ClockThứ Năm, 13/01/2011 05:44

Lòng tự tôn dân tộc của Vua Thành Thái

TTH - Triều Nguyễn, đến đời vua Thành Thái, mọi việc đều do Pháp thao túng gần hết. Khi đưa Thành Thái lên ngôi, Pháp hy vọng sẽ nắm trong tay một ông vua bù nhìn. Tuy còn rất trẻ (nhà vua sinh ngày 28/1/1888), vua Thành Thái là người rất thông minh, lại chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân từ Trung Hoa và Nhật Bản, nên nhà vua rất thức thời, luôn mong muốn tìm cách đánh đuổi Pháp, giành độc lập tự do cho tổ quốc. Vua là người hiếu học, phóng khoáng và cương nghị, có cái nhìn sâu rộng, lại thường chịu khó vi hành để gần gũi, hiểu được tâm tư của quần chúng nghèo khổ. Do nhà vua có uy tín với dân chúng nên, Pháp e dè chưa dám làm gì.
Vua Thành Thái

Có một lần, Pháp bắt ông Bửu Thạch, là em con chú của nhà vua. Khâm sứ Lê-vê-gnê nói: Đang dạo chơi trong vườn thì thấy một người cao lớn (chỉ ông Bửu Thạch) từ trong vườn nhảy qua hàng rào chạy trốn, lính đuổi theo bắt được, giao cho triều đình xử. Thâm ý của Lê-vê-gnê là muốn vu cho nhà vua sai Bửu Thạch ám hại hắn. Sự thật là, ông Bửu Thạch đang dạo mát thì bị bắt vô cớ. Trước sự việc như thế, triều đình chưa biết xử lý ra sao, rồi, do Tòa Khâm thúc giục, nên phải tâu lên nhà vua. Vua châu phê rất hay: “Các ngươi lại đi nghe một ông khâm sứ muốn gián tiếp buộc tội vua, làm cái việc dĩ thần nghi quân chăng? Cứ trả lời với khâm sứ rằng, “nhà vua muốn ông chuyển việc này lên pháp đình, để họ cử người công bình sang họp với các quan triều đình nghi xử”. Lê-vê-gnê phản đối, không lập hội đồng vì cho rằng chỉ một mình y chứng kiến là đủ.

Khoảng năm 1903, nhà vua định ra miền Bắc rồi trốn sang Trung Hoa, nhưng mới đến Thanh Hóa thì cơ mưu bị lộ. Khâm sứ Trung kỳ đánh điện ra chặn xe nhà vua lại rồi đưa ngài về Huế. Pháp muốn nhân việc này buộc nhà vua thoái vị, nhưng do không có bằng chứng nên không làm gì được. Tuy nhiên, từ đó, chúng phong tỏa khắp nơi rất gắt gao, khiến nhà vua không hoạt động được. Để che mắt chúng, vua giả điên, bỏ tiền ra tuyển mộ một đội nữ binh trên 200 người, ngày ngày nhà vua đích thân ra thao trường luyện tập.
Khi ấy, nhiều vị quan trong triều nghiêng về phía Pháp. Có tên Trương Như Cương làm tay sai cho Pháp, bày mưu để thử xem nhà vua điên thật hay điên giả. Một hôm, khâm sứ Trung kỳ mời nhà vua và các quan sang tòa Khâm dự tiệc nhân ngày Pháp Hoàng lên ngôi. Mọi người an vị xong, viên khâm sứ phát biểu trước khi vào tiệc: “Tâu bệ hạ, kính thưa quý vị triều thần, các nhân viên tòa Khâm và quý vị tân khách. Chúng tôi từng biết, ở đây đều là những nhà nho uyên thâm Hán học, đặc biệt nhà vua là người nổi tiếng học rộng, khí phách anh hùng. Vậy tôi xin thay mặt Pháp Hoàng ra một vế đối, mong Ngài đối lại để tỏ chút tình Pháp - Việt, như sau: Rút ruột Vua, tam phân thiên hạ (Vua, là chữ “Vương”, gồm một gạch sổ đứng và ba gạch ngang. Rút ruột vua, tức là lấy gạch sổ đứng, thì chữ Vương biến thành chữ “tam”, là ba. Ý viên khâm sứ là, nắm được nhà vua, Pháp có thể chia Việt Nam thành ba phần Bắc, Trung, Nam). Nhà vua biết ngay là Pháp muốn thử mình điên thật hay điên giả. Nếu không đối được, thì Pháp coi khinh cả dân tộc, đồng thời thăm dò tình cảm của vua đối với nhân dân. Còn nếu đối được, thì rõ ràng là không điên. Lòng tự tôn dân tộc không cho phép nhà vua chịu thua. Ngài ứng khẩu đối ngay: Chặt đầu Tây, tứ hải thanh bình (Chữ “tây”, mà chặt đầu đi, thành ra chữ “tứ”. Ngụ ý: Quân Pháp đi xâm lược các nước nhược tiểu, chặt được đầu nó thì bốn biển thanh bình). Cả triều đình thở phào nhẹ nhõm. Viên khâm sứ như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt, ngồi phịch xuống ghế, mặt mày xanh mét.
Chính vì câu đối này mà nhà vua phải chịu 30 năm tù của thực dân Pháp. Bởi vì sau đó, dưới áp lực của Pháp, đã dẫn đến việc triều đình yêu cầu nhà vua thoái vị.
Vua Thành Thái bị bắt ngày 25/7/1907, bị đưa vào Vũng Tàu rồi bị đưa đi an trí ở đảo Reunion tại châu Phi. Đến năm 1947, nhờ người con gái của nhà vua sang Pháp vận động Cao ủy Bollaert can thiệp, cựu hoàng thành Thái mới được trở về Việt Nam, nhưng chỉ ở Sài Gòn, không được về Huế. Nhà vua mất tại Sài Gòn ngày 24/3/1954, thi hài được đưa về an táng tại Huế.
Đôi dòng sơ lược, là để tưởng nhớ về một vị vua yêu nước, trong một thời mà dân tộc còn phải chịu cảnh nô lệ.
Nguyễn Đông Nhật
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top