ClockChủ Nhật, 14/01/2018 17:38

Ngành du lịch “khát” nhân lực chất lượng cao

TTH - Thiếu hụt nhân lực du lịch chất lượng đang là một phần nguyên nhân khiến dịch vụ ở Huế chưa chuyên nghiệp. Nếu không có các giải pháp thì du lịch Huế sẽ “tự thua trên sân nhà”.

Du lịch Huế: Vẫn lận đậnLành mạnh hóa môi trường du lịchĐi du lịch cần biết quy tắc ứng xửDu lịch & lịch lãmTăng cường liên kết du lịch giữa các địa phương

Hà An Khương Chủ hiệu Chiem Studio - một trong những người trẻ Huế “dám” dấn thân. Ảnh: Trang Lê

Không dám đào tạo nhân viên

Con số rất bất ngờ từ Trường cao đẳng Du lịch Huế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 100%, nhưng lao động ở lại Huế làm việc chỉ chiếm 10%. Nguyên nhân được chỉ ra là doanh nghiệp ở Huế ít có nhu cầu tuyển mới lao động, do đó, sinh viên có tay nghề khi ra trường đa số chọn các địa phương đang “khát” nhân lực du lịch để làm việc.

Giảng viên Trường cao đẳng Du lịch Huế phân tích, để đánh giá một thị trường đang cần nhân lực chất lượng hay không thì cần xét về khía cạnh phát triển về số lượng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hay các khách sạn lớn. Riêng ở Huế, số lượng cơ sở du lịch lớn được hình thành mới còn khá hạn chế nên nhu cầu tuyển dụng lao động thấp; trong khi đó, các cơ sở cũ thì đã bão hòa về nguồn lao động. Nguyên nhân thứ hai là mức lương lao động được hưởng có sự chênh lệch khá cao giữa Huế với các địa phương khác, thu nhập ở Huế thường thấp hơn nên lao động chọn nơi làm việc có thu nhập cao là điều không khó hiểu.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, vấn đề dịch chuyển lao động đang khiến ngành du lịch Huế đau đầu. Khi thị trường khác có những điều kiện tốt hơn và doanh nghiệp mới có những chính sách ưu đãi hơn thì lao động chọn bến đỗ mới. Dù nhiều năm qua, Huế đang cố tìm giải pháp hạn chế nhưng không “ăn thua” vì ràng buộc giữa lao động và doanh nghiệp chưa cao, dẫn đến nguy cơ tiếp tục bị “rút ruột” nhân lực chất lượng sẽ còn tiếp diễn, nhất là các thị trường du lịch mới nổi.

Ngoại trừ những cơ sở du lịch thuộc các tập đoàn lớn luôn chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực, còn đa số những khách sạn do người Huế làm chủ thì không chú tâm. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, chính sự lo ngại khi bỏ chi phí đào tạo nhân viên thì "bỗng dưng" có doanh nghiệp khác thu hút nên nhiều doanh nghiệp Huế không muốn đào tạo mà chọn giải pháp thuê quản lý.

Việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang khiến dịch vụ Huế chưa thể đến “đỉnh cao”. Ông Nguyễn Hữu Bình lý giải, nhiều khách sạn cao sao hiện nay, giám đốc điều hành chủ yếu trước đó là nhân viên làm sale. Với những vị giám đốc này, cũng sẽ có một số người toàn diện, nhưng chủ yếu chỉ mạnh về sale, có cách đưa khách về, còn các dịch vụ như lễ tân, buồng, bếp… còn yếu, dẫn đến chất lượng dịch vụ không tốt bằng việc điều hành bởi một giám đốc có chuyên môn toàn diện.

Đào tạo nhân lực du lịch đang hướng đến tính thực tiễn. Ảnh: Đức Quang

Chiến lược dài hơi

Đó là những khách sạn cao sao, còn những khách sạn từ 1-2 sao, theo Sở Du lịch, lâu nay thường có “thói quen” sử dụng lao động theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Nhiều lao động là người thân chưa qua trường lớp đào tạo nào cũng tham gia phục vụ khách. Điều nay đang làm ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của dịch vụ du lịch Huế.

Như phân tích, để phần nào khắc phục thì ý thức của các chủ doanh nghiệp cần thay đổi. Nhưng một số khách sạn thấp sao thành thật, nếu sử dụng những lao động có nghiệp vụ tốt thì chi phí dịch vụ sẽ cao, nhưng khi giá tăng thì khách lại sang ở khách sạn khác. Điều này quả đang gây khó cho Huế, với nhu cầu sử dụng phòng chỉ đạt khoảng 50% số lượng phòng thực tế, trong khi đó nhiều khách sạn nhỏ, nhà nghỉ du lịch mọc lên như nấm, khiến giá càng ngày càng thấp và hẳn nhiên, là nhân viên nghiệp vụ thấp tham gia phục vụ khách.

Ông Lê Hữu Minh cho biết, thời gian đến, trong quá trình kiểm tra các cơ sở lưu trú, nếu nhân viên quản lý còn thiếu các văn bằng theo quy định thì ngành sẽ bắt buộc phải đi học để bổ sung. Sở Du lịch chủ động mở các lớp quản  lý, hoặc chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo cho đội ngũ này. Với mục tiêu là những người quản lý phải có chuyên môn tốt để quản lý, đó là điều kiện đầu tiên để nâng cao chất lượng.

Kiểm soát là điều bắt buộc, nhưng yêu cầu là kiểm soát một cách có hệ thống, tất cả điều phải có sự điều chỉnh. Nếu không, bịt lỗ này thì sẽ thủng ở lỗ khác. Trở lại việc nâng cao chất lượng nhân lực, ông Nguyễn Hữu Bình cho rằng, doanh nghiệp có chính sách đào tạo ngay chính con em mình để làm quản lý để hạn chế chuyển dịch lao động. Về phía cơ quan quản lý, cũng cần đào tạo các cán bộ trẻ để sau này có khả năng quản lý tốt.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, khi hàng loạt dự án du lịch cao cấp được hình thành trong vòng 1-2 năm tới, Huế sẽ tiếp tục khát nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế nhận định, cũng như các lĩnh vực khác, con người luôn là yếu tố quyết định trong phát triển du lịch. Dù tiềm năng lớn nhưng thiếu con người thì khó có thể biến tiềm năng để thành sản phẩm thu hút du khách.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top