ClockThứ Hai, 05/05/2014 04:16

Mộc mỹ nghệ Huế lên ngôi

TTH - Mộc mỹ nghệ và điêu khắc gỗ là một trong những nghề thu hút nhiều nghệ nhân và người dân tham gia, tạo ra nhiều chủng loại hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Phong phú chủng loại

Điêu khắc gỗ tại làng nghề Mỹ Xuyên

Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 DN, cơ sở và hộ gia đình chuyên sản xuất và gia công các mặt hàng mộc mỹ nghệ và điêu khắc gỗ. Trong đó, nhiều nhất vẫn là hai làng nghề truyền thống Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa (Phong Điền) và phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà) với gần 400 cơ sở. Theo thời gian, các sản phẩm mộc mỹ nghệ ngày càng tinh xảo và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và du khách. Không chỉ cung ứng cho người dân trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm mộc mỹ nghệ và hàng lưu niệm chế tác từ gỗ đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt trên 10 triệu USD. Một số DN mộc mỹ nghệ có chỗ đứng trên thị trường thế giới là Công ty TNHH Ngọc Anh, Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang, Công ty TNHH Thủy Xuân…

Hiện sản phẩm của các cơ sở sản xuất và gia công mộc mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh khá đa dạng và phong phú chủng loại. Nhiều DN đầu tư công sức, tìm kiếm nguồn gỗ quý để sản xuất hàng trăm mẫu mã mới, như các loại tượng phật, bàn ghế làm từ các gốc cây, tranh gỗ, đồng hồ, lục bình, đèn gỗ…, với mức giá từ vài trăm ngàn đến 1 tỷ đồng/ sản phẩm. Cơ sở mộc mỹ nghệ có tiếng trên địa bàn tỉnh phải kể đến là các DNTN Quốc Cường, Khắc Hùng ở (Phú Lộc), Ngô Đức Phi (Phong Điền), Đinh Ngọc Hồi (Phú Vang), Trần Văn Ngọ (Hương Thủy), Lương Thế Vinh (TP Huế)…
Chúng tôi đến DNTN sản xuất mộc mỹ nghệ Quốc Cường ở xã Lộc Sơn (Phú Lộc) vào một ngày cuối tháng 4 và chứng kiến không khí sôi động với gần 20 nhân công đang khẩn trương sản xuất. Là DN chuyên sản xuất các loại tượng phật, bàn ghế làm từ gốc cây, đèn, lục bình, nu gỗ các loại và các loại đồ mỹ nghệ bằng gỗ, sản phẩm của cơ sở luôn được khách hàng đánh giá cao bởi độ tinh xảo và mẫu mã phong phú. Với tổng kinh phí đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc và nguồn gỗ dự trữ chiếm trên 3 tỷ đồng, DNTN Quốc Cường hiện có hàng trăm sản phẩm với khoảng 30 mẫu mã.
Anh Võ Văn Cường, Chủ DNTN Quốc Cường, cho biết: “Với lợi thế có đội ngũ nhân viên có tay nghề cao, được truyền nghề từ các nghệ nhân của làng nghề Mỹ Xuyên (Phong Điền), cùng với việc đầu tư các máy móc công nghệ mới vào sản xuất, sản phẩm của cơ sở rất tinh xảo và mẫu mã đa dạng. Không chỉ cung ứng khách tại xã Lộc Sơn, để sản phẩm đến gần hơn với du khách, chúng tôi đã đặt đại lý tại các điểm trên địa bàn TP Huế và phân phối hàng cho các đối tác có nhu cầu. DN đang sản xuất một số sản phẩm có kích thước lớn và chạm trỗ cầu kỳ để đáp ứng nhu cầu của khách, như tượng Phật bà Quan Thế Âm với mức giá 1 tỷ đồng, được làm trong vòng 3 tháng với nhiều nghệ nhân giỏi; các loại lục bình và đèn gỗ có giá từ 500 nghìn - 5 triệu đồng/sản phẩm cùng với hàng trăm sản phẩm mới”.
 
Mở rộng thị trường
Cùng với lợi thế về nguồn tài nguyên dồi dào, lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, nghề mộc mỹ nghệ và điêu khắc gỗ đang ngày càng phát triển và mở rộng quy mô. Nhiều cơ sở đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị máy móc, xây dựng nhà xưởng để sản xuất hàng phục vụ khách. Tuy nhiên, một khó khăn là thị trường tiêu thụ sản phẩm bị bó hẹp do cơ sở nằm ở vùng nông thôn nên sức mua chưa nhiều, công tác quảng bá và giới thiệu sản phẩm còn hạn chế dẫn đến sản phẩm làm ra chưa đến được với người tiêu dùng.
Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Qua đánh giá của các chuyên gia và du khách, sản phẩm mộc mỹ nghệ Huế ngày càng tinh xảo và đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Nhằm tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ phát triển và mở rộng quy mô, thời gian tới sở sẽ triển khai kế hoạch 109 của UBND tỉnh về khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề TTCN. Trong đó, sẽ hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên lĩnh vực sản xuất mộc mỹ nghệ công tác đào tạo nghề và tập huấn nâng cao năng lực về cải tiến mẫu mã, đồng thời giúp DN tìm kiếm thị trường thông qua các hội thảo, hội chợ được tổ chức trong và ngoài nước. Tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2014, các DN, cơ sở mộc mỹ nghệ của tỉnh đã ký kết nhiều hợp đồng giá trị, doanh số bán hàng đạt gần 2 tỷ đồng. Chính điều này khẳng định thương hiệu của các sản phẩm mộc mỹ nghệ Huế đến với người dân và du khách.”
Cùng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế, mộc mỹ nghệ và điêu khắc gỗ đang là các sản phẩm “hot” trên thị trường trong và ngoài nước. Hy vọng, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các kế hoạch khôi phục và phát triển nghề truyền thống của tỉnh, thời gian tới các sản phẩm mỹ nghệ sẽ vươn xa hơn, khẳng định vị thế và thương hiệu với du khách và bạn bè quốc tế.
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn du lịch với nghề làm nón lá

Trong các sản phẩm nghề truyền thống ở Huế, nón lá được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản văn hóa “nón bài thơ”. Tuy nhiên, nghề làm nón lá đang bị mai một dần, hình ảnh chiếc nón lá Huế đang dần bị mất đi trong hình ảnh du lịch Huế. Do đó, cần thiết có một hướng đi tốt trong việc khôi phục và phát huy nghề chằm nón.

Gắn du lịch với nghề làm nón lá
Muối nung Phước Tích

Ngoài nhà rường cổ, nghề gốm nổi tiếng khắp nước, ngôi làng cổ Phước Tích còn có một nghề muối nung ít người biết.

Muối nung Phước Tích

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top