ClockThứ Năm, 17/05/2012 14:55

Lễ hội miếu Bà

TTH - Giai thoại dân gian kể lại, trong một trận thuỷ chiến trên phá Tam Giang khoảng chừng 400 năm trước, chúa Tiên Nguyễn Hoàng phải một phen bôn tẩu. Bị quân địch truy đuổi gắt gao, quân lính đang ra sức chèo chống thì thuyền của nhà chúa bị đứt quai chèo… Khi mà tình thế nguy cấp cận kề thì may mắn thay họ bắt gặp gia đình bà họ Trần làng Bác Vọng (Quảng Phú, Quảng Điền) đang chèo thuyền làm nghề trên mặt nước. Không tý ngần ngại, người đàn bà họ Trần đã kịp thời dâng lên mớ tơ (hay tay lưới) giúp vua tôi nhà chúa bện lại quai chèo và nhờ đó mà thoát hiểm. Cảm kích tấm lòng vàng của gia đình và bà họ Trần, nhà chúa đã có trọng thưởng bằng một hình thức rất lạ kỳ. Đó là, trước sự chứng kiến của đông đảo chúa- tôi, người ta cho thả bả mía từ sông Bồ, phía trước làng Bác Vọng. Bả mía trôi theo dòng nước chảy, rồi dạt vào bờ và đó được xác định là nơi xa nhất trong giang phận, được quyền canh tác và khai phá của làng Bác Vọng…

Còn xưa nay, cũng đã lâu lắm rồi, tưởng nhớ đến công lao của người đàn bà huyền thoại kia, cả trên sông Bồ lẫn phá Tam Giang, hằng năm dân làng Bác Vọng vẫn thường tổ chức cúng tế thường niên vào dịp Minh niên nhằm ngày 11-12 tháng Giêng và huý nhật nhằm ngày 18 tháng 5 Âm lịch. Cũng vào những dịp đó là lễ hội cầu ngư và đua trải tưng bừng. Lễ tế miếu Bà Tơ, trong đó có hình thức hát bả trạo (hát kèm theo động tác múa) tái hiện cảnh rước Bà Tơ cùng với sinh hoạt lễ hội sông nước truyền thống xung quanh sự tích huyền thoại này năm nay sẽ là linh hồn cho lễ hội Sóng nước Tam Giang, một lễ hội du lịch bước đầu đã tạo được thương hiệu của huyện Quảng Điền gần đây.

Miếu Bà Tơ. Ảnh: Internet

Câu chuyện về sự tích miếu Bà Tơ được xem là một giai thoại đẹp về những ngày đầu mở xứ phía Đàng Trong. Nó gợi cho ta nhớ lại hình ảnh người đàn bà áo xanh trong mộng đã giúp Chúa Nguyễn Hoàng tiêu diệt tướng nhà Mạc Lập Bạo và được lập miếu thờ ở Ái Tử (Quảng Trị). Hay là người đàn bà áo đỏ ở vùng đồi Hà Khê (Kim Long) trong huyền thoại về chùa Thiên Mụ cũng chính nằm trong những giấc mơ lớn của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng trên hành trình Nam tiến. Vùng đất mới với bao điều mới lạ, bí ẩn, bao hiểm nguy rình rập khó lường. Những công trình (chùa Thiên Mụ) hay những chiến công đã được thần thánh hoá ở vùng đất mới gắn liền với một sự nghiệp mở nước lẫy lừng gieo vào lòng người mở cõi, sẵn sàng chấp nhận dấn thân niềm tin và sức mạnh.

Tôi đã nhiều lần có dịp kính viếng miếu Bà Tơ ở làng Bác Vọng ngay tại đoạn sông Bồ lịch sử. Không xa là bến đò Quai Vạc, nơi thực dân Pháp xử chém quan Thị độc học sĩ Hàm lâm viện Đặng Hữu Phổ, một trong những người lãnh đạo phong trào Cần Vương nổ ra sớm nhất nước vào năm 1885. Cùng với bến đò xưa, dấu tích lưu lại còn có miếu thờ và ngôi mộ của người anh hùng. Một không gian đẹp, u mặc, bàng bạc sông nước và dấu tích xưa oai hùng. Và tôi đã nghĩ đến việc làm sống lại huyền thoại và lịch sử thông qua các hoạt động lễ hội đã là cách làm du lịch văn hoá hay ở vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá như Huế, như Quảng Điền.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan
Return to top