ClockThứ Sáu, 25/06/2010 06:34

Làm lịch sử phải đầu tư chất xám

TTH - Sau vai trò “ông cố vấn” của Chương trình SV 96, Đường lên đỉnh Olimpia…GS Sử học Lê Văn Lan đang rất tâm đắc với công việc cố vấn chương trình du lịch “Hành trình qua kinh đô Việt cổ” đang được Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An - Thừa Thiên Huế và Bình Định liên kết xúc tiến.
GS Lê Văn Lan
Trao đổi với chúng tôi tại buổi làm việc ở Huế,GS Lê Văn Lan khẳng định: Với “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, lần đầu tiên, chúng ta có một sản phẩm du lịch xuyên thời gian, trải dài trên một địa bàn rộng lớn và suốt chiều dài lịch sử đất nước. Khởi đầu là kinh đô Văn Lang ở Phú Thọ, từ thế kỷ 7 trước công nguyên, đến Cổ Loa ở ngoại thành Hà Nội từ thế kỷ 3 trước công nguyên. Rồi đến cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình từ thế kỷ 10 sau công nguyên; Thăng Long ở Hà Nội thế kỷ 11; Tây Đô-Lam Kinh ở Thanh Hóa từ thế kỷ 14-15. Tiếp nối là Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An thế kỷ 18 và cuối cùng là cố đô Huế từ thế kỷ 19.
 
Thưa giáo sư, du khách có thể khám phá những gì qua hành trình du lịch đặc biệt này?
 
Có thể ví nó như một cuộc phiêu lưu qua các không gian văn hóa cổ. Không chỉ có sự hưởng thụ phong cảnh, không gian văn hóa làng quê. Đó sẽ là cuộc khám phá văn hóa kinh kỳ, văn hóa bác học chốn đô thị. Gắn với mỗi kinh đô, là một giai đoạn lịch sử của đất nước. Một Văn Lang với thời kỳ dựng nước huy hoàng, là trung tâm chính trị, kinh tế lớn bậc nhất của nước ta dưới thời các vua Hùng. Một Hoa Lư với hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau khởi nghĩa. Một Thăng Long-Đông Đô với tên tuổi Lý Công Uẩn. Là Lam Kinh với những chính sách cải cách đột phá dưới thời Hồ Quí Ly. Hay một Phượng Hoàng Trung Đô gắn với tầm chiến lược thiên tài của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ. Rồi cố đô Huế, với bao thăng trầm, thành tựu và cả những ẩn số lịch sử gắn với triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam…
 
Sau những chuyến khảo sát bước đầu cho hành trình du lịch này, giáo sư thấy có điều gì đáng lưu ý?
 
Điều thú vị là chúng tôi đã phát hiện thêm được hai kinh đô cổ. Một là kinh đô Vạn An thời Mai Hắc Đế , khoảng thế kỷ 8 sau công nguyên tại Nghệ An và Phượng Hoàng Đô, thế kỷ 18 tại Bình Định. Điều bất ngờ là nền móng của Phượng Hoàng Đô lại chồng lên dấu tích một thành quách cổ, thời Chăm với hai nền văn hóa chồng lên nhau.
 
Điều đáng tiếc là qua thời gian, ngoài Kinh đô Phú Xuân ở Huế gần như còn nguyên vẹn, kiến trúc các kinh đô khác hầu  như không còn gì. Ngay cả kinh đô Văn Lang, việc xác định vị trí chính thức của nó ở đâu cũng đã khó. Cho nên, vấn đề nghiên cứu, khảo cổ, trưng bày hiện vật, tư liệu là một cách. Rồi có những cái phải đầu tư phục hồi nhưng là phục hồi nguyên gốc, chứ không phải làm lại cái mới.
 
Có ý kiến cho rằng, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” không đơn thuần là một tour du lịch. Nó còn là  kênh giáo dục lịch sử, ý thức dân tộc cho các thế hệ Việt?
 
Việc xây dựng và tổ chức chương trình du lịch này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Là  giá trị nhân văn, công lao của ông cha ta trong việc mở mang xây dựng và bảo vệ đất nước. Là củng cố niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau và cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử hào hùng của dân tộc.
 
Nhưng giáo dục lịch sử là  một vấn đề lớn và lâu dài. Muốn làm được, phải có phương pháp, tâm huyết. Đầu tư là một việc quan trọng, đôi khi có tính quyết định. Nhưng với những gì có tính lịch sử, cần phải đầu tư chất xám. Nhưng quan trọng hơn là phải biết thổi hồn vào lịch sử, để làm sao đem đến cho hậu thế cái sống động, cái hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực của lịch sử.
 
Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện.
                                                        Kim Oanh (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
Return to top