ClockThứ Năm, 03/02/2011 06:41

Mùa xuân nghĩ về thành phố văn hóa

TTH - Đã từ lâu rồi, Huế - Sài Gòn - Hà Nội là biểu trưng của một đất nước Việt Nam thống nhất. Hình tượng đó càng thể hiện đậm nét trong những năm 60, ba thành phố kết nghĩa trong bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Như cây một cội, như con một nhà”. Ngày nay, với Kết luận 48 của Bộ Chính trị, vị trí của Huế lại được tái lập trước yêu cầu của đổi mới, hội nhập và phát triển.


TP Huế nhìn từ trên cao - ảnh từ internet

Trong mối tương quan cũng như lợi thế so sánh, chân dung 3 thành phố dễ được hình dung: Hà Nội - trung tâm chính trị; TP HCM - trung tâm kinh tế và Huế - trung tâm văn hoá của đất nước. Đây là thế chân vạc, thế cân bằng của đất nước.

Đô thị văn hoá

Xây dựng Huế trở thành một thành phố văn hoá là tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân Huế, người yêu Huế. Một thành phố văn hoá như thế nào là điều dường như ai cũng có thể nắm bắt được, nhưng cũng đầy mơ hồ và trừu tượng. Thừa Thiên Huế phát triển khá thành công phong trào xây dựng tổ, thôn, làng, phường, xã văn hoá, cơ quan văn hoá… Nhưng đây đâu phải chỉ riêng Huế, Thừa Thiên Huế xây dựng xã hội học tập, các trung tâm giáo dục y tế, khoa học, công nghệ… Cả nước đều phấn đấu như thế, có những địa phương đi sau nhưng với tiềm lực kinh tế và các mối quan hệ lại đi nhanh hơn Huế. Vấn đề đặt ra là sự khác biệt của Huế như thế nào để trở thành một trung tâm, để tạo sức hút và lan toả. Sự khác biệt này không phải ở những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị mà phải bằng những tiêu chí khác, những tiêu chí mà không một đô thị nào trong nước có thể so sánh được. Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định, cần phải huy động trí tuệ thực sự của người dân. Hình ảnh đô thị nào cũng giống nhau là điều Huế cần cảnh giác và phải tránh.

Trước hết, về mặt phát triển đô thị, Huế là thành phố phát triển theo xu hướng đô thị hiện đại, là một thành phố đa trung tâm gồm đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh. Định hướng này cực kỳ quan trọng nhằm hạn chế tối đa việc tập trung dân số, quy hoạch tràn lan, phá vỡ cân bằng sinh thái. Điều này đặt ra là phải quy hoạch lại Thừa Thiên Huế và đô thị trung tâm Huế. Đô thị Huế phát triển bảo đảm diện mạo Cố đô Huế với quỹ kiến trúc vô giá gồm kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, kiến trúc Pháp được sắp đặt, phân bố vào bối cảnh thiên nhiên một cách có hệ thống, chặt chẽ và hợp lý (những cao ốc vô cảm, những hào nhoáng nhôm kính… thể hiện sự không tôn trọng Huế). Vì vậy, với đô thị trung tâm cũng cần nhìn nhận lại với tính quyết liệt của nó: Làm sao giãn dân ở nội thành một cách hữu hiệu?


Một góc đô thị phía Nam thành phố Huế. Ảnh: VL

Nên chăng, xây dựng một thành phố đại học ở nơi quy hoạch, chuyển chức năng các cơ sở đại học ở nội thành thành văn phòng và các trung tâm nghiên cứu? Góc Tây Nam Huế phát triển theo mô hình phố núi, và nếu thiếu định hướng, việc mở đường phân lô ở đây là điều khó tránh khỏi… Cần có giải pháp quyết liệt và có chính sách thoả đáng trong bảo vệ không gian kiến trúc nhà vườn Huế. Chúng ta đều biết, Huế chứ không nơi nào khác trên đất nước còn giữ được nhiều công trình cổ phản ánh nền kiến trúc cổ truyền của dân tộc, quỹ kiến trúc đô thị phong phú nhiều tầng nấc kể cả kiến trúc Pháp và kiến trúc hiện đại (không như những nơi khác những gì thuộc về quá khứ hầu như bị san phẳng)… Là tài sản lớn của quốc gia cần được gìn giữ và bảo vệ.

Một thành phố văn hoá là một thành phố của cây xanh và không gian mở. Điều này ai cũng dễ nhận thấy nhưng thực thi không hề đơn giản. Nhìn sự xây dựng ở Bệnh viện Trung ương Huế, khu vực khách sạn Hương Giang, Century, Trung tâm dịch vụ Festival… và xa hơn việc đốn thông xây cất ở vùng Thiên An, vùng gò đồi Huế. Đây là hình ảnh thu nhỏ của việc diện tích cây xanh ở Huế ngày càng bị thu hẹp. Duy trì lượng cây xanh ở một thành phố đang phát triển đã khó, tăng cường nó lại càng khó hơn. Nhưng đây không phải là vấn đề không đối diện được, việc còn lại là có đủ hùng tâm giải quyết nó. Bài toán đặt ra cho việc tăng cường lượng cây xanh ở Huế đã nằm trong tầm ngắm của các nhà hoạch định. Vấn đề là xúc tiến nó một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn đó là quy hoạch hai bờ sông Hương. Nỗ lực này hoàn thành càng sớm càng hạn chế những tuỳ tiện phá vỡ cảnh quan Huế. Vì vẻ đẹp của Huế, của thành phố văn hoá quy hoạch hai bờ sông Hương, lập hồ sơ sông Hương là di sản văn hóa thế giới chúng ta sẽ tạo nên những giới hạn, những rào cản cần thiết, tự bản thân mỗi một chúng ta cũng sẽ nhận thức được những gì cần gìn giữ, bảo vệ với sự trói buộc của nó.

Đô thị phát triển kéo theo sự phát triển ô nhiễm môi trường, đó là điều chắc chắn. Đối với Huế trong phát triển đô thị, bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu bởi vì Huế là thành phố văn hoá. Điều ai cũng dễ nhận thấy, công nghiệp ở Huế chưa phát triển bao nhiêu, nhưng ô nhiễm môi trường tăng nhanh có thể đo đếm được, mức độ ô nhiễm sông Hương phản ánh đầy đủ diện mạo ô nhiễm của Huế. Vấn đề là giải pháp nào để chặn đứng, tiến đến đẩy lùi ô nhiễm. Để đẩy lùi ô nhiễm cần phải tiến hành khảo sát một cách khoa học nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm: Đâu là nước thải sinh hoạt thành phố, chợ, bệnh viện…, chưa qua xử lý; đâu là chất thải các hoạt động tự sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… đâu là ô nhiễm do khai thác cát sạn và du lịch trên sông Hương, đâu là tác động của hệ thống thuỷ điện…

Chỉ rõ nguyên nhân, địa điểm gây ô nhiễm cũng chính là bài toán đầy lùi ô nhiễm. Một vấn đề cực kỳ quan trọng trong ô nhiễm thành phố là thoát nước mặt cho Huế: Thành phố mới mưa đã lụt, mới nắng đã đầy bụi thì không thể nói thành phố sạch. Đó là chưa nói những thiệt hại khác không đo đếm được, đường sá nhanh chóng hư hại, công trình nhanh chóng xuống cấp…

Tất nhiên, để đô thị Huế phát triển trở thành một đô thị văn hoá cần đổi mới tư duy trong lĩnh vực quy hoạch. Huế đã có quy hoạch trong tâm tưởng người dân, quy hoạch đó vừa mơ hồ vừa cụ thể, bởi vì những gì trái với Huế lập tức bị phản ứng gay gắt. Vì vậy, cần thiết tạo cơ chế cho lực lượng tri thức, văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức; đặc biệt là các nhà Huế học, các nhà quy hoạch bản địa tham gia vào quá trình lập quy hoạch, xây dựng quy hoạch…làm sao để đô thị Huế phát triển kết nối được truyền thống đặc sắc của mình trong xu hướng hiện đại hoá, hội nhập và phát triển. Mặt khác, trong phát triển đô thị cần có cơ chế rõ ràng chính sách nhất quán: phát triển đô thị trước hết là đem lại hạnh phúc, nâng cao chất lượng sống cho người dân sở tại.

Bụt nhà rất thiêng

Một thành phố văn hoá là một đô thị sinh thái và phát triển lành mạnh, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Điều mà ai ai cũng dễ nhận thấy là đời sống văn hoá của người dân có nét riêng của nó, nét riêng đó làm cho người dân Huế đi xa thường day dứt với những cảm giác thiếu vắng, nhớ nhung. Do vậy người Huế đi đâu cũng thường liên lạc cùng nhau, gần gũi nhau; không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Ở đâu có người Huế là ở đó có các Ban liên lạc: từ Ban liên lạc Hội đồng hương đến Hội người yêu Huế, các Ban liên lạc Đại học Huế, các trường Quốc Học, Đồng Khánh… Chúng ta không ngạc nhiên các ấn phẩm “Nghiên cứu Huế” ở Huế, “Nhớ Huế” ở thành phố Hồ Chí Minh; “Với Huế” ở thủ đô Hà Nội có sức thu hút và lan toả nhất định; trong lúc đó báo chí ở Huế phát triển chỉ ở mức tầm tầm.

Một thành phố văn hoá là một thành phố có nhiều sản phẩm văn hoá phong phú và đa dạng. Và, một sản phẩm văn hoá cực kỳ quan trọng tạo nên phần hồn của đô thị đó là di sản và cả tên tuổi các danh nhân văn hoá nghệ thuật, các nhân sĩ trí thức, các anh hùng dân tộc. Huế là nơi có mật độ dày đặc cả những người nguyên quán ở Huế cũng như các nơi về Huế dựng nghịêp. Huế là ngọn nguồn cảm hứng, nơi hun đúc chắp cánh cho những tác phẩm bất hủ, những tư tưởng chọc trời khuấy nước, những công trạng lẫy lừng.

Điều đáng mừng là Huế đã có nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, nhà nghệ thuật Lê Bá Đảng ở những vị trí đẹp nhất của thành phố. Càng mừng càng cảm thấy thiếu vắng, trống trải và thậm chí còn đặt ra vấn đề cân đo đong đếm. Chúng ta biết còn mơ hồ về cụ Lê Văn Miến - người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam; cụ Đặng Huy Trứ - ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam; những nhà nghiên cứu Huế không ai không biết đến ông Cadiere cũng như sử dụng tập san Đô thành Huế cổ; nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những bản nhạc lay động nhiều thế hệ, âm vang ra ngoài đất nước…. và còn biết bao nhiêu người nữa mà phạm vi một bài báo không thể liệt kê hết. Khai thác di sản và tên tuổi của họ chính là làm rõ vị thế văn hoá của Huế đối với đất nước, làm phong phú đời sống văn hoá của người dân, tạo lợi thế trong phát triển kinh tế xã hội của Huế. 

Có người cho rằng, Huế có điều kiện tạo dựng hàng chục, hàng trăm nhà bảo tàng, nhà lưu niệm lớn nhỏ. Biến những nơi này thành những nơi tìm hiểu nghiên cứu, nơi đến tham quan du lịch độc đáo. Riêng về phong trào đô thị Huế, nhiều người cho rằng nên lấy ngôi nhà 22 Trương Định (cũ) làm nhà lưu niệm, thực tế lâu nay nó đã là nhà lưu niệm. Anh Ngô Kha – một người con ưu tú của Huế đã có tên đường, tên trường. Nhưng chừng đó chưa bao quát hết, nhiều anh cùng thế hệ với anh Ngô Kha như Trần Quang Long, Lê Minh Trường… và xa hơn những nhân sĩ lớn của Huế như giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, hoà thượng Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi, bác sĩ Lê Khắc Quyến, bác sĩ Thân Trọng Phước, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính… mà nhân cách của họ lay động tâm hồn bao thế hệ tuổi trẻ Huế.


Sông Hương nhìn trên xuống. Ảnh: VL

Thành phố đã qua nhiều kỳ Festival, điều thật sự ấn tượng và xúc động là hoạt động hưởng ứng. Mỗi kỳ Festival đều diễn ra hàng chục cuộc triển lãm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, thư pháp đến các loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, hội tụ nhiều tên tuổi thành danh trong và ngoài nước. Có những cuộc triển lãm không nằm trong chương trình của Ban tổ chức, khi đến thì âm thầm, lúc ra về thì lặng lẽ nhưng ai nấy đều cảm thấy vui. Và nói như một anh bạn phóng viên Đài Truyền hình Huế, Festival Huế là ngày Tết thứ hai của người dân Huế ở mọi nơi nhưng chỉ bằng tình cảm thôi cũng gây không ít bùi ngùi và mệt mỏi.

Là một thành phố văn hoá không thể không nói đến những người đang hoạt động trên lĩnh vực văn hoá và trong chừng mực nào đó có thể đóng khung trong cụm từ “nhà Huế học”. Mới đây, tỉnh đã tặng thưởng cho 9 văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu được đánh giá là cây đa, cây đề trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của đất nước và Thừa Thiên Huế. Tôn vinh hoạt động của các nhà văn hoá Huế là đáng quý, đáng trân trọng. Điều này thôi thúc, động viên các nhà hoạt động văn hoá Huế rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà Huế học thường hoạt động mông lung, bao la khó đánh giá hết; có những người hoạt động âm thầm, lầm lũi, không “đao to búa lớn”, nhưng hầu như dành trọn cả đời mình cho hoạt động văn hoá Huế.

Làm sao đánh giá hết đóng góp của Hồ Tấn Phan, dành trọn cả cuộc đời cũng như tài sản của mình cho lu chậu trục vớt từ lòng sông Hương, cho sách quý Huế để cuối đời nhìn lũ lụt xoá đi thành quả của mình một cách bất lực. Làm sao cân đong đo đếm với Nguyễn Hữu Châu Phan vừa chống chọi với bệnh tật, vừa túc tắc xuất bản các tập san “Nghiên cứu Huế” thoả lòng mong đợi của những người quan tâm nghiên cứu Huế. Ông cũng dành thời gian thỏa đáng mở cửa tủ sách quý của cụ Nguyễn Hữu Đính phục vụ các nhà nghiên cứu. Ở Huế còn bao nhiêu tủ sách quý như tủ sách Nguyễn Hữu Đính đang dần dần tiêu hao ruỗng mục và có bao người như Nguyễn Hữu Châu Phan để các tủ sách quý có sức sống của nó… Những nhà hoạt động văn hoá ở Huế trong chừng mực nào đó là nội lực của văn hoá Huế, nội lực này là nền tảng cho hội nhập và phát triển. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại, “Bụt nhà mới là của quý, mới là thiêng”.

Nêu những vấn đề trên để thấy rằng: Xây dựng Huế trở thành thành phố văn hoá cần quan tâm đến những người hoạt động văn hoá. Cần có những chính sách phát triển văn hoá, chính sách đó phải tác động đến nhiều thành phần chứ không thể dừng lại ở các cơ quan hoạt động văn hoá của Nhà nước. Chính sách đó là sự động viên và làm cho các nhà hoạt động văn hoá bớt đơn độc. Có người cho rằng nên chăng, thành lập quỹ phát triển văn hoá Huế.

Xây dựng Huế trở thành một trung tâm văn hoá là trách nhiệm không chỉ của người dân Huế mà còn là trách nhiệm của đất nước. Đã xác định văn hoá là nền tảng tinh thần thì Huế cần được tiếp sức của cả nước, từ chủ trương đến hành động cụ thể. Một quyết sách trật đường sẽ rất khó khắc phục, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của các thế hệ sau.

 Hải Lê

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

TIN MỚI

Return to top