ClockThứ Bảy, 03/07/2010 16:12

Khu phố cổ Huế Cầu Gia Hội

TTH - Hai từ Gia Hội do vua Minh Mạng đặt từ năm 1837. Buổi đầu tiên cầu làm bằng gỗ, đến năm 1904, vua Thành Thái cho xây bằng đá dài 67 thước (1). Trước nữa, cầu có tên là An Hội. Có lẽ vì ở đầu cầu phía tây hồi xưa có đền An Hội chăng (?).

Ðầu cầu phía Ðông tựa trên mô đất nằm ở ngã ba sông Ðông Ba và sông Hương. Nơi đây từ thời Gia Long đã hình thành một cái chợ mang tên Ðược. Chợ Ðược nằm bên bờ hai con sông, tàu bè đò giang lui tới thuận lợi nên chợ Ðược là nơi buôn bán sầm uất nhất Huế lúc ấy. Nhưng nó đã phải dẹp bỏ trước sự ra đời của chợ Ðông Ba ở ngay đầu phía tây của cầu Gia Hội. Như thế chợ Ðược đã mất đi cách đây cũng đúng một trăm năm.

Khu Gia Hội thuộc hai phường Phú Cát và Phú Hiệp, là khu dân cư cổ của thành phố Huế nằm trên hòn đảo bao bọc chung quanh bởi sông Hương và sông Ðông Ba. Còn phố Gia Hội kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Ðông Ba ngày nay. Con đường mà dân gian thường gọi là đường Gia Hội (Chi Lăng ngày nay) ngày xưa là phố chợ Dinh (Dinh Thị Phố), bắt đầu từ cầu Gia Hội.
 
Sông Gia Hội - ảnh tư liệu của ptithcm.org
 
Phố Chợ Dinh gồm có 8 hàng: Gia Thái, Hóa Mỹ, Phong Lạc, Dinh Ninh, Hội Hòa, Mỹ Hưng, Thụy Lạc và Tam Ðăng, gọi chung là 8 hàng ở ven sông (Duyên giang bát hàng) đứng đối diện nhau qua một con đường lớn. Tên tám hàng là tên chữ cũng đã chứng tỏ đây là khu vực của người Hoa. So với các phố Gia Hội, Ðông Gia, Ðông Hội, phố Chợ Dinh tấp nập hơn cả.
 
Trước lúc phát triển thành tám hàng ven sông, khu vực này dành riêng cho các phủ phòng dinh thự của các ông hoàng, bà chúa nên có lẽ vì thế người ta nhầm chữ Dinh ở đây là dinh của những con vua cháu chúa đó. Sự thật chữ dinh có sớm hơn. Khu vực này dưới thời các chúa Nguyễn là doanh trại của quân đội. Người Hoa ở Thanh Hà, Minh Hương, Bao Vinh Gọi khu vực đóng quân đó là dinh. Ở phía dưới ngày xưa có một cái chợ phục vụ cho binh lính trong dinh gọi là Dinh thị hạ ấp (chợ Dinh ở ấp dưới). Vì cái tên này còn có một địa danh khác nữa là Dinh Ông. Theo một nguồn tư liệu mà tôi có được, địa danh Dinh Ông mới xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 19 và tôi sắp giới thiệu ngay dưới đây.
 
 Dinh Ông: Gia Hội có nhiều dinh thất của các ông hoàng, bà chúa, quan chức cao cấp trong triều đình nhà Nguyễn. Ông quan to nhất có nhà ở đó là ngài Phụ chính Ðại thần Trần Tiễn Thành (1813-1883) của vua Tự Ðức. Ngôi nhà đó - theo gia đình họ Trần - đó là Dinh Ông. Sau khi vua Tự Ðức mất, ngoài ông Trần còn có ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cũng được cử làm Phụ chánh Ðại thần để giúp đỡ cho các vua nối nghiệp Tự Ðức. Sau vì mâu thuẫn nội bộ, ông Trần xin về nghỉ ở Dinh Ông đường Chợ Dinh (nơi tọa lạc của xóm nhà từ số 127 đến 129 Chi Lăng ngày nay) và ông Trần đã bị bộ hạ của ông Tôn Thất Thuyết ám hại vào một đêm cuối tháng 10 năm Tự Ðức thứ 36 (1883) (2).
 
Đền Chiêu Ứng:  Từ Dinh ông đi xuống thêm năm sáu nhà nữa đến số 143 Chi Lăng, khách thấy một công trình kiến trúc cổ rất đẹp. Ðó là đền Chiêu ứng của người Hải Nam (Trung Quốc) xưa. Ðền này xây dựng từ năm 1908 trên nền cũ của một ngôi chùa nhỏ ra đời từ năm 1887. Ðền này thờ 108 người Hải Nam đến làm ăn sinh sống ở Thuận Hóa từ lâu.
 
Năm 1851, trong khi đi biển, họ bị quan quân nhà Nguyễn tưởng giặc cướp giết nhầm. Sau đó vua Tự Ðức biết sự thật đã trị tội rất nặng những kẻ liên quan và cho tế lễ giải tội cho những người chết oan. Dân Hai Nam lập đền thờ và đặt tên là Chiêu Ứng. Đền Chiêu Ứng Chung xây dựng ở Thành phố Hải Châu, huyện Văn Xương (Hải Nam), bằng 5 lần đền ở Huế, và ở những nơi người Hải Nam đến làm ăn như Sài Gòn, Singapore, Thái-lan đều có đền Chiêu Ứng. Ngôi đền ở Huế được xây dựng bởi những bàn tay tinh xảo nhất đến từ Hải Nam.
 
Phủ Thọ Xuân: Thọ Xuân Vương (1810 - 1886) là con trai thứ ba của vua Minh Mạng, nhưng người anh thứ hai của ông mất sớm, cho nên ông trở thành người em kế của vua Thiệu Trị. Ông nổi danh về thơ và ứng đối. Ông đã có nhiều đóng góp cho việc tổ chức Phủ Tôn Nhơn để quản lý bà con Nguyễn Phước tộc. Năm 1842, ông được theo vua Thiệu Trị ra bắc làm lễ tuyên phong. Ngày chánh lễ, sứ Thanh đi kiệu vào thẳng cửa Chu Tước, các quan đón tiếp không ngăn được, ông nghiêm sắc mặt thét bảo đứng lại, sứ Thanh mới xuống kiệu thong thả đi vào. Về Huế, ông được Thiệu Trị ban tặng cho một viên ngọc để đeo, trên có khắc 4 chữ "Ðặc dị quyến hưu" (yêu thương che chở đặc biệt).
 
Thời Tự Ðức, ông giúp nhà vua tìm người có học dạy dỗ các hoàng tử và người trong họ. Sau ngày thất thủ Kinh đô, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông phải làm Nhiếp chính. Thọ Xuân Vương có 78 ngày thất thủ Kinh đô, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông phải làm Nhiếp chính. Thọ Xuân Vương có 78 con trai, 66 con gái. Ông và con cháu mở ra Phòng 3 Ðệ nhị chánh hệ.     
 
Cầu Gia Hội - ảnh tư liệu của ptithcm.org
 
 
Chùa Quảng Ðông ở tiếp theo số 155 Chi Lăng, của Bang Quảng Ðông, cũng ra đời từ cuối thế kỷ 19, thờ Quan Công.
 
Phủ Thoại Thái Vương ở kế tiếp chùa Quảng Ðông (nằm giữa hai số 157 - 159 Chi Lăng). Tên thật của ông là Hồng Y (1833 - 1872), con thứ tư của vua Thiệu Trị. Lúc nhỏ ông thông minh, dĩnh ngộ khác thường, lớn lên giỏi thơ nên được vua cha rất thương yêu.
 
Năm 1871, vua Tự Ðức giao ông kiêm nhiếp Tôn nhân phủ Hữu tôn nhân. Vua Tự Ðức rất tự hào về tài năng của mình thế mà đã phải thú nhận rằng: "Thẹn rằng ta chẳng ngang bằng". Tên tuổi ông được người đời nhắc đến nhiều là vì ông có người con trai thứ ba là Nguyễn Phúc Ưng Chân được vua Tự Ðức nhận làm dưỡng tử, sau được truy tôn là Cung Tông Huệ Hoàng Ðế (vua Dục Ðức).
 
Nhưng rủi thay, Dục Ðức chỉ ngồi trên ngai vàng chưa quá 3 ngày, nên cái phúc làm vua của con ông đã trở thành cái họa của gia đình ông. Và thật không ngờ, cháu nội và chắt nội của ông là Bửu Lân và Vĩnh San lại được lên ngôi với niên hiệu Thành Thái và Duy Tân. Và, cuối cùng hai ông vua này lại bị đày sang đảo Réunion.
 
Người Huế ngày xưa - ảnh tư liệu của ptithcm.org
 
Phủ Hòa Thạnh Vương: tại số 169 Chi Lăng. Hòa Thạnh Vương tên thật là Miên Tuấn (1827 - 1907), con thứ 37 của vua Minh Mạng. Cuộc đời ông có mấy việc được sử nhà Nguyễn quan tâm. Việc thứ nhất, năm 1887, ông chống lại việc vua Ðồng Khánh (con nuôi vua Tự Ðức) phong cho mẹ đẻ của vua là bà Bùi Thị Thanh (người làng Cát Sơn, Quảng Trị), vợ Kiên Thái Vương, làm Vương phi. Vì vợ một ông hoàng được phong Vương phi xưa nay chưa có lệ ấy. Ông bị vua Ðồng Khánh (cháu gọi ông bằng ông) cách hết chức tước. Ðến thời Thành Thái ông mới được phục hồi các chức cũ. Việc thứ hai: Trong thời gian vua Thành Thái loạn tâm bị Triều đình và Tam cung giam ở đảo Bồng Doanh trên hồ Tịnh Tâm, Hòa Thạnh được giao trách nhiệm sắp xếp cho các quan trong triều thay nhau hầu hạ vua Thành Thái một cách tốt đẹp. Về sau vua Thành Thái hồi tâm, ông được hậu thưởng. Ông thọ đến 81 tuổi, để lại một số di cảo: Nhã Ðường thi tập (10 cuốn), Hiếu Kinh lập bản, Quốc âm hiếu sử. Ông và con cháu mở ra phòng 37 thuộc Ðệ nhị chánh hệ.
 
Nhà thờ Thanh Bình của ngành Hát bội tại Kiệt 5 (giữa hai số nhà 189 - 191 Chi Lăng) là di tích văn hóa quan trọng nhất ở khu vực Gia Hội. Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, ngành sân khấu truyền thống may mắn còn được ngôi từ đường Thanh Bình này. Nhà thờ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825). Ðây là một ngôi nhà thờ Tổ ngành sân khấu lớn nhất và quan trọng nhất ở Việt Nam, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992.
 
Từ đường khang trang này thờ các thần thánh được tôn là Thánh sư, Tiên sư, Tổ sư của ngành Hát bội cùng những người có công tích với nghề nghiệp sân khấu trên cả nước (thời Nguyễn).
 
Từ đường Thanh Bình cũng còn là nơi hàng năm những người làm nghề sân khấu tụ hội, trao đổi những sáng tạo nghề nghiệp nhân dịp các nghệ nhân trên cả nước về tế tổ. Cụ Ðào Tấn làm việc ở đây nhiều năm. Ông tuần hưu trí Nguyễn Hiển Dĩnh, người Quảng Nam, thời vua Khải Ðịnh cũng đã nhiều lần đến đây trao đổi nghệ thuật Hát bội.
 
Thời xưa, bao quanh Từ đường là Thự Thanh Bình, cơ quan quản lý công việc múa hát cung đình. Ðây là trụ sở của các đội Võ can - tổ chức văn công chuyên nghiệp của triều đình và những lớp Ðồng ấu, trường đào tạo nghệ nhân múa hát.
 
Từ đường trông ra sông Hương, gồm ba gian hai chái cột gỗ, tường gạch, mái ngói, phía trước có hiên rộng. Sân Từ đường nền đất, có tường thấp bao quanh và có tấm bình phong xây che ở phía trước. Phần sân giữa, sát hiên, có dựng sẵn một khung nhà bằng bê-tông cốt thép để mỗi khi có tế lễ tiện căng vải lợp mái làm rạp. Trên cửa hiên giữa Từ đường treo bức hoành sơn đỏ, chữ vàng: "Thanh Bình từ đường" làm năm Tự Ðức thứ 6 (1853). Ngoài sân, bên phải có tấm bia đá khắc dựng năm 1825 nói về nghệ thuật Hát bội thời vua Minh Mạng, bên trái dựng tấm bia xi-măng ghi việc sửa chữa lại Từ đường năm 1958.
 
Chùa Bà (Hải Nam) thờ Bà Mã Châu, ở ngay góc đường Hồ Xuân Hương và Chi Lăng (số 205 Chi Lăng). Lúc mới đến Thuận Hóa, người Minh Hương làm chùa Bà (Thiên Hậu Cung) tại làng Minh Hương. Sau lên khu Gia hội, họ làm ăn phát đạt và làm thêm Chùa Bà này. Lúc chưa làm Chiêu ứng từ, 108 người Hải Nam bị chết oan  cũng đã được thờ ở đây.
 
Chùa Triều Châu tại 211D Chi Lăng, thờ những vong linh xiêu bạt của Bang Triều Châu. Ðây là ngôi chùa cổ lớn nhất và giàu có nhất so với các chùa người Hoa khác ở khu Gia Hội trước năm 1975.
 
Chùa Phúc Kiến, ở bên cạnh chùa Triều Châu tại số 213 Chi Lăng. Xây dựng vào năm Tự Ðức thứ 7 (1854), thờ "Tam vị ngũ vị".
 
Sẽ rất thiếu sót khi kết thúc lộ trình này mà không đề cập đến một vài địa chỉ ở dãy phố có số chẵn quay lưng với sông Hương. Ðịa chỉ đầu tiên là Phủ Quảng Biên Quận Công, ở số 184 Chi Lăng. Ông hoàng tử được thờ ở đây là Miên Thanh (1830 - 1877), con trai thứ 51 của vua Minh Mạng, một người có danh về thơ và thông suốt y lý, từng chẩn mạch cho vua Tự Ðức (1865). Ông có 17 con trai và 10 con gái. Ông và con cháu ông mở ra phòng 51 thuộc Ðệ nhị chánh hệ.
 
H.A ( Theo Xưa và nay)
                                                                                                                                                                                 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Return to top