ClockThứ Năm, 07/08/2014 04:13

Nhân rộng giá trị Châu bản triều Nguyễn

TTH - Châu bản - di sản văn hoá thứ 4 của triều Nguyễn vừa được UNESCO vinh danh “Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. Cùng với niềm tự hào ấy, đối với các nhà làm công tác bảo tồn, việc phát huy giá trị di sản rộng rãi trong cộng đồng là vấn đề còn nhiều trăn trở.

Tham quan triển lãm "Bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn" tại Huế

Đặc biệt quý giá

Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son. Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn gồm: Dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác. Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn có 6 loại, gồm: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Các hình thức Ngự phê này là một trong những đặc trưng độc đáo của Châu bản. Triều nguyễn có 13 đời vua, nhưng nay chỉ còn lưu giữ được tài liệu Châu bản của 10 vị vua, gồm: Triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Châu bản được thể hiện bằng chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ quốc ngữ.

Châu bản là di sản thứ 4 của triều Nguyễn được UNESCO vinh danh, sau Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003) và Mộc bản (2007). Tháng 11 tới, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ phối hợp tổ chức triển lãm tôn vinh Châu bản ở TP Huế - nơi Châu bản được sinh ra. Dịp này, BTC cũng dự kiến tổ chức toạ đàm, hội thảo để tiếp tục bàn về giá trị nhiều mặt của di sản Châu bản, đặc biệt về lĩnh vực văn hoá và lịch sử.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam. Nguồn tư liệu này có 19 Châu bản thể hiện nội dung liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa về việc lập đội quân, cắm mốc… Những văn bản này có giá trị xác thực minh chứng về chủ quyền biển đảo, luận chứng chắc chắn, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà không ai có thể chối cãi. Cũng chính vì Châu bản là nguồn tư liệu gốc vô cùng quý giá và có độ tin cậy cao nên các sử gia của Quốc Sử Quán đã sử dụng như văn bản bước 1 để biên soạn những bộ chính sử quan trọng của triều Nguyễn, như: Đại Nam Thực lục, Đại Nam Liệt truyệt, Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ…

Cần cơ chế tiếp cận di sản

Châu bản có lịch sử di chuyển khá phức tạp. Ra đời ở Huế, đến thời chính quyền miền Nam, được chuyển toàn bộ vào Sài Gòn để đảm bảo an toàn. Một thời gian sau, nhận thấy tình hình của Sài Gòn cũng không ổn, toàn bộ Châu bản của triều Nguyễn được chuyển lên Lâm Đồng, cùng với Mộc bản. Năm 1980, ý thức được tầm quan trọng của khối tư liệu này của nhà Nguyễn, Nhà nước tiếp tục chuyển Châu bản ra bảo quản tại Hà Nội cho đến nay. Tháng 9-2013, du khách và người dân Thừa Thiên Huế đã có cơ hội để tiếp cận với tư liệu quý giá này qua cuộc triển lãm 150 tài liệu “Bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn (1802-1945)”, trong dịp kỷ niệm 20 năm di sản văn hoá Huế được UNESCO vinh danh.

Hiện nay, kho tư liệu gốc Châu bản được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 bảo quản trong môi trường vĩnh cửu. Đơn vị cũng có được sự hỗ trợ rất lớn về công nghệ và kỹ thuật của các nước tiên tiến như Nhật Bản nên đang từng bước phục hồi những tờ Châu bản bị xuống cấp, hư hại để khôi phục nguyên vẹn giá trị của di sản. Châu bản cũng đã được số hoá hoàn toàn nên việc bảo quản tư liệu hiện nay không còn là vấn đề đáng lo nhất. “Vấn đề đáng quan tâm nhất chính là phải làm sao quảng bá, truyền tải, đưa giá trị của Châu bản đến với đông đảo người Việt Nam và giới nghiên cứu”, TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Một trong những khó khăn để có thể khai thác và phát huy giá trị của Châu bản là cách để có thể tiếp cận với nguồn tư liệu di sản. “Châu bản là khối tư liệu bằng chữ Hán Nôm, rất khó đọc. Mặc dù đã được số hoá hoàn toàn, nhưng để tiếp cận là cả vấn đề phức tạp. Cả nước chỉ có Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 có nguồn thông tin này. Nếu chúng tôi muốn tiếp cận thì cũng phải có giấy phép của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước”, TS Hải cho biết. Ý thức rõ khó khăn này, nên TS. Phan Thanh Hải đề xuất: “Để việc tuyên truyền về giá trị của Châu bản đạt hiệu quả, Nhà nước cần phải có quy định hoặc những cơ chế chính sách cụ thể để đưa hệ thống tư liệu Châu bản đã được số hoá về các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học. Chỉ khi việc tiếp cận di sản có thể thực hiện dễ dàng thì việc khai thác và phát huy giá trị của di sản mới thực hiện tốt được”.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top