ClockThứ Hai, 15/02/2016 13:15

Mùa xuân qua đỉnh Hải Vân

TTH - Ngước nhìn Hải Vân quan, cảm nhận trong lòng thật phấn chấn đang chinh phục đỉnh cao tràn ngập với sự giao thoa giữa con người với thiên nhiên, trời đất trong không gian rộng lớn.

Dấu xưa

Bồi hồi, xen lẫn với hy vọng đong đầy trong tôi khi thăm lại đỉnh Hải Vân Quan.

“Mình thăm Hải Vân Quan đi anh. Lâu rồi em chưa có dịp trở lại”- Lời mời từ đồng nghiệp trẻ làm tôi không bỏ qua vào dịp đầu xuân.

Hải Vân Quan là điểm dừng chân thú vị

Sau hơn 30 phút ngồi ô tô, đã đưa chúng tôi lên Hải Vân Quan, nơi có độ cao hơn 500m so với mặt biển, nằm giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng. Trên con đường đèo nhìn rõ  những ngọn núi cao chất ngất của dãy Trường Sơn hiện ra như bức tranh kỳ bí, đẹp lạ lùng. Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông trong lần đi ngang qua thấy cảnh đẹp và địa hình núi non hiểm trở nên đã phong tặng nơi đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Những câu chuyện truyền miệng của người dân trong vùng kể lại rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng trấn giữ đất Quảng Nam, đường qua đèo Hải Vân ít người dám đi, bởi một bên là núi cao hiểm trở với vách đá dựng đứng, một bên là biển sâu thẳm. Đây còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thú dữ và bọn lục lâm thảo khấu. Đã có nhiều người bạo gan vượt đèo về phía nam và sau đó không tìm thấy xác. Dân gian còn truyền lại câu ca: “Đi bộ thì sợ Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi”.

Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi cũng đến thăm cảnh đẹp của Hải Vân Quan và cho dựng cổng đá tại đỉnh đèo khắc chữ: “Đệ nhất hùng quan”. Cổng đá nay vẫn còn sừng sững trên đỉnh và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Xưa đây là cửa ải, gọi là ải Hải Vân thông thương Nam - Bắc, nhưng cũng là phòng tuyến trấn giữ nghiêm ngặt phía nam của Kinh thành Huế, với đồn canh kiên cố được gọi là đồn Nhất xây dựng năm 1826 thời Minh Mạng. Cũng nhờ phòng tuyến đặc biệt trên đèo Hải Vân mà năm 1859 sau khi đánh chiếm Đà Nẵng, quân Pháp tiến ra kinh thành Huế nhưng bị chặn đứng ở Hải Vân Quan, viên trung tá chỉ huy quân Pháp - Dupre Deroulede tử trận tại phòng tuyến này. Trong chiến dịch hè thu năm 1952, lúc rạng sáng 25/9, đồn Nhất đã bị đại đội 6 tăng cường của tiểu đoàn 59, trung đoàn 803 chủ lực cơ động Quân khu 5 của ta tiến công tiêu diệt và bắt sống một số tên; trong đó, có quan Hai đồn trưởng, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng...

Giới trẻ du xuân trên Hải Vân Quan

Mong làn gió mới

Đứng trên đỉnh đèo, hướng ra bắc là Lăng Cô, vốn vùng quê chân chất mộc mạc giờ đã đổi thay theo hướng đô thị; quay về hướng nam là TP.Đà Nẵng sau làn nước biển xanh ngắt màu trời. Ngước nhìn Hải Vân quan, cảm nhận trong lòng thật phấn chấn đang chinh phục đỉnh cao tràn ngập với sự giao thoa giữa con người với thiên nhiên, trời đất trong không gian rộng lớn. Nơi đây được ngắm nhìn dòng người khách tây, ta tươi vui trong sắc xuân lên xuống và ghé đỉnh Hải Vân ghi lại những bức hình bên cổng thành được ví là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” để làm kỷ niệm. Rõ ràng Hải Vân đang có tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng vẫn thấy có sự trống vắng các dịch vụ, hàng quán mua bán lèo tèo... chưa có điều kiện để níu kéo, giữ chân du khách.

Hải Vân Quan sừng sững trong tiết xuân

Nói về khai thác dịch vụ du lịch ở Hải Vân Quan, anh Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô nhiều lần tâm sự, tiềm năng có nhưng chưa có điều kiện cần và đủ để khai thác xứng tầm. Là người quản lý chính quyền sở tại, anh Giảng cũng trăn trở nhưng muốn làm được, phát triển khai thác thế mạnh trên đỉnh Hải Vân bắt đầu có sự “cởi trói” từ bàn bạc, đồng thuận giữa lãnh đạo quận, huyện và hai tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Nhớ hơn 10 năm trước, kể từ ngày hầm Hải Vân khánh thành đưa vào sử dụng, đèo Hải Vân trở nên vắng lặng. Lúc ấy, thỉnh thoảng mới có một vài xe du lịch hay những tay thích mạo hiểm vượt xe máy dừng lại đỉnh đèo. Ngay từ thời điểm đó, ban ngành chức năng và lãnh đạo huyện Phú Lộc đã nhận ra, đề xuất cấp trên khai thác lợi thế trên đỉnh Hải Vân bằng điểm du lịch hấp dẫn. Đó là sự  đầu tư thích đáng như, quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống bán hàng, trang trí điện chiếu sáng, nước sạch, môi trường, cây xanh, bãi đổ xe... Mong rằng ý tưởng ấy sẽ được chú ý và thảo luận để có một hướng đầu tư trong tương lai.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Xuân của niềm tin và khát vọng

Mùa Xuân với những tấm áo phủ đầy lộc biếc mang đến những hy vọng vào tương lai tươi sáng và nguồn sức sống căng tràn. Mùa Xuân đã đến với mọi người, mọi nhà! Sắc Xuân lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Xuân của niềm tin và khát vọng
Có mùa xuân nơi đó

Thời gian bốn mùa trôi nhanh như gió. Mới hôm nào tôi còn ngồi trong căn nhà cũ ăn mứt gừng, uống trà thơm bên nội; mới hôm nào tôi lang bạt chốn thị thành, vẩn vơ nuối tiếc về những ngày sum vầy se nồng không khí tết...

Có mùa xuân nơi đó
Mùa xuân nho nhỏ

Lần đầu tiên, khoảng năm 1981, khi đang học lớp 10-11 gì đó, tôi được nghe “Một mùa xuân nho nhỏ”, biết người phổ từ bài thơ cùng tên của Thanh Hải - nhạc sĩ Trần Hoàn - tại sân khấu Nhà văn hóa trung tâm, là tiết mục mở đầu chương trình biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc từ Hà Nội vào, với những tên tuổi đình đám thời đó, như: Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Huy…

Mùa xuân nho nhỏ
Return to top