ClockThứ Năm, 01/09/2011 05:14

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 13

TTH - 2. Nhân đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên trái tượng trưng cho lòng nhân ái – (Tiếp theo)

Kỳ Nam

15. Kỳ Nam, là một loại chất gỗ thơm chứa rất nhiều dầu, màu đen có vân, nhai thì dẻo và đắng, đốt cháy ra dầu có mùi thơm kỳ lạ. Tinh chất cũng được tìm thấy ở thân cây dó bầu, nghĩa là trong một thân cây dó bầu, thường có nhiều trầm hương và có thể có một ít kỳ nam. Người xưa ví trầm hương với kỳ nam như thủy tinh đối với ngọc thạch vậy.
 
Người ta cho rằng gỗ trầm biến thành kỳ nam là do những phân chim rơi xuống ở những chạc ba làm cho cành cây bị bệnh. Ở những chỗ cây bị bệnh ấy, chất dầu tụ lại nhiều hơn, để chống chọi với chứng bệnh và do đó sinh ra kỳ nam. Cũng có người nói rằng, sự kết thành kỳ nam là do một thứ nấm làm cho chất gỗ nhẹ dần, thay màu sắc và tụ tập chất dầu lại nhiều, sự hội tụ dầu như vậy rất là bất thường. Nó có thể ở phía dưới thân cây, gần gốc cây, ở chạc ba cành cây hoặc có khi chạy xuống đến tận rễ. Người đi trầm (người đi điệu) phải làm cho cây bị thương tích như chặt vào đấy vài nhát. Hoặc có khi do những con thú lớn như voi, cọp, trâu, bò rừng cọ vào làm cho cây bị thương tích. Ngay chỗ cây bị thương ấy dầu bắt đầu tụ lại và dần dần thay hẳn tính chất của gỗ mà thành kỳ nam. Như vậy chất kỳ nam bạ vào thân cây, ở phía ngoài, và dính một phần ở phía vỏ, gọi là kỳ bì. Khi chất dầu tụ ở gốc cây hay ở rễ lớn thì thành ra trầm. Nếu chất trầm này có lỗ và lởm chởm thì gọi là trầm mắt kiến. Nếu chất dầu mới bắt đầu tụ lại ở vài nơi khác, làm thành một thứ gỗ thơm có vài chấm đà, thì gọi là tốc. Khi nào sự kết tụ dầu đủ mức độ, thì cây dó già rụi và chết, lúc bấy giờ thân cây tự nhiên mục và hủy hoại rất mau, chỉ để lại những khúc trầm và những miếng kỳ nam quí hiếm.
 
Kỳ nam là loại dầu tự nhiên rất đặc biệt của cây dó bầu, có dược tính đa dạng và cao cấp; kỳ nam lấy ở cành cây càng quí hơn. Theo Đông y, người phụ nữ có thai nên tuyệt đối kiêng tránh, không uống hoặc mang theo trong người vì hơi của nó có thể làm bị sẩy thai. Người ta dùng kỳ nam để làm thuốc trị cảm, phong, kiết lỵ, trợ tim, có tính bổ dương, ngăn tiêu hao nguyên khí; dùng làm dầu chống nắng, trị các vết muỗi cắn. Những người mộ đạo còn dùng những gốc trầm to để tạc tượng Phật, tượng Thánh để thờ tự. Người Hồi giáo ở xứ sa mạc, những nơi nắng nóng thường dùng nhiều dầu kỳ nam.
 
Năm 1830, triều đình đặt hộ trầm hương ở tỉnh Phú Yên, sai mộ dân sung vào. Mỗi năm người trong hộ nộp thuế 1 cân trầm hương. Phàm lấy được kỳ nam phải đem nộp hết cho quan, tính trừ vào thuế. Ai giấu hay bớt thì có tội.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng cây dó lấy dầu kỳ nam lên Nhân đỉnh.
 
Nam Hải
 
 
16. Nam Hải, chỉ vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền nước ta. Trong vùng biển này có nhiều hòn đảo, như đảo Đại Kim, Mãnh Hỏa, Nội Trúc, Phú Quốc, Thổ Châu… Trên một số đảo này có nhiều loại cây mọc tự nhiên cho dược liệu quí. Riêng đảo Phú Quốc gồm đủ các các loài động, thực vật phong phú như trong đất liền. Biển phía Nam nhiều tài nguyên, lắm hải sản có giá trị kinh tế cao và cực ngon. Theo Đại Nam nhất thống chí, thời còn tranh chấp với nhà Tây Sơn, một số đảo này được xem là căn cứ ẩn náu của chúa Nguyễn Vương.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng biển Nam vào Nhân đỉnh.
 
Ngô Đồng
 
 
17. Ngô Đồng, các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng có người đem từ Quảng Đông về trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Sau nhà vua thấy cây nở hoa sắc đẹp, liền sai binh biền lấy lá của nó làm mẫu rồi lên các vùng núi trong nước để tìm, khi tìm được, đem về trồng ở các góc điện trong Đại nội. Kinh Thi nói rằng:“Ngô đồng sinh hỹ, vu bỉ triêu dương” cây ngô đồng sinh ở phía mặt trời mọc, tức cây này. Lại nói rằng chim phượng (loài chim khôn) chỉ chọn cành ngô đồng để đậu. Ý nói tôi hiền chọn minh quân mà thờ. Sở dĩ có tính cách như vậy, nên cây ngô đồng được người xưa xem như bậc quân tử. Có một loại tương tự tên là sấn ngô; tức vinh đồng mộc; gỗ dùng làm nhạc cụ có âm thanh rất hay.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây ngô đồng vào Nhân đỉnh.
 
(còn nữa)
 
Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top