ClockThứ Tư, 20/07/2011 17:08

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 10

TTH - 2. Nhân đỉnh – Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên trái tượng trưng cho lòng nhân ái (Tiếp theo)

LIÊN HOA

5. Liên Hoa, tục danh hoa sen (27), còn có các tên hà hoa, thủy chi hoa, tịnh khánh hoa, lục nguyệt xuân, phù cừ. Loài hoa thường mọc ở những vùng nước ngập nhiều bùn lầy, nơi bùn lầy càng tanh hôi cây sen càng phát triển. Mặc dù sống ở chốn bùn đất như vậy, nhưng hoa của nó có sắc và hương rất riêng, hột của nó có mùi thơm dịu, hoa và hột cùng kết thành một lượt. Từ cổ xưa, hoa sen đã được các nền văn hóa của nhiều quốc gia chọn làm biểu trưng cho sự tinh khiết, cao quí, thể hiện khí tiết của bậc quân tử. Đặc biệt trong văn hóa Phật giáo, hoa sen có ý nghĩa tượng trưng rất sâu rộng. Phật Đà vốn được gọi là Nhân liên hoa (hoa sen trong loài người), không bị nhiễm bởi phiền não lo buồn thế gian, tuy sống ở thế gian nhưng không dính bụi trần dơ bẩn.
 
Hàm nghĩa của hoa sen phong phú, nên trong kinh điển Phật giáo thường dùng hoa sen làm vật phẩm cúng dường dâng lên Phật, Bồ Tát. Kinh A Di Đà chép rằng dân chúng ở thế giới cực lạc đều hóa sinh từ hoa sen, do vậy thế giới cực lạc được gọi là nước hoa sen. Trong kinh điển thường dùng hoa sen để ví với 32 tướng tốt của Đức Phật, ví dụ cho sự thù thắng của Pháp môn, trong đó nổi tiếng nhất chính là kinh Diệu Pháp Liên Hoa…
 
Hột sen được gọi là liên tử, bỏ vào nước ngọt thì chìm, bỏ vào nước mặn thì nổi, vì thế người nấu muối thường dùng hột sen để thử độ mặn. Củ sen gọi là liên ngẫu. Người ta đào củ sen luộc ăn. Còn hột sen nấu chín ăn hoặc để vậy ăn sống cũng được, lại có thể thay thế làm lương thực. Tim sen gọi là liên tâm dùng chữa chứng mất ngủ, tim đập nhanh. Người xưa nói, nhà tiên nhân trữ hột thạch liên và củ sen khô trải đến ngàn năm đem dùng làm thức ăn vẫn rất tuyệt diệu. Hoa sen, hột sen, và gồm cả cây sen đều có thể chế biến làm nhiều món ngon, nhất là món chay. Hột sen có nhiều dược tính được các nhà Đông y dùng làm thuốc bồi bổ, tăng sức, giảm nóng, trừ thấp, mụn nhọt, bổ tỳ, dưỡng tâm, trị chứng mất ngủ, di mộng tinh, cao huyết áp, băng huyết, thổ huyết, chảy máu cam, say nắng... Thực là một loài hoa ích lợi cả hình và tướng.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng hoa sen lên Nhân đỉnh.
 
Ở cố đô Huế, có giống sen trồng ở hồ Tịnh Tâm trong Thành Nội, ngon và thơm nổi tiếng, nhưng sản lượng ít, xưa kia chỉ được dùng cho hoàng cung. Ngày nay hột sen hồ Tịnh Tâm vẫn là thứ sen quí hiếm nhất nước.
 
(27). Một số sách chép là liên tử (hạt sen). Chúng tôi chép đúng chữ khắc trên Nhân đỉnh là liên hoa.
 
BÁO
 
 
6. Báo, tục danh con beo, động vật hoang dã, mới nhìn qua tương tự con “cọp nhỏ” có vằn như đồng tiền vàng. Lại có loại báo lửa, báo hoa mai, báo gấm; thuộc họ mèo, bộ ăn thịt, loại báo có thói quen sống ở vùng rừng thưa, hay thảo nguyên, chúng thường leo lên ở trên chạc ba của những cây to, nằm im quan sát chung quanh để rình mồi. Nó leo trèo giỏi hơn hổ, là loài vật có sức dũng mãnh. Nó cũng được tôn xưng là “chúa sơn lâm”. Thịt và xương đều có dược tính, được Đông y dùng để bồi bổ sức khỏe và trị được các bệnh xương cốt, da lông dùng trong mỹ nghệ trang sức có giá trị cao. Xưa rừng nước ta nhiều tỉnh đều có, nay do biến động nên cá thể còn lại rất ít.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con báo lên Nhân đỉnh.
 
HƯƠNG GIANG
 
 
7. Hương Giang, tức sông Hương, sông ở Thừa Thiên Huế; có hai nguồn lớn, đều phát nguyên từ rừng rậm chân dãy Trường Sơn. Nguồn Tả Trạch xuất phát từ mạch Động Dài và khe Sơn Ba chảy về phía tây bắc, khuất khúc qua 55 ngọn thác lớn nhỏ rồi mới đổ về ngã ba Bằng Lãng. Nguồn Hữu Trạch từ phía đông núi Chấn Sơn, chảy qua một chặng đồi núi, vượt 14 ngọn thác rồi mới nhập vào ngã ba Bằng Lãng tạo thành một dòng chính. Tại đây, lòng sông trở nên rộng rãi, nước chảy hiền hòa. Theo cách tính ngày trước thì từ đây trở xuống mới gọi là sông Hương, chảy về đông nam, chảy vòng quanh lăng Cơ Thánh (tức lăng Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế) đến phía đông núi Ngọc Trản, rồi lại chảy ngoặt sang phía bắc, qua ngã ba Long Hồ, lại chảy liền xuống ngã ba cầu Lợi Tế, chảy qua trước mặt Kinh thành Huế, qua ngã ba cầu Gia Hội, xuống ngã ba sông Bao Vinh. Từ đây, sông Hương chuyển hướng đông bắc để hội lưu với sông Bồ tại ngã ba Sình và cứ thế dòng sông mở rộng thêm, rồi êm đềm chảy đến bến Thai Dương, qua phía nam thành Trấn Hải, đổ ra cửa Thuận An, dài khoảng 28 cây số. Trên dòng chính có các nhánh sông nhỏ về phía nam với ba ngả: sông Lợi Nông, sông Thiên Lộc (Thọ Lộc) dân gian quen gọi là Như Ý và sông Phổ Lợi. Đoạn sông chảy ngang trước mặt Kinh thành Huế vừa là minh đường vừa như một dải lụa mềm ôm lấy khuôn mặt dịu hiền và kiêu sa của chốn Kinh kỳ.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng sông Hương vào Nhân đỉnh; đời Thiệu Trị, ngự chế thơ “Thần Kinh nhị thập cảnh”, trong đó có bài “Hương Giang hiểu phiếm”, (Buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương) khắc vào bia đá, dựng nhà bia ở bờ sông cạnh Nghinh Lương Đình; năm Tự Đức thứ 3, 1850, đăng liệt vào hàng sông lớn trong điển thờ. Trải qua năm tháng, thời thế thay đổi, sông Hương còn có các tên: sông Lô Dung, sông Dinh, sông Linh Giang, sông Kim Trà, sông Phú Xuân, Tiêu Kim Thủy, sông Trường Tiền, sông Huế… Với những tao nhân mặc khách, văn nhân thi sĩ thì sông Hương còn được gọi: con sông tình yêu, sông tím nhân loại, dòng sông thi ca, dòng sông mở nước, sông thạch xương bồ... Người xưa nói: nước sông Hương đang trong trở đục là báo điềm xấu, còn đang đục trở trong dự báo điềm lành. Không biết thực hư thế nào?
 
Sông Hương là báu vật vô giá của thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất xứ Huế và Tổ quốc Việt Nam. Con sông dùng dằng thướt tha này đã tạo nên sự cảm xúc vô tận của biết bao văn nhân nghệ sĩ trải qua nhiều thế kỷ nay.
 
(còn nữa)
 
Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top