ClockThứ Năm, 12/08/2010 18:44

Năm bản sắc của gia đình cụ Phan Thanh Giản

TTH - Tại TP Huế, chúng tôi vừa tiếp cận được năm bản “chế” và “sắc”(*) bằng chữ Hán của triều đình Huế ban cho con cháu cụ Phan Thanh Giản. Các văn bản đều trong tình trạng tương đối nguyên vẹn, bằng giấy “Long đằng” nền vàng, hình nền vẽ rồng, ẩn trong mây nhũ bạc, chữ và ấn son đều còn rất rõ nét.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và bản chế truy phong cho Phan Thanh Liêm làm Thượng thư Bộ binh

Hai bản chế khổ lớn, 176 x 57cm, đều ban cho Phan Thanh Liêm (còn gọi Phan Liêm, con trai cụ Phan Thanh Giản). Bản đầu tiên đề ngày 2 tháng 6 âm lịch năm Thành Thái thứ bảy, tức 1895 ban hàm tước “Trung phụng đại phu Lại bộ hữu Tham tri sung quản lãnh thị vệ đại thần chuyên quản cai xứ sự vụ” (hàm Trung phụng đại phu, chức Hữu tham tri bộ Lại, làm công việc Thị vệ đại thần).

Đặc biệt là bản chế thứ hai đề ngày 21 / 9 âm lịch năm Thành Thái thứ tám, tức 1896, đoạn cuối viết: “…Niệm nhĩ cựu lao, nghi gia thực huệ tư trứ chuẩn truy thụ Binh bộ Thượng thư tích chi cáo mệnh. Ô hô! Vô công bất báo cổn hoa nhất tự chi vinh, tuy tử do sinh, kim thạch thiên thu chi vĩnh. Khâm tai!”. (Tạm dịch: …Nghĩ công lao cũ của ngươi nên thêm ân huệ thực sự đồng ý cho truy nhận Thượng thư Bộ Binh cấp cho cáo mệnh. Than ôi! Không có công thì không báo đền, chỉ một chữ trong đời làm quan đã đem đến vinh hiển tuy chết cũng như còn sống, vàng đá ngàn năm còn mãi. Kính thay!).
 
Như vậy, cuối đời Phan Thanh Liêm làm đến chức hữu tham tri Bộ Lại, năm sau được truy phong Thượng thư Bộ Binh…
 
Ba bản sắc nhỏ có cùng kích cỡ 133x51cm, đều do triều đình Thành Thái ban cho ông Phan Thanh Khác (con trai của ông Phan Thanh Liêm, tức cháu nội cụ Phan Thanh Giản). Bản thứ nhất đề ngày 20 tháng 8 âm lịch năm Thành Thái thứ 11, tức 1899, ban cho Phan Thanh Khác chức “Biên tu sung Quốc Học trường”, tức làm trợ giáo Trường Quốc Học - Huế.
 
Bản tiếp theo đề ngày ngày 26 tháng 12 âm lịch năm Thành Thái thứ 16, tức 1904 ban cho Phan Thanh Khác chức “Lại bộ ty viên ngoại lang sung cơ mật viện hành tẩu”, tức làm thư ký Viện Cơ mật. Bản thứ ba đề ngày 8 tháng 4 âm lịch năm Thành Thái thứ 18, tức 1906, với nội dung khen ngợi Phan Thanh Khác: “nhất tự vinh cổn vĩnh tác truyền gia chi bửu” (tạm dịch: chỉ cần một lời khen mà cuộc đời làm quan sẽ truyền lại làm của báu cho gia đình mãi mãi).
 

Nội dung bản chế truy phong Phan Thanh Liêm làm Thượng thư Bộ binh

Về các hiện vật trên, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho rằng chúng không chỉ là những món cổ vật đang mang tính “thời thượng” đối với giới sưu tầm cổ vật, mà còn là loại tư liệu quý mang trong mình nó những thông tin liên quan đến những nhân vật lịch sử một thời đối với giới nghiên cứu. “Riêng đối với năm bản sắc và chế này lại có một điểm đáng quan tâm đặc biệt. Biết rằng, cụ Phan Thanh Giản là một trong những nhân vật điển hình trong một giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước VN ta mở đầu gần 100 năm bị đô hộ.
 
Điều đáng nói ở đây là nhân cách của nhân vật lịch sử này – cụ đã chết theo nước, mà Phan Thanh Liêm và Phan Thanh Khác là con và cháu của cụ cho nên có những mối liên quan nhất định. Sau khi cụ Phan Thanh Giản tuyệt thực và uống thuốc độc tự vẫn vì để mất ba tỉnh miền tây Nam kỳ, Phan Thanh Liêm cùng với em là Phan Tôn đã chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp nhưng tình thế không như mong muốn. Dù sao đó cũng là một vết son cho nhân vật này”, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, nhận định.  

Thái Lộc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top