ClockThứ Hai, 30/07/2018 12:45

Liên kết và đầu tư các dịch vụ chất lượng cao

TTH - Là thành phố văn hóa và du lịch, để phát triển xứng tầm, du lịch Huế cần sự liên kết và đầu tư các dịch vụ chất lượng cao.

7 tháng đầu năm doanh thu từ du lịch đạt 2.664 tỷ đồngDu lịch biển, đầm phá hút khách

Tiềm năng

Huế là địa phương hội tụ đồng thời 5 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận và lưu giữ nhiều loại hình du lịch đặc sắc. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của khách. Hiện, TP. Huế có gần 400 cơ sở lưu trú từ 1 - 5 sao và hệ thống nhà nghỉ đạt chuẩn trên 10.000 phòng cùng với nhiều nhà hàng đặc sản, phương tiện vận chuyển du lịch đa dạng, mỗi năm đón trên 3 triệu lượt khách; trong đó, khách lưu trú đạt khoảng 2 triệu lượt.

Khách du lịch đến Huế ngày càng tăng

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song cho biết, gần đây cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch đã và đang đầu tư đúng hướng. Năm 2018, TP. Huế đầu tư và hoàn thành hạ tầng 3 tuyến phố du lịch Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An; tuyến phố thương mại Hùng Vương; chỉnh trang các điểm xanh, trang trí công viên và mở rộng điểm đỗ xe du lịch. Ông Song cũng nhìn nhận, hạn chế là chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, các loại hình du lịch vẫn còn đơn điệu nên chưa thu hút khách dẫn đến ngày khách lưu trú chưa đạt 2 ngày/khách. Huế vẫn chưa có các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao, chưa có những nhà hàng và trung tâm mua sắm đặc sản Huế quy mô lớn nên chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng du lịch hiện có.

Hướng đi lâu dài

UBND TP. Huế vừa tổ chức hội nghị chuyên đề “Định hướng các loại hình dịch vụ, du lịch trên địa bàn TP. Huế”. Phó Giám đốc Sở Du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, để du lịch Huế phát triển xứng tầm, thời gian tới, sở sẽ tăng cường phối hợp với UBND TP. Huế, các doanh nghiệp du lịch để tổ chức các lễ hội, như: lễ hội sen, kinh khí cầu, khai thác tối đa vẻ đẹp hai bên bờ sông Hương và phát triển thêm nhiều địa điểm tham quan, quảng bá các loại hình du lịch sẵn có.

Dưới góc nhìn của Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Huế Vũ Hoài Phương, Huế có khá nhiều vị trí đắc địa, song lâu nay khách du lịch chưa tìm ra địa điểm thích hợp để mua sắm đặc sản và hàng lưu niệm. Không gian hai bên bờ sông Hương được đầu tư, chỉnh trang khá hoàn chỉnh, song chưa khai thác tiềm năng du lịch ở địa điểm này dẫn đến lãng phí. Phát triển du lịch Huế phải bắt đầu từ việc đầu tư nâng cấp không gian vỉa hè để mở rộng các tuyến phố đêm, phố đi bộ; khai thác tối đa tiềm năng mặt nước trên sông Hương để phát triển các loại hình du lịch về đêm.

Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, sau khi hoàn thành quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và đưa vào khai thác đường đi bộ vào cuối năm 2018, TP. Huế sẽ khai thác tối đa không gian hai bên bờ sông bằng cách kết nối cầu Trường Tiền, đường đi bộ ven sông để phát triển các sản phẩm du lịch về đêm; tiếp tục phát triển các loại hình du lịch sẵn có, mở rộng thêm loại hình du lịch sinh thái bằng đường thủy nhằm khai thác thế mạnh trên sông Hương, tăng cường tổ chức các hội thi bình chọn hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, đồng thời đầu tư thiết kế bao bì đóng gói nhằm tạo ra những sản phẩm quà tặng đặc trưng của Huế.

Ông Thành nhấn mạnh, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ nay đến năm 2020, TP tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, khai thác và phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch trên địa bàn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng du lịch di sản, tâm kinh, nghỉ dưỡng, sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường sinh thái.

Sắp tới, TP. Huế đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, kêu gọi và khuyến khích các DN đầu tư khai thác tour du lịch cộng đồng Thủy Biều - Thủy Xuân - Kim Long; xây dựng đề án tuyến phố ẩm thực và mở rộng không gian đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kéo dài qua cầu Trường Tiền, đường Trần Hưng Đạo, bến Chương Dương kéo dài đến khu vực đường Trịnh Công Sơn và các tuyến đường Trương Định, Phạm Ngũ Lão- Võ Thị Sáu- Chu Văn An đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí về đêm cho du khách.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Return to top