ClockThứ Tư, 05/02/2014 07:22

Người Katu ăn mừng lúa mới

TTH - “Một bảo tàng sống dân tộc học, nơi bảo lưu nhiều dấu ấn văn hoá nguyên thuỷ…”. Đấy là nhận định thường gặp khi nhìn về vùng cư trú của người Katu ở miền Trung Việt Nam và phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vang vọng núi rừng

Sau quy trình phát - đốt - cốt - trỉa đầy lao nhọc, cây lúa trên rẫy cùng với “nhân tình - nhân ngãi” của nó (cây môn thục, bầu, bí…) đã đến kỳ thu hoạch. Người Katu bắt đầu bước vào ngày hội ra nương để mang lúa về kho. Nhiều tín lễ đã được thực hiện.

Người Katu ở huyện Nam Đông thu hoạch lúa

Cha avĩ têmeê - lễ ăn mừng lúa mới là mốc thời gian đánh dấu sự kết thúc của một vụ mùa, mở ra khoảng nông nhàn, thụ hưởng thành quả, đi thăm thú và vui chơi của cộng đồng trước khi bước vào mùa rẫy mới. Cha avĩ têmeê thường diễn ra từ tháng Cơ xee tơ cool đến tháng Cơ xee mưi zêt mưi trong nông lịch Katu (tháng 8 - 11 âm lịch hàng năm). Đây cũng chính là khoảng thời gian những cơn mưa đã thưa dần, nắng đã về tràn ngập các bản làng, và âm hưởng mùa xuân đã thoang thoảng khắp núi rừng. Tạm gác lại những công việc thường nhật, các vị già làng sẽ quan sát tiết trời, lắng nghe tiếng đại ngàn… bằng kinh nghiệm và vốn tri thức bản địa được bồi tập qua nhiều thế hệ, chọn ngày lành mở hội ăn trâu. Bản làng Katu sinh động hơn mọi ngày bởi không khí náo nức trong lòng mỗi thành viên. Gươl được sửa sang. Nhạc cụ, vũ khí, chum choé… được lau chùi. Thanh niên tổ chức săn bắn, bắt cá chuẩn bị thực phẩm. Những người phụ nữ chuẩn bị áo váy, giã gạo, làm các loại bánh và cơm nếp. Các già làng sẽ tuyển chọn trâu cho ngày hội, làm Tà vạk, trang trí, chạm khắc, sơn vẽ hoa văn trên cột ăn trâu - biểu tượng và cũng là sức sống của bản làng trong mùa rẫy tiếp theo. 

Vào đêm trước ngày lễ, cả làng tập trung ở mái nhà chung, quây quần bên bếp lửa, trao đổi với nhau kinh nghiệm trong vụ mùa đã qua, nghe già làng kể chuyện - những câu chuyện về các Yang trong truyền thuyết, về sự tích các dòng họ, những tập tục cấm kỵ, về những chiến công của những đứa con ưu tú của bản làng, về những lễ hội… và hát cùng nhau những điệu dân ca.

Giã gạo – chuẩn bị mừng cơm mới

Ngày mở hội, khi mọi việc đã chuẩn bị kỹ càng, dân làng tụ tập trước nhà Gươl, lễ mừng lúa mới bắt đầu với những lời khấn cầu của vị già làng đáng kính, mời các Yang về dự lễ, ăn thức ăn, uống rượu của dân làng…, để dân làng tạ ơn về một vụ mùa tươi tốt với thóc lúa đầy kho. Xung quanh cột trâu, hoà cùng tiếng chiêng trống là điệu Ting tung của các chàng trai dũng mãnh, điệu Padil Yayã của các cô gái Katu điệu đà, nhịp điệu cồng chiêng, tiếng hú gọi của trai làng vang vọng núi rừng…

Sau cuộc “giao tiếp” với Yang, khi chiếc đầu và đuôi của vật hiến sinh đã được đặt trên cột trâu, cả làng quây quần bên ché rượu cần, bên ống rượu Tà vạk, bên những mâm thịt, bên những mâm cơm mới… cùng nhau nhảy múa quanh đống lửa, tận hưởng thành quả lao động của mình trong suốt một mùa rẫy. Mừng lúa mới để cám ơn thần linh, tri ân thần lúa (Yang Haroo) và linh hồn của ông bà tổ tiên đã theo sát dân làng trong suốt một mùa vụ. Mừng lúa mới để dân làng được ăn cơm mới mà không làm phiền lòng Bà mẹ lúa (Akăn Haroo) trong quan niệm của cộng đồng.

Sau lễ mừng lúa mới, mỗi gia đình thành viên trong bản làng tổ chức lễ cúng cơm mới Bhuôih avĩ têmeê. Nghi lễ này được bà chủ nhà - người nắm giữ kho thóc, người thay mặt Bà mẹ lúa thực hiện. Với lễ vật là lợn hoặc gà, xôi nếp, cơm, thịt chuột…, Sau khi khấn gọi thần linh và linh hồn tổ tiên, những hạt cơm được dán lên các cột nhà, mái nhà, vì kèo và lỗ rốn của bầy con cháu. Hành động này thể hiện sự mong muốn về vụ mùa bội thu, thóc lúa đầy nhà, đầy lên tới mái, cơm ăn đầy bụng, tràn cả ra ngoài rốn.

Ngưỡng vọng hồn lúa

Trong những tập tục xa xưa, vào mùa thu hoạch, người Katu thường buộc sợi dây đỏ kéo từ rẫy về kho để hồn lúa không bị lầm đường lạc lối. Bên cạnh đó, hạt lúa thường được tuốt bằng tay chứ không dùng đến những công cụ kim loại kẻo sợ làm đau hồn lúa…

Đối với hạt lúa, có nhiều điều kiêng kỵ trong luật tục. Bước vào mùa thu hoạch, nhiều dấu cấm (clả) được dựng nên để ngăn cấm người lạ lên rẫy hoặc vào làng. Nghi lễ bhuôih xót (tuốt lúa) được ông chủ gia đình thực hiện tại rẫy với lễ vật là con lợn ba gang để xin phép thần lúa cho mang lúa về nhà. Ngay sau đó, bà chủ gia đình sẽ làm một số nghi lễ mang tính bắt buộc với Bà chủ lúa bằng cách chọn bốn cây lúa tốt và tuốt thật lâu một cách cố tình như cách để mong cho lúa thật nhiều, “nhiều đến nỗi tuốt mãi mà không hết”.

Một rẫy lúa nương thường được tuốt làm ba lần, lần thứ nhất sẽ do bà chủ gia đình cùng con gái (hoặc con dâu) thực hiện, họ sẽ đi theo hàng ngang từ dưới lên và tuyệt đối không được nói chuyện khi tuốt lúa. Lúa của lần tuốt này sẽ được dùng trong lễ cúng lúa mới. Với cách thức tương tự, nhưng lúa tuốt lần thứ hai sẽ được cất giữ làm lúa giống. Số lúa này sẽ được bảo quản thật kỹ trong gùi, ngăn cách nó với tất cả những điều dơ bẩn. Lần tuốt cuối cùng sẽ do cả làng góp sức cùng mang lúa về kho. Riêng khoảng lúa trên đỉnh rẫy sẽ được dành cho khách đến nhà và những ngày lễ hội.

Nhiều và rất nhiều quy định nghiêm ngặt trong luật tục liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng, lẫn cách ứng xử với hạt lúa - “hạt ngọc của trời”, và việc thực hiện nó một cách nghiêm túc luôn hứa hẹn một vụ mùa bội thu…

Có thể nói rằng, mừng lúa mới chính là nghi lễ hội tụ nhiều đặc trưng văn hoá của người Katu, hoà mình vào ngày hội chính là hoà mình vào văn hoá Katu, bước vào bản làng trong không khí ngày hội lễ, chúng ta sẽ có được cơ hội chiêm nghiệm và trải nghiệm một giai đoạn phát triển đã qua của xã hội loài người.

Bảo Đàn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top