ClockThứ Bảy, 29/10/2016 05:41
DU LỊCH HUẾ:

Không thể tự “kết trái” - kỳ 2: Chờ giải pháp đồng bộ

TTH - Ngoài những định hướng, kế hoạch ngắn và dài hạn, đổi mới cách làm là điều ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần hướng đến.

Không thể tự “kết trái” - kỳ 1: Chưa thấy chuyển biến

Thiếu nguồn lực

Những tồn tại cản trở phát triển du lịch Huế lâu nay là nhận thức chưa cao về vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch trong các cấp và nhân dân. Sự phối hợp giữa các ngành trong đầu tư phát triển du lịch hiệu quả chưa cao. Trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý môi trường du lịch chưa được phát huy. Các doanh nghiệp có tư tưởng ỷ lại và trông chờ, thiếu mạnh dạn phát triển sản phẩm. Nguồn kinh phí dành cho tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa thích đáng. Công tác huy động vốn đầu tư phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống vận tải hàng không hạn chế... Và trăn trở nhất là thiếu nguồn lực đầu tư.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở Du lịch phân tích: “Để trở thành một trung tâm du lịch, chúng ta phải hoàn chỉnh các điều kiện về cơ sở hạ tầng, khả năng kết nối, phát triển sản phẩm, các thiết chế về văn hóa... phục vụ cho du lịch. Huế có tài nguyên nhưng không đủ lực đầu tư hệ thống các dịch vụ kèm theo”. Một vấn đề nữa là, du lịch Huế thiếu đội ngũ có khả năng làm du lịch thực sự. Đại diện một doanh nghiệp thẳng thắn: “Con người từ cấp quản lý đến người trực tiếp phục vụ du lịch hiện nay đang yếu. Nếu không có sự chuyển biến ngay từ yếu tố này thì sẽ khó có sự thay đổi, bởi làm dịch vụ cần những con người có tư duy, sáng tạo, năng động, trách nhiệm”.

Việc huy động sự tham gia của người dân vào phát triển du lịch rất cần thiết. Chính quyền địa phương có thể đưa ra những chính sách khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của du khách về ăn uống, đi lại, vui chơi giải trí... Từ đó, đóng góp vào việc tạo một môi trường du lịch tốt nhất thu hút khách. 

Về việc du lịch Huế chưa có những thông tin đầy đủ về thị trường, TS. Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Thừa Thiên Huế, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế băn khoăn: “Ta thiếu những kế hoạch cụ thể dựa trên kết quả nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng về sự thay đổi của xu hướng thị trường và nhu cầu của từng thị trường. Muốn làm du lịch, không thể không tìm hiểu xem du khách cần gì để quảng bá, cung cấp, đưa ra thông điệp. Vấn đề cần thiết là phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường thường xuyên, lấy đánh giá từ khách đã đến và chưa đến bằng cách nghiên cứu từ xa hoặc khi đi tiếp cận thị trường. Từ đó đưa ra những kế hoạch cụ thể, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm hướng đến từng nhu cầu của khách”.

 

Đổi mới cách làm

Gần đây, có những nhà đầu tư mạnh, như: BRG, Bitexco, Vingroup... đầu tư vào Huế. Ông Trần Viết Lực cho rằng: “Du lịch muốn phát triển phải có sự vào cuộc của cả “ba nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách. Doanh nghiệp tích cực khai thác thị trường và sáng tạo ra sản phẩm trên cơ sở tài nguyên mà cơ quan quản lý Nhà nước đã định hướng. Người dân nâng cao nhận thức trong cách làm du lịch. Cả ba yếu tố này phải phối hợp hài hòa với nhau để có tiếng nói chung”.

Một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, sau nhiều lần đưa khách tản bộ quanh thành phố, điều khiến khách không hài lòng là rác bẩn khá nhiều, nước chảy ra đường lênh láng, xe đỗ lộn xộn... Xây dựng hình ảnh du lịch có thể bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ: Giữ gìn vỉa hè cho người đi bộ sạch sẽ, môi trường trong lành, trật tự đô thị ngăn nắp. 

Trước đây, kế hoạch hoạt động của ngành đưa ra thường mang tính chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước và nhiều khi khó đi vào thực tiễn, vì phần lớn do các phòng chức năng đảm nhận. Tín hiệu vui là Sở Du lịch bước đầu có sự đổi mới trong cách tiếp cận xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở kế hoạch của từng phòng chức năng, Sở Du lịch xây dựng khung kế hoạch, tổ chức họp với các địa phương, các đơn vị doanh nghiệp để cùng bàn bạc, tham gia ý kiến trên cơ sở đánh giá những thành tựu đạt được, hạn chế, nguyên nhân. Từ đó đưa ra những việc làm cụ thể cần tập trung trong năm 2017, giải pháp thực hiện. Lãnh đạo Sở cùng nhóm chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch rà soát lại lần cuối trước khi trình UBND tỉnh.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch bày tỏ: “Cách làm này giúp kế hoạch đưa ra sát với thực tiễn, gần hơn với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các doanh nghiệp và người dân địa phương, cụ thể hóa việc gì phải làm, ai làm và làm như thế nào. Khi có sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp, mọi người chủ động trong việc triển khai kế hoạch, đăng ký tham gia và cùng chung tay”. 

Tiến hành đồng loạt các giải pháp về phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến cơ chế chính sách... là những việc phải làm. Trên hết, một “nhạc trưởng” điều hành tất cả sự liên kết của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến các sở, ban ngành, đoàn thể cùng đồng tâm hiệp lực phát triển du lịch là điều nhiều người mong đợi.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Return to top