ClockThứ Tư, 11/12/2019 06:00

Nguyên tắc “win - win” và liên kết trong du lịch

TTH - Sự đoàn kết, hợp tác trong xây dựng tour tuyến, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp (DN) chưa tốt, nên vẫn còn sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Báo chí có vai trò quan trọng trong truyền thông, quảng bá phát triển du lịchLiên kết du lịch: Bài toán về tương đồng thế mạnhChưa gắn kết phát triển du lịch với nông nghiệpLiên kết phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên

Cần những cái "bắt tay" trong phát triển du lịch (Doanh nghiệp Huế trao đổi sản phẩm với đối tác từ tỉnh Đắk Lắk trong chuyến famtrip gần đây)

Cạnh tranh thiếu lành mạnh

Trong chuyến công tác lên Tây Nguyên bằng đường bộ gần đây, tôi có cuộc nói chuyện với một DN đang kinh doanh dịch vụ vận chuyển ở Huế. Chủ DN này cho biết, cách làm của DN lữ hành ở Huế “chán lắm”, cứ cạnh tranh nhau, không đoàn kết để cùng khai thác khách, “chạy đua” để giành khách của nhau, khiến giá tour hạ thấp.

Theo chủ DN này, dịch vụ vận chuyển ở Huế chưa thể phát triển tương ứng với tốc độ phát triển của khách đến Huế, một phần nguyên nhân là các DN lữ hành “ép” giá vận chuyển để tăng cơ hội cạnh tranh về giá. Sự hợp tác thường không bền lâu vì hai bên chưa tìm được tiếng nói chung về lợi ích. Do đó, ở Huế, đa số dịch vụ vận chuyển từ Đà Nẵng ra; hoặc ở Huế, cũng chủ yếu chạy cho các đối tác từ tỉnh bạn.

Với các DN lữ hành, tạm bỏ qua những DN nhỏ, DN chỉ một người, thường xuyên hạ giá tour để thu hút khách, ngay cả những lữ hành hàng đầu cũng cho thấy sự cạnh tranh ngầm. Một nhân viên của một công ty lữ hành lớn thừa nhận, trước mặt, hay trong các cuộc họp, các DN luôn cho thấy sự vui vẻ với nhau, nhưng “sóng ngầm” về cạnh tranh là cực lớn.

Anh nhân viên này thông tin, vào các dịp hè, DN thường đi tìm kiếm thị trường khách trong tỉnh (thường là các cơ quan Nhà nước) có nhu cầu đi du lịch. Khi đến chào tour luôn có vài DN. Các DN luôn dựa trên chương trình tour để soi những điểm yếu của đối phương để thuyết phục đối tác lựa chọn tour của mình. Không hiểu các DN kia họ cung ứng dịch vụ như thế nào, nhưng với chương trình và tiêu chuẩn chất lượng, việc hạ giá tour qua ngưỡng là không thể, nhưng họ vẫn làm được. Ở đây, ít khi cạnh tranh về chất lượng mà chủ yếu là giá tour.

Trong du lịch, nếu có sự cạnh tranh về chất lượng chắc chắn chất lượng dịch vụ du lịch Huế sẽ tăng lên đáng kể. Bởi theo quản lý một điểm nghỉ dưỡng 5 sao ở Huế, điểm nghỉ dưỡng này từng có thời gian bị các cơ sở khác thu hút gần như hết nguồn khách bằng giá dịch vụ lưu trú, với những mức giá thấp kỷ lục. Chính việc cạnh tranh khốc liệt về giá khiến họ buộc phải chuyển đổi lấy số lượng bù chất lượng. Nhưng khi chuyển hình thức đó, hại hơn là lợi, mất thương hiệu, mất định hướng… nên đã tăng giá, nâng chất lượng trở lại.

Ông Phan Trọng Minh, Giám đốc Điều hành Khách sạn Azerai La Residence cho biết, cuối năm là dịp các đối tác đến đặt vấn đề hợp tác. Trong kinh doanh, với những dòng khách đòi hỏi chất lượng, sẽ ít có sự cạnh tranh về giá; nhưng đại đa số du khách đang dừng lại mức phổ thông nên các đối tác thường ép giá lưu trú. Nếu không có sự đồng lòng, thống nhất giữa các đơn vị lưu trú, tình trạng hạ giá dịch vụ để tăng nguồn khách không có gì bất ngờ.

Cần những cái "bắt tay"

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, ngành du lịch mới thống kê số liệu khách năm 2019, thật bất ngờ khi lượng khách mà các DN Huế trực tiếp khai thác chưa tới 3%. Với một điểm đến như Huế, đây là con số khiêm tốn, để lại nhiều lo lắng. Nếu các DN không có những cái "bắt tay" để cùng nhau cung ứng dịch vụ, cùng nhau hợp tác phát triển thì con số 3% sẽ rất khó để vượt qua trong những năm tới.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, ví dụ như với tour “Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang”, khách rất thích, nhưng quy mô vừa phải, điểm đến cũng chưa được mở rộng. Đã có những cuộc làm việc giữa các DN muốn hợp tác mở rộng sản phẩm, nhưng DN khai thác trước không đồng ý hợp tác và chọn mức “an toàn” ổn định như lâu nay. Điều này không thể trách DN vì đó là quyền kinh doanh, nhưng về mặt tích cực hơn, nếu hợp tác, mở rộng quy mô sẽ giúp Huế có sản phẩm mới.

Mới đây, có đoàn famtrip là các DN Mỹ đến Huế khảo sát các tour tuyến, sản phẩm mới. Nhiều DN thắc mắc vì sao ngành du lịch không thông báo để DN chủ động kết nối với các lữ hành trực tiếp từ thị trường Mỹ. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch lý giải, tất cả các đoàn famtrip đến Huế đều có thông báo để các DN chủ động kết nối. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều đoàn famtrip đến, thông báo để kết nối nhưng DN không tham gia.

GS. TS. Peter Kelly (chuyên gia du lịch hàng đầu thế giới) trong chuyến trao đổi với các DN, cơ sở đào tạo du lịch về khởi nghiệp từng phân tích, trong các nguyên tắc phát triển, hợp tác chính là yếu tố tiên quyết để phát triển của DN. Một DN sẽ khó phát triển khi không có những DN cùng hỗ trợ, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng. Trong liên kết này, các DN cùng tuân thủ nguyên tắc “win - win”, tức là hai bên cùng thắng, mới hiệu quả và lâu dài.

Hội Lữ hành đang bước đầu tổ chức cà phê cuối tuần, định kỳ tổ chức một tháng một lần để cùng nhau tìm tiếng nói chung trong phát triển du lịch. Hy vọng, các DN Huế đoàn kết, hợp tác để cùng phát triển.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề
Return to top