ClockThứ Năm, 04/08/2011 04:17

Những báu vật sống

TTH - An Lăng là một khu di tích đặc biệt tại Huế. Nằm ở An Cựu, trung tâm của thành phố Huế, An Lăng là nơi thờ và khu mộ của 3 vị vua cũng đồng thời là 3 thế hệ của trong cùng một gia đình là Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân gắn liền với thời kỳ đặc biệt đau thương của lịch sử dân tộc khi thực dân Pháp lần lượt đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.

Mệ Hiền vẫn thường ghi chép, giới thiệu về các nghi lễ của triều đình nhà Nguyễn. Ảnh: Internet

Cũng chính tại di tích này còn lại một con người cũng rất đặc biệt. Đó là ông Nguyễn Phước Bảo Hiền, còn gọi là Mệ Hiền. Ông Nguyễn Phước Bảo Hiền là một hoàng thân. Cha là Nguyễn Phước Vĩnh Vũ, hoàng tử thứ 13 của vua Thành Thái, tức là em vua Duy Tân. Từ khi sinh ra, Mệ Hiền đã sống tại khu An Lăng này. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, vua Bảo Đại thoái vị. Năm 1947, Pháp chiếm An Lăng để lập đồn bốt. Tất cả hoàng thân đều ly hương, mỗi người một nơi nhưng Mệ Hiền vẫn quyết ở lại nơi đây. Từ đó cho đến nay, trải qua bao thăng trầm và đổi thay của đất nước, Mệ Hiền vẫn gắn bó với An Lăng, một đời hương khói ba vua.

Mới đây, tôi đã có dịp ghé thăm An Lăng, gặp lại Mệ Hiền. Tuổi đã ngoài 80, lại vừa trải qua trọng bệnh, điều kiện sống rất vất vả nhưng Mệ Hiền vẫn giữ được phong thái đĩnh đạc, quý phái của một con người hoàng tộc. Cách nói chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc, thu hút người nghe. Điều đặc biệt mà tôi cảm nhận là Mệ Hiền như một pho tự điển sống về Cung đình, về An Lăng với những sự kiện lịch sử gắn liền trong hơn 100 năm qua. Tôi nghĩ, được gặp và hầu chuyện với một con người như Mệ Hiền cũng là một sự may mắn và là niềm vinh dự lớn.   
 
 
Dấu tích kinh đô của Huế là Kinh thành- Đại Nội, là những khu lăng mộ, những phủ đệ, những công trình kiến trúc lịch sử… Dấu tích của Cố đô cũng còn in dấu trong những di sản văn hoá phi vật thể mà đỉnh cao là Nhã nhạc Cung đình Huế, trong nếp nghĩ, trong phong cách sống của người Huế mình. Tôi lại nghĩ tiếp đến những dấu tích một thời Huế xưa đế đô với những con người còn lại mà Mệ Hiền là một minh chứng sinh động. Cuộc đời của họ có một sức hấp dẫn đặc biệt. Mới đây, tôi được biết ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn (Hương Trà) có bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội của vua Minh Mạng, một người có cơ duyên với nghề may gối dựa cho vua Bảo Đại. Sản phẩm của bà ngày nay du khách vẫn còn được chiêm ngưỡng khi vào tham quan Đại Nội hay cung An Định. Số phận đưa đẩy một bà Công Tôn Nữ về làm dân quê ở một làng ven đô là một câu chuyện thú vị, mang âm hưởng và hơi thở của cả một thời đại. Hay cũng mới đây, tôi được nghe chuyện về cung nữ thời Bảo Đại là bà Trần Thị Vui ở tại đường Chi Lăng, TP Huế. Bà Vui được xem là nhân chứng sống cuối cùng cho những câu chuyện của cung nữ trong bốn bức tường Hoàng cung xưa.
 
Tôi đã nghĩ đến những con người như ông Nguyễn Phước Bảo Hiền, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ hay bà Trần Thị Vui như những báu vật còn lại của một thời đại quân chủ kéo dài hàng mấy trăm năm trong lịch sử phát triển của nước Việt mến yêu. Huế với tư cách là kinh đô cuối cùng của Nhà nước phong kiến Việt Nam là nơi đã và đang còn lại nhiều những con người như thế. Được gặp họ, nghe họ kể chuyện về chính mình, về dòng tộc mình, hay về những công việc mà họ từng trải qua một thời cũng là một cách tiếp cận tuyệt vời với quá khứ vàng son một thuở.
 
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top