ClockThứ Hai, 28/06/2010 11:31

Người Huế, chất Huế, cao nguyên

TTH - Có một tâm thức Huế vẫn thức trong mỗi người Huế xa quê, dù ở phương trời nào, địa vị nào, giai tầng nào... Nó làm nên một đặc trưng Huế không thể lẫn...  
Bài liên quan: Ông Bính hồ tiêu
 
Có lần chúng tôi ngồi uống rượu với ông Hoàng Phủ ở nhà Phạm Phú Phong, CBGD Đại học Huế thời ông Tường còn khỏe. Mà gọi là uống rượu với ông Tường thì tức là uống và nghe ông nói. Hôm ấy tôi trổ tài lẻ làm tiết canh vịt. Suốt buổi ông Tường ăn một thìa tiết canh, gặm không hết miếng đùi vịt, còn lại ông chỉ uống và nói. Trong liên tu bất tận chuyện ông nói, tôi khoái nhất nghe ông nói về tính cách người Huế. Rằng người Huế chính là rất giống người... Do Thái, tức là tứ tán khắp nơi, nhưng người Huế ăn đứt người Do Thái là dẫu đi đâu thì đi, họ vẫn quay đầu về "cố quốc", có dịp là về, hàng năm đều về. Giỗ tết là về. Ông dẫn chứng người Hà Nội có truyền thống lâu đời vậy, nhưng nếu đã đi là... đi hẳn...


Giăng mắc như mưa Huế - ảnh từ internet

Ở nước Nam ta, có lẽ ba xứ có đông người di cư nhất là Nghệ An, Thanh Hóa và Huế. Nhưng mà như đã nói, cái anh dẫu tứ tán, dẫu tha hương nhưng vẫn đau đáu nhớ quê, vẫn khát khao ngày trở về, trở về để rồi lại ra đi, là người Huế. Có dịp đi khắp nước mới biết người Huế ta đông lắm. Ở Tây Nguyên chẳng hạn, chỉ riêng trong giới văn nghệ, đã có thể kể... mỏi mồm. Kon Tum là Trần Duy Phiên, cây bút nổi danh từ thời chưa giải phóng trong nhóm các nhà văn phản kháng, Nguyễn Viết Huy, phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Trương Công Thức (đều là họa sĩ). Sang Buôn Ma Thuột là Tôn Nữ Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Thái, Lâm Đồng là Trần Ngọc Trác, ở Gia Lai là các họa sĩ Hồ Xuân Thu, Lê Hùng, và... tôi, một cư dân Huế cũng đang ngụ tại Pleiku.

Ở Tây Nguyên, người Huế, hay gọi đúng hơn là người Thừa Thiên Huế, lên từ nhiều nguồn. Một nguồn là từ trước giải phóng, bây giờ phần lớn là thành đạt. Trên 50% các tiệm vàng lớn ở các tỉnh Tây Nguyên là xuất thân từ làng Kế Môn tức xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Làng Kế Môn là nơi ông tổ nghề vàng Cao Đình Độ từ Thanh Hóa vào lập nghiệp và sản sinh ra một làng nghề nổi tiếng đi khắp nơi tung hoành. Có một điều là dù đi đâu, làm ăn ở phương nào thì đến ngày giỗ tổ, những người thợ kim hoàn này, từ ông chủ lớn đến các chú lính phân kim đều lũ lượt về Kế Môn báo tổ. Làng Kế Môn ngày xưa nghèo lắm, dân phải chạy nhiều hơn đi vì cát bỏng chân. Nhà thì bốn phía tranh và xung quanh cũng tranh trên nền cát. Thế mà bây giờ làng san sát các nhà thờ lộng lẫy nguy nga. Ra sau độn cát thì những ngôi mộ giá hàng vài chục triệu màu sắc sặc sỡ nằm san sát đúng như ai đó đã gọi: Thành phố của người chết.
 
 Nhóm thứ hai là đi kinh tế mới sau giải phóng. Hồi ấy quả thực, ở quê thì quá khổ, đói dài đói rạc. Ăn độn 60% bo bo, 20% sắn gạc nai còn chỉ 20% gạo. Mà mỗi người chỉ 13 cân tất thảy. Phải gọi đúng là bo bo và sắn độn cơm. Mà đấy là còn có gạo phiếu mà mua. Còn dân thì khổ hơn nhiều. Thế là đi Kinh tế mới. Nhưng kinh tế mới lại còn khổ hơn ở nhà. Điện đường trường trạm chưa có, hạ tầng cơ sở trống không. Hàng trăm người ôm nhau khóc rồi... bỏ về. Hàng trăm người làm mồi cho sốt rét, dịch bệnh, rồi cả fulro... Thế nhưng đến giờ thì khác. Lấy ví dụ ở huyện Chư Sê, Gia Lai. Ở đây có cả một hội đồng hương Thừa Thiên Huế ở Chư Sê. Những người bám trụ ở lại không bỏ về bây giờ phần lớn đều là triệu phú, mà ông Bính là một ví dụ. Ông nguyên là chủ tịch xã Ia Blang, một xã tuyền người Thừa Thiên. Sinh năm 1956, tại xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đang học dở lớp 12 thì tỉnh nhà giải phóng, ông Bính về quê tham gia hoạt động ở địa phương. Với cái tính xốc vác, mồm bằng tay, tay bằng mồm, lại có chút học hành chữ nghĩa, ông được dân tin, xã tin giao cho làm chức xã đội phó, rồi xã đội trưởng. Ông còn nhớ như in đó là ngày 1/5/1978, ông dẫn đầu một đoàn người về Ia BLang huyện Chư Sê để thành lập điểm kinh tế mới gọi là điểm 5. Cái hồi đang công tác ở quê nhà, ông Bính đã đem lòng yêu một người con gái, đó là bà vợ ông bây giờ. Đã quyết chí lên Tây Nguyên rồi, nhưng lại cứ nhớ người yêu da diết. Dứt bỏ quê hương mà lòng không dứt nổi mối tình đẹp như trong mộng ấy. Cuối cùng, ông Bính đã quay về vận động người yêu cùng lên rừng lên non. Lần ấy, bố vợ, gia đình nhà vợ kiên quyết lắm. Muốn cưới con các cụ nhất thiết phải ở quê hương đất tổ; không thể dắt díu lang bạt xứ người được. Cùng đường, ông Bính phải dùng chiêu cậy nhờ đến ông bác phía vợ lúc ấy là bí thư chi bộ, đầy uy lực mới can thiệp được.
 
Đến mồng 2 tháng 3 năm 1979, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định thành lập xã Ia BLang, lúc đó ông Bính vừa tròn 23 tuổi, được giữ chức Phó chủ tịch xã, rồi sau làm chủ tịch xã cho đến mãi năm 2001. Ông chính là một trong những người đầu tiên đưa cây tiêu lên Chư Sê để bây giờ Chư Sê trở thành "vương quốc tiêu", và tất nhiên những "thần dân" của "vương quốc" ấy phải là những người như thế nào thì chúng ta biết rồi. Mấy năm nay tiêu, cà phê, cao su đều được giá, người Huế Chư Sê về thăm quê trở thành... Huế kiều từ Chư Sê! Chỉ cần trong rẫy có 1000 trụ tiêu tức là đã có khoảng trên bốn tấn tiêu khô, nhân với trên năm bảy chục triệu một tấn thì ra ngay thu nhập. Mà một nghìn trụ tiêu với dân ở đây là... muỗi. Ngoài ra còn cà phê, cao su, bò, còn buôn bán, mở nhà hàng... Ông Bính, cựu chủ tịch xã Ia Blang vừa nhắc giờ là chủ một nhà hàng lớn nhất thị trấn Chư Sê... Giờ đây, hai cụ thân sinh ra ông Bính, cụ ông đã 85 tuổi, cụ bà đã 82 tuổi, sau hơn 20 năm theo con trai lên Tây Nguyên, đã đưa hết bát nhang, bàn thờ tổ tiên đến đất Ia BLang. Các cụ đã lập nhà thờ ở đất ấy. Mặc dù ông Bính bây giờ đã có cơ ngơi ở phố huyện, nhưng lần này các cụ đã kiên quyết không theo con ra phố.
 

Ngô đồng trong Đại Nội Huế - ảnh Diên Thống
 
Thành phần thứ ba người Huế ở Tây Nguyên là các trí thức từ các trường đại học, mà chủ yếu là giáo viên và bác sĩ. Có thể nói đi khắp hang cùng ngõ hẻm nào cũng gặp các thầy cô giáo và bác sĩ người Huế dù rằng bây giờ còn có rất nhiều trường đại học cũng đào tạo giáo viên và bác sĩ như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt. Và cũng phải nói thật điều này, rằng là số giáo viên, bác sĩ từ lò Huế tổ chức dạy thêm, mở phòng mạch đông khách khá nhiều, nếu không muốn nói là áp đảo so với các lò khác...
 
Đấy là "nói chung", lấy số nhiều mà tổng kết, chứ còn trong đời sống thì nó muôn hình vạn trạng. Ở Gia Lai có 2 hội đồng hương Thừa Thiên Huế. Một ở huyện Chư Sê như đã nói, một ở ngay thành phố Pleiku. Có quyết định thành lập hội của chính quyền hẳn hoi. Những người sáng lập toàn là những nhân vật hoành tráng như đại tá Lâm Huế, nguyên tỉnh đội phó Gia Lai, nguyên chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Hiến, nguyên phó giám đốc sở Y tế Gia Lai Hoàng Thị Tắc... Hội này tổ chức gặp mặt mỗi năm một lần vào rằm tháng giêng. Tất cả các cháu học giỏi và đậu tốt nghiệp đều có quà, nếu nhà khó khăn sẽ được nhận học bổng. Các bà các cô các ông các chú thi nhau hát, rặt những bài hát về Huế. Số người Huế thành đạt ở Gia Lai giờ cũng nhiều lắm. Như cô giáo Tường Vân nguyên đại biểu Quốc hội, Lê Nhi cục phó cục thống kê Gia Lai. các bác sĩ Quốc Anh, Huỳnh Toàn, các nhà giáo Nguyễn Văn Chiến, TS, hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm, Nguyễn Chương, hiệu trưởng trường chuyên Hùng Vương..., Và tiếp xúc với họ, tôi với hiểu thêm điều mà nhà văn đàn anh nói trong bữa nhậu hồi nào: Có một tâm thức Huế vẫn thức trong mỗi người Huế xa quê, dù ở phương trời nào, địa vị nào, giai tầng nào... Nó làm nên một đặc trưng Huế không thể lẫn...
 
                                                                                    Văn Công Hùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Sáng 26/3, Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top