ClockThứ Năm, 10/07/2014 03:02

Những di tích quí hiếm ở làng Dương Xuân Bắc – bài 2: Dấu tích, hiện vật “Phương Thốn Thảo đường”

TTH - Ông Nguyễn Hữu Toàn (59 tuổi, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Hương Trà), có thân phụ là ông Nguyễn Đăng Phụng, ông nội là Nguyễn Đăng Thu và ông cố là Nguyễn Đăng Mẫn. Chính ông Nguyễn Đăng Mẫn là một người “quản gia” của phủ Tùng Thiện công. Tùng Thiện công từng bảo ông Mẫn hoặc chọn đất vườn ở quanh phần mộ của bà Thục Tần ở Dương Xuân (thượng) hay về coi sóc 12 mẫu ruộng thờ ở Dương Xuân (Bắc).

Khi mãn tang mẹ, Tùng quốc công Miên Thẩm rời lều tranh bên mộ của bà Thục Tần, về phủ của ông ở bờ bắc sông Lợi Nông, đổi Tiêu viên thành nhà thờ bà Thục Tần, biến Ký thưởng viên thành nơi Đức thầy Tùng Thiện đào tạo học trò… Sau đó ông được vua Tự Đức phong tước Tùng Thiện công. Nhân mừng sinh nhật 40 tuổi, vua Tự Đức tặng quà, câu đối, ông lại tâu vua Tự Đức để xin mua 12 mẫu ruộng ở làng Dương Xuân làm ruộng thờ và ông cho dựng Phương Thốn Thảo đường. Về sau khi thì ông ở phủ để hương khói mẹ, dạy học trò, khi thì qua ngôi nhà tranh Phương Thốn Thảo đường ở khoảnh đất 12 mẫu tại làng Dương Xuân. Ngôi nhà là nơi ở để coi sóc công việc làm ruộng và còn làm nơi gặp mặt anh em, bạn bè, xướng họa thi ca một cách phóng khoáng, dân dã. Sau khởi nghĩa Đoàn Trưng [1866], Tùng Thiện công bị triều đình vua Tự Đức phạt trừ bổng 8 năm, do thiếu sót trong việc chọn rể, Tùng Thiện công về sống ở Phương Thốn Thảo đường cùng với gia đình, chuyên lo việc ruộng vườn ở 12 mẫu đã mua trước đó. Vậy 12 mẫu đất, có Phương Thốn Thảo đường của Thi ông Tùng Thiện ở đâu?

Bia, cống gạch, những di vật của Phương Thốn Thảo đường, chằm Hoàng tử. Ảnh: V. Điền

Từ sử sách

Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Năm thứ 4 [Tự Đức]…Tháng 8… Thục Tần mất. Tần trước đã được phong làm Thục tần, sau phải tội bị cách, thu lại sách phong trước. Đến bây giờ công dâng sớ khẩn xin, lời rất thương xót, vua đặc biệt cấp trả lại. Ông làm nhà ở mộ, đau thương hết lễ. Khi hết tang, được tấn phong Tùng Thiện công. Năm thứ 11, ngày sinh 40 tuổi, vua cho câu đối rằng: “Học lễ, học thi sớm theo đình huấn, giữ trung, giữ hiếu, làm mãi phiên thần”. Ông lại tâu xin mua 12 mẫu ruộng thờ ở xã Dương Xuân, làm nhà để ở, gọi là Phương Thốn Thảo Đường lấy nước ở ngòi vào làm chỗ chứa nước gọi là chằm Hoàng Tử. Trên bờ chằm có các nơi thắng cảnh: như giếng uống nước, cái giường nằm, nhà đọc sách, ngoài thú ngâm vịnh, lấy sách vở làm vui.”(sdd, tập II, tr.193).

Trong sách “Vua Minh Mạng và viện Thái y triều Nguyễn” (Nhà XBTH,1998) hai tác giả Lê Nguyễn Lưu và Phan Tấn Tô chép việc Tùng Thiện công mua ruộng, làm nhà dựa vào Đại Nam chính biên liệt truyện: “Năm 1858, nhân mừng sinh nhật lần thứ bốn mươi của ông, vua Tự Đức ban quà và thơ. Ông tâu xin mua 12 mẫu ruộng thờ ở xã Dương Xuân, làm nhà ở gọi là Phương Thốn Thảo Đường (nhà cỏ vuông một tấc), chỗ chứa nước gọi là Hoàng Tử Pha (chằm hoàng tử)” (sđ, tr.29). Hơn nửa trang 29, hai tác giả viết về vụ Đoàn Trưng, rể trưởng của Tùng Thiện công, khởi nghĩa năm 1866, công được vua Tự Đức xử nhẹ bằng trừ bổng 8 năm. Hai tác giả công bố kết quả điền dã: “Suốt tám năm bị trừ bổng ấy, ông sống đạm bạc.

Đến thực địa

Theo hướng nghiên cứu điền dã, chúng tôi nghe kể gia đình ông lên Dương Xuân sửa sang ngôi chùa cổ Từ Lâm hoang tàn làm nơi cư ngụ, vợ con phải canh tác trồng cây quả đem ra chợ bán để độ nhật. Hiện nhà tăng của chùa còn nhiều liễn đối thuộc phủ Tùng Thiện, hậu liêu cũng thờ một số nhân vật liên quan. Có lẽ trong thời gian “thất sủng” này, tình cảm của ông đối với nhân dân lao động vốn đã không thiếu lại càng khắc đậm thêm” (sđ, tr.30). Hai đoạn trích dẫn trên, tuy các tác giả không khẳng định Phương Thốn Thảo đường được dựng gần chùa cổ Từ Lâm, nhưng cả hai nơi ở của gia đình Tùng Thiện công, thời công bị “thất sủng”, đều ở xã Dương Xuân nên người đọc nghĩ là gia đình Tùng Thiện công trong thời gian bị phạt bổng [1866,1873] đã lên Dương Xuân làm nông, họ sống ở Phương Thốn Thảo Đường và nhà tăng chùa cổ Từ Lâm.

Theo chúng tôi thì 12 mẫu ruộng, có dựng Phương Thốn Thảo đường của Tùng Thiện công không thuộc làng Dương Xuân trên đồi Dương Xuân ở Nam sông Hương mà thuộc làng Dương Xuân Bắc thuộc phường Hương Sơ (TP Huế).  

Ông Nguyễn Hữu Toàn (59 tuổi, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Hương Trà), có thân phụ là ông Nguyễn Đăng Phụng, ông nội là Nguyễn Đăng Thu và ông cố là Nguyễn Đăng Mẫn. Chính ông Nguyễn Đăng Mẫn là một người “quản gia” của phủ Tùng Thiện công. Tùng Thiện công từng bảo ông Mẫn hoặc chọn đất vườn ở quanh phần mộ của bà Thục Tần ở Dương Xuân (thượng) hay về coi sóc 12 mẫu ruộng thờ ở Dương Xuân (Bắc) . Ông Mẫn đã chọn về quản lý 12 mẫu ruộng thờ ở Dương Xuân (Bắc). Sau khi Tùng Thiện công trở lại lo việc ở Tôn Nhân phủ, ông Nguyễn Đăng Mẫn ở lại Phương Thốn Thảo đường để lo tổ chức canh tác 12 mẫu ruộng thờ. Ông Nguyễn Hữu Toàn còn nhớ mỗi mẫu ruộng thờ đều có đặt tên, dựng bia; tên chữ Hán các mẫu: Vô, Cô, Ứng, Lâm, Hoàng, Di, Luy, Hải, Trọng, Giáp,… Đặc biệt Thi Ông còn dựng bia đá Thanh, khắc bài minh, dựng đầu cống gạch, bắc ngang con hói dẫn nước vào chằm Hoàng Tử, để vào khuôn viên Phương Thốn Thảo đường. Hiện nay bia vẫn còn nhưng chữ đã mòn, còn cống gạch vẫn được ông Nguyễn Hữu Toàn giữ lại nhưng đã cho dựng một cầu nhỏ bằng bê tông trùm lên cống gạch. Theo ông Toàn, hai ông hoàng Tùng Thiện và Tuy Lý thường đi ngựa về đây để tổ chức ngâm vịnh những khi rảnh rỗi. Cha ông của ông Toàn 3 đời canh tác trên 12 mẫu ruộng thờ, dân gian gọi là ruộng ông hoàng, để cung cấp lương thực cho phủ Tùng Thiện và phủ Tuy Lý. 

Thông tin liên quan:
 

Hiện nay trên 12 mẫu ruộng thờ đã được xây dựng Trường PTTH Hương Vinh (phía trước chằm Hoàng Tử), phía tả Phương Thốn Thảo đường là Trung tâm y tế bệnh xã hội. Còn “ngôi nhà tranh vuông một tấc” đã thành nhà bê tông của ông Nguyễn Hữu Toàn, tuy nhiên ông Toàn vẫn bảo tồn các di vật của gia đình Tùng Thiện như bộ nồi đồng, sanh đồng, thau đồng, bàn, tủ gỗ, rương,…Việc phát hiện tấm bia với bài minh, dấu tích Phương thốn thảo đường, chằm Hoàng Tử, khoảng nửa số ruộng thờ của Thi ông Tùng Thiện là triển vọng đối với việc bảo tồn bảo tàng về di tích gắn bó với một nhà thơ nổi tiếng của Huế. Không những thế về mặt du lịch, nếu biết khai thác thì đây là một địa chỉ tham quan thú vị. Hơn nữa theo hướng “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nếu có đầu tư phục dựng chằm Hoàng Tử với các hạng mục kiến trúc làm bằng tranh, tre bên bờ chằm, làm nơi tổ chức “ngâm thơ, câu cá, hóng mát đêm trăng,…” cho Hội văn nghệ, cho khách du lịch trong các kỳ Festival Huế thì quá hay.

Trần Viết Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
Return to top