ClockThứ Ba, 20/09/2022 14:45

Không “khoe”, làm sao khách biết là điểm đến đậm đặc về văn hóa

TTH - Huế luôn tự hào là điểm đến “đậm đặc” về văn hóa, nhưng thực tế cho thấy, văn hóa Huế như bị “đóng khung”, còn những khoảng cách, chưa cho du khách thấy được sự đậm đặc mỗi khi đến Huế.

Náo nhiệt lễ hội đường phố Festival HuếDiện mạo mới, sức sống mới từ vị thế thành phố Festival đặc trưngRộn ràng sắc màu văn hóa trên đường phố

Quảng diễn mặt nạ tuồng 

Sẽ không có một địa phương nào trong cả nước có sự đa dạng về văn hóa như Huế. Yếu tố đậm đặc về văn hóa là vì Huế có 5 di sản thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993 - di sản vật thể), Nhã nhạc cung đình Huế (2003 - di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - di sản tư liệu) và đồng sở hữu 2 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).

Sự đậm đặc còn thể hiện khi Huế là trung tâm của Phật giáo; có làng cổ Phước Tích hơn 500 năm tuổi, ngôi làng cổ thứ hai được công nhận trong cả nước; sự đa dạng kiến trúc, từ kiến trúc người Việt, kiến trúc Chăm, kiến trúc Pháp, kiến trúc của người Hoa…; Huế là thành phố Festival của cả nước, với điểm nhấn là Festival Huế mang tầm vóc quốc gia và thế giới; Huế có Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo nhiều tài liệu, Huế chiếm 1.300 trên 1.800 món ăn được thống kê tại Việt Nam…

Múa Lục cúng hoa đăng tại Festival Huế 2022

Đó là những điểm nổi bật mà Huế đang sở hữu. Nhưng xét về yếu tố phát huy các giá trị, văn hóa vẫn còn “khoảng cách” với du khách. Hoặc có, cũng chỉ thấy bề nổi. Những phương thức để giúp du khách đến Huế hiểu, hòa mình vào thế giới văn hóa, rồi sau đó để cảm, để yêu vẫn còn rất hạn chế. Các thiết chế văn hóa cơ bản như bảo tàng, nhà hát, thư viện, các tụ điểm biểu diễn… ở Huế còn yếu và thiếu.

 Ở Huế có 5 bảo tàng công lập, nhưng chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh là có trụ sở. Còn 4 bảo tàng: Bảo tàng Cổ vật Cung đình, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung lại phải “ăn nhờ, ở đậu” khắp nơi. Việc không có trụ sở khiến các bảo tàng không phát huy vai trò của mình. Ví dụ, hiện Huế có hơn 13.000 cổ vật, nhưng Bảo tàng Cổ vật Cung đình chỉ có trưng bày được khoảng 1/3 số cổ vật; hay Bảo tàng Mỹ thuật được thành lập và năm 2018, nhưng các tác phẩm, tư liệu lại “nhờ”  trưng bày ở Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng.

Không nhiều hoạt động để giới thiệu Nhã nhạc Cung đình đến du khách

Các địa điểm để tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật đã xuống cấp và không tương xứng, khiến Huế không phải là sự lựa chọn để tổ chức những chương trình văn hóa nghệ thuật có quy mô. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh được xây dựng và hoạt động từ năn 1980, qua 40 năm trung tâm đã cũ, không còn tương xứng để tổ chức các các chương trình đẳng cấp. Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế nhiều năm qua không tổ chức một chương trình biểu diễn. Năm 2020, Nhà hát sông Hương được đưa vào hoạt động trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi lần biểu diễn phải thuê khoảng 70 triệu đồng, nên các sự kiện văn hóa trong tỉnh gần như không được tổ chức tại nhà hát mới này.

Các thiết chế, sinh hoạt văn hóa ở các làng, ở các thôn xóm của Huế cũng ít được tổ chức. Các đình làng được biết đến là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống thường đóng cửa, chỉ mở cửa khi có cúng tế. Phải đặt câu hỏi rằng, vì sao bạn bè, đồng nghiệp ở khu vực miền Bắc, hay miền Nam ai cũng có “tài lẻ”, như hát quan họ, hát ví dặm, đờn ca tài tử… còn với người Huế, rất ít người hát được ca Huế, các điệu lý, câu hò đặc trưng. Lý do là ở Huế ít có các thiết chế, những sinh hoạt để đưa văn hóa vào đời sống hằng ngày. Hay những năm về trước, chiều cuối tuần, ở các công viên là những tụ điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật… ít nhiều văn hóa truyền thống có thể tiếp cận với công chúng và du khách, hiện nay các sinh hoạt đó cũng không được duy trì.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã từng tính toán trị giá thương hiệu trung bình của mỗi di sản thế giới được công nhận là hơn 500 triệu USD. Thương hiệu này giúp điểm đến chủ sở hữu di sản thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế. Nếu xét như thế, giá trị thương hiệu của Huế lớn vô cùng. Sự phát huy giá trị thương hiệu di sản là dấu hỏi cần ra.

Văn hóa là nền tảng, là sức mạnh “mềm” cho mỗi điểm đến phát triển, được đặt ngang hàng sức mạnh “cứng” là chính trị và kinh tế. Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu, tầm nhìn cho Thừa Thiên Huế gắn với văn hóa. Đến năm 2025, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Quy luật phát triển là phải luôn vận động, thay đổi theo từng giai đoạn, xu hướng phát triển. Đã đến lúc Huế phải “khoe” văn hóa đặc trưng của mình nhiều hơn nữa. Có như thế, ít ra văn hóa mới thể hiện, phát huy vai trò của mình.

Bái, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Marketing thuê ngoài - Xu hướng "không văn phòng" cho DN SME

Thị trường ngày càng biến động, xu hướng marketing liên tục thay đổi, doanh nghiệp SME phải đối mặt rất nhiều khó khăn thách thức trong tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu, gia tăng doanh số. Giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế, phòng marketing thuê ngoài nổi lên như một giải pháp tối ưu - xu hướng “ không văn phòng” mở ra chiến lược kinh doanh mới cho nhiều doanh nghiệp SM không cần xây dựng đội ngũ nhân viên bên trong.

Marketing thuê ngoài - Xu hướng không văn phòng cho DN SME
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2/2024 diễn ra chiều 29/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động phương án, xây dựng kịch bản phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%, cao hơn Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra (8,5 - 9,5%).

Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10

TIN MỚI

Return to top