái khó, nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua được. Vấn đề là mỗi người có đồng lòng để vượt qua cái khó ấy như thế nào. Điều quan trọng nhất hiện nay là cần sự định hướng. Có định hướng tốt thì các DNLH mới hiểu ra vấn đề để làm, cũng như hiểu rằng con người là vấn đề quan trọng. Từ đó, mới chú trọng đến việc đào tạo con người, tạo ra những nhân viên biết trải nghiệm. Phải có sự trải nghiệm tốt thì mới biết mình thiếu gì và khách cần gì để tạo ra sản phẩm tốt. Hơn nữa, khâu quảng bá du lịch cũng cần có sự chuyên nghiệp, bài bản và nhất là sự dài hơi. Nghĩa là sự quảng bá ấy phải có sự kế thừa chứ không thể trông chờ vào hiệu quả tức thì”, ông Nguyễn Hàng Quý hiến kế.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ
Return to top