ClockThứ Bảy, 03/07/2010 05:22

Nặng hai mối tình: Mon pays et Paris

TTH - Anh Đỗ Trịnh Quang từng tâm sự: “Con đường đời anh trải qua quá ngoằn ngoèo, quá nhiều khó khăn, nhiều giai đoạn lạ lùng mà chính anh cũng ngạc nhiên". Đúng vậy, con người thuở hàn vi từng lăn lộn rửa chén, servir nhà hàng, rửa xe và làm đủ nghề kiếm sống khác ấy hiện là Trưởng luận án về hiện đại hoá phương thức và môi trường làm việc của toàn đơn vị hành chánh của Tổng Cục Hàng không Dân dụng Pháp...

"…Tôi mơ mộng khi dạo trên bờ sông Seine, trước những toà nhà nguy nga, cổ kính vạch lên những mảng thời gian trong những thế kỷ trước kia và cạnh đó lại có những toà nhà cao tầng hiện đại. Paris thay đổi vẻ mặt khi tôi qua từng khu phố, từng quận, thay đổi sắc thái qua từng mùa. Tôi yêu Paris nhất vào cuối xuân lúc bước qua hạ, ngày dài, đêm ngắn, trời ấm áp, ánh sáng rực rỡ, hoa nở đầy bờ đường và đầy công viên".


Anh Đỗ Trịnh Quang trước Tổng cục Hàng không Pháp

Anh Quang thường mở đầu dòng Email cho tôi bằng khoảng không gian trong lành và dễ chịu, khiến con người ta muốn tản bộ để quên đi cái vòng quay của cuộc sống bộn bề khắc nghiệt. Sự phát triển của khoa học đã khiến cho trái đất này nhỏ lại. Đường bay của những cánh thư cũng gần lại như tôi với tay qua nhà hàng xóm xin tí lửa cho ngọn đèn dầu toả rạng thuở nào.
 
Kinh đô ánh sáng, ai mà chẳng muốn một lần đặt chân tới đó, để nghiêng mình trước tháp Eiffel kì ảo, để khép thu trước những đại lộ rộng lớn đến… kinh hoàng (Magic boulevard).
 
"Nhưng anh yêu Huế hơn nhiều. Huế nhỏ đến độ mình có thể ôm được mà cảm nhận sự yêu thương lan toả".
 
- Ồ, vậy là anh đã về Huế ?
 
"Năm đầu tiên anh về là 1983. Năm đó nước mình còn trong hoàn cảnh rất khó khăn. Sau hơn 15 xa nhà, anh đã bật khóc; suốt ngày đạp đi dạo trong thành phố, ngồi vỉa hè ăn cơm, cố tìm lại trong trí nhớ những con đường, những khu phố mình từng lưu giữ. May mà gặp được người cậu vợ đầu của anh có vợ tên là Ngà, giáo viên Trường trung học Lê Hồng Phong cho tá túc. Họ rất thương anh, thương vô cùng mặc dầu không ruột thịt gì cả. Rồi sau đó anh còn được bác sĩ Tiến (từng qua Pháp tu nghiệp) giúp đỡ, động viên… Anh có một cuộc sống lặng lẽ đến âm thầm ở xứ người. Thương quê nghèo khó, từ dạo về Việt Nam, anh chỉ muốn về luôn. Hay có lẽ anh đang muốn tìm một ý nghĩa cuộc sống đích thực tại quê hương".
 
 
Mẹ quê Hà Tĩnh đất hẹp khô rang, về Bắc bộ làm dâu, đến năm 1949 thì sinh đứa con kháu khỉnh Đỗ Trịnh Quang. Anh đã cất tiếng khóc chào đời tại Hà Nội; khi những bước chân chạy còn chưa vững, gia đình đã di cư vào Sài Gòn sinh sống, nay anh lại gắn bó với Huế.
 
Tại một góc phố cũ của Huế đầu Xuân năm nay, nụ cười hồn nhiên của anh như gợi về một thời là "vua đi làm, vua đi học". Lực học ngoại ngữ của anh không tồi, như một dự báo cho cả tương lai sau này. "Năm 16 tuổi anh đã dạy kèm anh văn cho các chị vũ nữ, bán bar cho Mỹ, với những câu “cửa miệng” của các nàng như “Hey man! Long time no see”, lợi nhuận gấp mấy lần lương ông già - một công chức của sở Y Tế”. Anh lại cười… như có chút gì đó không tiện “bật mí”.
 
- Sau đó thì…
 
"Du học. Cũng gian nan và vòng vèo “số một”. Ban đầu du học qua Thụy Sỹ. Bố mẹ chỉ đủ tiền mua vé máy bay, sau đó phải tự túc. Vậy nên lại tiếp tục với danh hiệu “Vua đi làm”: rửa chén, servir nhà hàng, rửa xe v.v. Cuối cùng vẽ tranh đi bán rong các quán ăn, café…
 
 Lại “vua đi học”. Đến năm cuối trước khi lấy bằng cử nhân (chỉ còn thiếu 1 chứng chỉ) thì được tin mẹ sang Pháp chữa bệnh, nên, một lần nữa, phải bỏ hết để qua Pháp. Khi xin nhập quốc tịch, cảnh sát Paris vặn hỏi: “Anh vô Pháp bằng giấy tờ gì?” “Tôi đi từ Thụy Sỹ qua bằng xe lửa, không thấy ai hỏi giấy tờ gì cả, nên… liều luôn”.
 
Đặt chân lên đất Paris, tay không, trong túi chỉ có khoảng 70 francs (10 euro) đứng giữa đường mà nhìn trời, khóc thảm. Hai bên đường xe lao vút, inh ỏi. Nhưng Paris dường như rất thích hợp với những kẻ sống ngoài lề xã hội, sống tha hương như anh. Paris đông người, Paris rộng lớn, nên đi ngoài đường thì ai cũng vô danh. Để sinh tồn, anh thường hay vô siêu thị ăn cắp thịt, đi xe buýt, xe lửa không mua vé, ở nhờ ở trọ. Cái thú của anh lúc đó là khi có tí tiền thì ngồi uống café vỉa hè khu Quartier latin, nhìn thiên hạ, ra điều bận rộn, vội vã qua lại. Lang thang, túng thiếu…
 
Anh Quang là vậy, không giấu giếm những tật xấu mình thủa hàn vi. Email anh gửi tôi sau khi đặt chân tới Paris đầu năm nay: "Từ phút đầu gặp em, anh đã cảm nhận sự đồng cảm sâu sắc. Anh tin tưởng ở em (I trust in you!), và mong rằng ít năm nữa về sống ở Huế, anh em mình sẽ là một “cặp”, để học hỏi nhau, nâng đỡ nhau. Bây giờ cách nhau xa quá, may mà có cái “meo” nó kéo trái đất dúm lại… còn chút".
 
Tôi gợi: - Em phỏng vấn anh đôi câu nhé?.
 
Im lặng, anh Quang nén dài hơi thuốc, như là thay cho lời từ chối…
 
"Anh chưa bao giờ kể về bản thân mình, chưa bao giờ tường thuật hoặc tâm sự về cuộc sống. Với anh, không gì khó hơn là nói về mình!! Phải chăng vì cuộc sống của anh, từ bé tới lớn không giống ai, bất cứ khía cạnh nào, nếu kể ra, thì cũng không ai tin. Huyền thoại. Con đường đời anh trải qua quá ngoằn ngoèo, quá nhiều khó khăn, nhiều giai đoạn lạ lùng mà chính anh cũng ngạc nhiên. Trên phương diện tình cảm cũng không ổn định, không gì rõ rệt, tất cả đều phức tạp, từng đoạn đời đều có nhiều biến cố bất thường.
 
…May mà sống đến bây giờ, bởi anh đã có ba lần suýt chết vì tai nạn xe đấy. Hơn nữa đã nhiều lần đứng trước vực thẳm của sự suy sụt tinh thần, mà nhờ trời anh vẫn thoát được.
 
Trong nhiều cơn nguy khốn, anh thường bên cạnh người yêu…
 
- Cô ấy có phải mối tương duyên "vĩnh cửu" của anh…?
 
Một đụn khói đậm trùm kín khuôn mặt gầy và vẻ như… tồi tội của anh Quang. Tôi cũng lặng nhìn chỗ khác trong lúc nghe giọng anh thả nhẹ giữa nền nhạc buồn "Unchain melody"…
 
"…nền tảng gia đình rạn nứt, tương lai mù mịt nên anh đã xin định cư ở Pháp luôn. Được phép. Nhưng suốt nhiều năm anh chỉ tìm ra những công việc lẩm cẩm. Mãi tới năm 1982 anh mới thành công thi tuyển vô chính ngạch nhà nước Pháp và được học bổng 2 năm ở viện quốc gia hành chính. Anh rất ngạc nhiên và hứng thú khi thấy tên mình trên danh sách thi trúng tuyển đăng trên báo chính thức của Nhà nước (le jỏunal officiel de la République Française). Chính vì đấy là một kỳ thi đòi hỏi trình độ văn hoá tổng quát, và trình độ luận văn (văn viết và nói) rất cao; hơn thế vì anh là thí sinh duy nhất “người Pháp, gốc nước ngoài” được tuyển.
 
Đầu năm 1983 thì anh chính thức làm việc trong Tổng Cục Hàng Không Dân Dụng Cộng Hoà Pháp. Ở đấy anh đã đảm nhận nhiệm vụ cố vấn về mặt kỹ thuật an toàn của máy bay, sau đó là Thủ lĩnh đơn vị tính, thu tính thuế đường bay. Mới đây anh được bổ nhiệm chức vụ Trưởng luận án về hiện đại hoá phương thức và môi trường làm việc của toàn đơn vị hành chánh của Tổng Cục".
 
- Nghe nói anh là người Việt Nam duy nhất làm việc trong Bộ Hàng không Pháp ?
 
"Sao biết đươc…? Các sở của Bộ nằm rải rác khắp lãnh thổ Pháp; vì lý do "hồ sơ mật", lúc tuyển cán bộ trung ương, ngoài việc kiến thức thì lý lịch và gốc gác rất quan trọng…".
 
 
Anh Quang nâng ly càfê đặc sánh trên đất Huế xưa, nhìn phía bầu trời xa xăm… Nước Pháp trong anh, từ miền nam, từ các thành phố dọc ven biển Trung Hải, qua miền Đông với dãy núi Alpes, và miền Tây với bờ Đại Tây dương, đến miền Bắc, ráp danh với Bỉ - Hà lan, trong đó có thành phố Paris, chứa chan nhiều sắc thái thiên nhiên, nhiều dạng kiến trúc khác nhau, lãng mạn và kỳ vĩ. Paris muôn mặt. Paris muôn sắc và muôn thế hệ! Paris vẽ nên bức tranh của thời đại cổ xưa, của thời đại hiện nay và… thì tương lai. Nhưng như anh đã nói, anh yêu Huế và muốn sống trọn quãng đời còn lại nơi đây.
 
 

Anh Đỗ Trịnh Quang và PGS. TS Hồ Thế Hà ở Paris
 
 Xuân Kỷ Sửu trước, anh Quang trở về với Huế, với người vợ thân yêu, khi sắc mai vàng còn thắm. Ngồi bên nghe chất giọng lơ lơ tiếng Việt của anh tôi thấy thân thương quá đỗi. Anh Quang hút thuốc nhiều. Sau một làn khói tản đi, anh nhìn khuôn mặt tôi là lạ: "Sao, anh nói tiếng Việt sai nhiều lắm phải không. Đừng trách nhé. Anh định cư ở Pháp gần 40 năm rồi, hồi ấy tiếng Việt cũng chưa sõi, chỉ hơn tiếng Anh một xí, huống hồ biết bao newsword sinh sôi từ đấy..."
 
- Anh nói vậy là khiêm nhường rồi. Em có đọc một số tác phẩm anh dịch đăng ở các tạp chí văn nghệ; gần đây nhất là bản dịch về ngôi sao văn học quốc tế trên Tc. Sông Hương. Qua đó, độc giả Việt Nam được biết đến Kiran Desai - nàng tiên của văn học Ấn Độ".
 
Chả là, trong số những thầy cô ở Đại Học Huế, cảm nhận tính song - văn - hóa nơi anh, động viên, hưởng ứng anh trong chuyện giảng dạy, dịch thuật. Nhà thơ (PGS.TS Văn học) Hồ Thế Hà là người đầu tiên khuyến khích anh dịch các tác phẩm từ tiếng Pháp, tiếng Anh gởi về Việt Nam đăng tải. Thầy Hà bảo, “nếu anh không dịch thuật thì uổng phí quá trời”; còn những nhân vật khác lại khuyên anh dịch sách giáo trình, phương pháp học hỏi từ nước ngoài… tất cả đều động viên anh trong chí hướng đầy tham vọng: đóng góp vào Việt Nam những cách kể chuyện, các luận điệu của văn sỹ Âu Mỹ. Vậy là, anh “đâm lao” luôn.
  
Anh vừa dịch xong cuốn Antéchrista, nó là best-sell ở Pháp. Thực ra, nói riêng về ngữ văn Việt, thì quả là rất dốt. Việc dịch thuật của anh còn khá nghèo nàn. Anh dịch nhiều nhưng chủ yếu dịch giúp thiên hạ và không lộ diện. Anh dịch và thông dịch viên từ Việt ngữ sang Pháp ngữ, 2 chiều cho những sinh viên hay cán bộ Việt Nam khi họ qua Pháp tu nghiệp… Phần lớn số đông, vì do anh cư trú trong nội thành Paris, rất thuận lợi di chuyển, nhiều trường hoc, nhiều thư viện v.v. nên hân hạnh được đón họ tá túc ở nhà để học hỏi phương pháp "sở hữu tri thức & tiếp cận văn hoá" tại Pháp.
 
Ý nghĩa nhất có lẽ là giai đoạn anh hợp tác với Đại học Lille, cùng với thầy Khóa, một người bạn làm giáo sư ; trưởng môn khoa Văn hoá Á Châu của Đại học này, anh đảm nhận giảng môn Civilisation comparée (Ásie-Occident), và linguistique comparée (France-Vietnam), tạm dịch là So sánh nền văn minh Âu - Á, so sánh ngôn ngữ Việt - Pháp. Niềm vui được tiếp đón, hướng dẫn, giảng dạy ngữ văn và văn hoá Pháp cho các sinh viên, cán bộ sang tu nghiệp là vô bờ bến, đặc biệt nếu là anh chị em Huế mình. Anh kể em nghe kỷ niệm đẹp này nhé…".
 
Có lẽ anh yêu Huế quá, nên thường nhắc tới những ai ở Huế, anh gặp ở Paris. Với anh, Huế như một mảnh vườn riêng tư, còn huyền bí, còn thăm thẳm dù thiên tai nghiệt ngã, nhưng vẫn ăm ắp những hạt giống của buồn vui childhood nay đã nhú mầm xanh nõn… Anh muốn đi ngược sông Hương, đi ngược thời gian để "hạnh ngộ" với Huế trong sâu thẳm ký ức mình.
 
Ở Huế, anh Quang có nhiều tình cảm ruột rà gồm cả tôi và…
 
Chợt nhiên tôi nhớ tới người vợ dịu hiền của anh hiện là giảng viên Trường Đại học Y Dược Huế. Năm ngoái, chị tìm đến gặp tôi để gửi lời hỏi thăm từ Paris. Khuôn mặt rạng rỡ của chị khiến tôi kính trọng anh Quang nhiều hơn, dẫu khi đó tôi chưa hề gặp mặt anh. Những thanh socola Pháp, bỗng trở nên ngọt ngào và ý vị hơn bao giờ hết đối với tôi và những người thân tôi. Với âm giọng nhẹ nhàng xứ Huế, chị tả về Paris trong sự xốn xang của mùa tình còn vương trên tóc… Paris, một thành phố xanh với rất nhiều công viên: jardin du Luxembourg, parc de Montsouris, parc de Monceau… Chạy ven Paris còn có rừng Bói de Vincennes, rừng Bois de Colombes... nơi những ông bố đẩy con trên xe dạo hoặc nô đùa đá banh với chúng đằng sau nụ cười của những bà mẹ, nơi, những ông già bà lão lặng lẽ ngồi trên ghế đá hưởng nắng trời; và hơn hết đấy là nơi của tao nhân mặc khách hò hẹn.
 
Vậy là, trong rất nhiều những hoài bão anh Quang sẽ gói ghém vào ba lô trở về tặng cho quê hương, có cả sắc tình diễm ảo từ Paris hoa lệ…
 
Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Sáng 26/3, Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top