ClockThứ Bảy, 24/07/2010 05:35

Nhà Huế trên đất Thủ

TTH - Đó là một khu vườn rộng 2.500m2, tọa lạc ở ấp Tây (xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương), cách trung tâm TP Hồ Chí Minh chừng 17km. Trong khu vườn xứ Thủ Dầu Một ấy có ba ngôi nhà gỗ, do các nghệ nhân của Cố đô tháo dỡ từ ba ngôi nhà rường xứ Huế, rồi sửa chữa, tu bổ và đưa vào Bình Dương lắp ráp, phục dựng suốt ba năm ròng (2006 - 2008).

Ba ngôi nhà gỗ, gồm một ngôi ‘năm gian hai chái’ và hai ngôi ‘ba gian hai chái’, được kết nối với nhau bằng hệ thống trường lang, tạo thành chữ Nhân (人 ), tọa lạc giữa một khu vườn yên tĩnh, đúng như tên gọi mà chủ nhân đã lựa chọn cho “chốn thư giãn tâm hồn” của mình: Tịnh An Viên (靜 安 園).

Chúng tôi ghé thăm Tịnh An Viên vào một buổi chiều tháng 5. Chủ nhân tiếp chúng tôi trong ngôi nhà chính, giữa vô vàn những đồ gỗ, đồ sứ, đồ đồng… được bày trí rất nghệ thuật. Thường thì trong các phủ đệ của các ông hoàng bà chúa ở Huế xưa, mỗi đơn nguyên kiến trúc đều được chủ nhân đặt cho một cái tên, đa phần bắt nguồn từ các điển tích của Nho giáo, hàm ẩn những triết lý sâu xa. Do chủ nhân Tịnh An Viên chưa đặt tên cho ba ngôi nhà rường trong ‘khu vườn yên tĩnh’ ấy, nên tôi tạm gọi các ngôi nhà là tiền đường, chính đườnghữu đường, tùy theo vị trí tọa lạc của chúng. Trong đó, tiền đường hợp với chính đường (qua hệ thống trường lang) tạo thành nét dài bên trái của chữ Nhân, còn hữu đường (và một nhánh trường lang) chính là nét ngắn bên phải.


Đồ sứ, đồ đồng và đồ gỗ bài trí ở chính đường

Bên chén trà, chủ nhân Nguyễn Minh Sơn kể cho chúng tôi nghe về mối lương duyên giữa anh với Tịnh An Viên. Đầu năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức kỷ lục. Là người sở hữu nhiều cổ phiếu giá cao, Nguyễn Minh Sơn dự tính bán bớt cổ phiếu để đầu tư cho mình một cơ ngơi bề thế trong khu Phú Mỹ Hưng. Vậy nhưng, sau mấy lần qua lại Phú Mỹ Hưng, anh vẫn chưa chọn được căn hộ nào ưng ý. Giữa lúc đó, có người giới thiệu cho anh một khu nhà rường kiểu Huế ở Bình Dương. Anh tìm đến xem nhưng thấy khu nhà ấy quá thâm nghiêm và đường bệ. Vì thế anh e ngại, không dám mua.

Tuy nhiên, chính cuộc sơ kiến với ngôi nhà Huế này đã mở cho anh một hướng mới: thay vì đầu tư mua căn hộ hiện đại ở Phú Mỹ Hưng, Nguyễn Minh Sơn chuyển sang tìm kiếm nhà rường xứ Huế. Sau cùng, anh bắt gặp thông tin về Tịnh An Viên trên một tờ báo chuyên về nhà đất. Anh bảo: “Lần đầu tiên đến đây, tôi có cảm nhận là ngôi nhà này ‘rất hiền’. Ngôi nhà mang lại cho tôi một cảm giác bình yên, thư thái. Vậy là chỉ sau một lần trả giá, tôi đã mua được Tịnh An Viên. Có điều, bấy giờ kết cấu khu nhà này rất khác với những gì chúng ta đang thấy. Ban đầu, trong khu này chỉ gồm hai ngôi nhà rường mà thôi. Ngôi nhà thứ ba ở phía trái, cùng với hệ thống trường lang và sân vườn này, đều là những ‘xếp đặt bổ sung’ của chúng tôi sau này”.
  
Khi nhận nhà (tháng 5/2007), Nguyễn Minh Sơn đặt kế hoạch là sẽ giữ yên mọi thứ mà chủ cũ đã thiết trí và bày biện trong vòng một năm. Sau đó, anh sẽ “xếp đặt” và “biến cải” theo ý của mình. Một năm cũng là khoảng thời gian mà Nguyễn Minh Sơn lặn lội đi Huế nhiều lần để xác minh lai lịch, gốc tích của ngôi nhà năm gian trong Tịnh An Viên và để tìm kiếm kíp thợ đã tháo dỡ, tu bổ và phục dựng ngôi nhà này ở đất Thủ. Sau bao gian khó, cuối cùng anh cũng dò ra được gốc tích của ngôi nhà. Theo đó, ngôi nhà nguyên ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là nhà của một vị võ quan, giữ chức Lệnh thám dưới triều Nguyễn, dựng vào thế kỷ XIX.
 

Trang trí và bày biện ở phía trước Tây phòng của chính đường.  
 
Sau những biến cố thăng trầm của thời cuộc, đặc biệt do trận lụt lịch sử vào năm 1999, ngôi nhà đã bị đổ sụp. Nguyễn Văn Thành, một người thợ mộc ở Mậu Tài, mua xác nhà đổ nát ấy, đem về nghiên cứu, bổ túc suốt năm năm ròng, trước khi đưa vào phục dựng ở Bình Dương. Nguyễn Minh Sơn cũng đã tìm gặp người thợ mộc Nguyễn Văn Thành, mời anh vào Bình Dương để xem xét, mở mang Tịnh An Viên. Họ mua thêm một ngôi nhà rường ba gian của một người họ hàng của bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) ở Mỹ Lợi, đưa vào Bình Dương dựng thành hữu đường cho Tịnh An Viên.
 
Có được ba ngôi nhà rường trong khu vườn phủ xanh bóng mát, Nguyễn Minh Sơn bắt tay thực hiện ý nguyện của mình: biến nơi đây thành một chốn thư giãn của tâm hồn. Anh bảo: “Tôi làm kinh doanh, đầu óc khi nào cũng căng thẳng, nên muốn có một nơi mà ở đó tôi có thể tìm lại được sự thăng bằng trong tâm trí mình; là nơi để tĩnh tâm và tái tạo lại sức lực, niềm đam mê và sự sáng tạo trong công việc”. Đó cũng là lý do vì sao anh chọn chữ Nhân làm anh ý tưởng chủ đạo trong cấu trúc tổng quan của Tịnh An Viên.
 

 Một trà thất xinh xắn ở kết nối với trường lang.
 
Tuy nhiên, những ngôi nhà gỗ, dù đẹp đến đâu, dù tinh xảo đến nhường nào thì nó cũng chỉ là phần xác. Mà điều làm nên sức quyến rũ của ngôi nhà Huế chính là phần hồn, là không gian sinh hoạt, không gian văn hóa và không gian tâm linh hàm chứa trong ngôi nhà ấy. Phần hồn của ngôi nhà hợp thành từ cách thức trang trí nội thất; từ những đồ đạc bày biện trong ngôi nhà; từ sự tái hiện nếp sống Huế và không gian văn hóa Huế trong một khu nhà cổ trên đất Bình Dương. Vậy là Nguyễn Minh Sơn lại đặt mình trên một hành trình mới: hành trình tìm hiểu văn hóa Huế, mỹ thuật Huế và cổ vật Huế, dù rằng, anh là dân Nam Bộ chính cống.
 
Nguyễn Minh Sơn tiếp tục đi Huế tìm trường kỷ, rương hòm, sập gụ, tủ chè, án thờ, hoành phi, đối liễn… của cố đô đưa về bài trí trong Tịnh An Viên. Khi không tìm được cổ vật nguyên gốc, thì anh tìm đồ phục chế hoặc đồ phỏng cổ, miễn sao những thứ đó mang “hồn” của Huế. Nguyễn Minh Sơn cũng là người đam mê đồ sứ ký kiểu, nhưng đồ sứ xưa nay đã cạn nguồn. Vì thế, anh quay sang “làm bạn” với dòng đồ sứ tân ký kiểu của “Thái blue”, một chuyên gia chuyên phỏng chế những món đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn mang “lạc khoản” của “thời đại @”.
 
Sau một năm, Nguyễn Minh Sơn bắt đầu “tống tiễn” những món đồ sứ Trung Hoa và lối trang trí kiểu Tàu trong Tịnh An Viên để “Huế hóa” chốn riêng của mình. Công cuộc “Huế hóa” ấy đến nay đã được hơn một năm, nhưng theo lời anh, vẫn chưa có điểm dừng. Không chỉ mua đồ Huế và bài trí nội thất theo lối Huế, Nguyễn Minh Sơn cũng sắm sửa những bộ đồ trà kiểu Huế, tạo lập hiên trà và thưởng trà theo kiểu Huế. Chính vì thế, khi cùng anh nhẩn nha trong Tịnh An Viên, dù trên đất Thủ, nhưng tôi vẫn có cảm giác như đang thả bước trong những vương phủ ở Huế và đang đắm mình trong một không gian thấm đẫm chất Thần kinh.
 

Bức hoành phi khắc bốn chữ Hán Quốc ân gia khánh, lạc khoản đề năm Khải Định Canh thân (1920) và những tự khí bài trí trong gian giữa chính đường.

Ngồi trong chính đường chiêm ngẫm ý nghĩa của những Hán tự trên hoành phi, câu đối và ngắm những món đồ lam Huế; với tay lấy một cuốn sách trên chiếc giá sách phỏng theo motive Khải Định; chiêm ngưỡng những nét chạm trỗ tinh tế trên các bộ vì kèo hay trên hệ thống đố bản của các ngôi nhà rường; nhấp một ngụm trà trong hiên trà chơi vơi nơi trường lang… tôi cứ mường tượng trong đầu là mình đang ở giữa lòng cố đô, dù chỉ cách nơi này chưa đầy hai chục cây số là một Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt. Tự dưng thấy lòng mình thanh thản lạ.
 
Trước lúc chia tay, tôi gợi ý với chủ nhân Tịnh An Viên: “Anh đã có được ba tuyệt tác nhà rường xứ Huế. Thế thì, thể theo lề lối của Huế xưa, anh nên chọn cho ba ngôi nhà này ba cái tên, khắc lên ba bức hoành phi, treo trong ba ngôi nhà để định danh cho những báu vật kiến trúc của mình”. Nguyễn Minh Sơn tươi cười: “Có lẽ nhờ anh chọn tên cho, vì anh là người Huế, chọn tên cho nhà Huế là hợp lẽ”. Sau mấy tuần suy ngẫm, tôi thấy, có lẽ, ba cái tên: Thưởng Tâm Đường (cho tiền đường); Tế Mỹ Đường (cho chính đường) và Nhàn Tâm Đường (cho hữu đường) có vẻ hợp lý hơn cả. Ba tên gọi này tôi mượn từ ba hiệu đề có trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn: Thưởng tâm lạc sự; Nhàn tâm lạc sự (đều là đồ sứ ký kiểu triều Minh Mạng) và Phụng mao tế mỹ (đồ sứ do Đặng Huy Trứ ký kiểu dưới triều Tự Đức). Chủ nhân Tịnh An Viên là người đam mê đồ sứ ký kiểu, không rõ anh có tán đồng các tên gọi này không nhỉ?
 
Trần Đức Anh Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Sáng 26/3, Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top