ClockThứ Tư, 14/09/2011 21:32

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 14

TTH - Chương đỉnh – Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên phải tượng trưng cho ánh sáng

Kê, tục danh con gà có nơi là con ca, lại gọi con qué. Loài gà thì nòi giống rất nhiều, nơi nào cũng có. Nhưng ở đây ẩn nghĩa chữ kê này chỉ con gà trống có cựa. Giống gà trống tính hay gáy báo giờ rất ích lợi với người dân quê. Không những thế, con gà trống còn được chọn dùng làm phẩm vật chính cúng tổ tiên, dâng lên trong các lễ hiến tế thần linh; từ xưa, người ta thường lấy xương chân gà để dùng vào việc bói quẻ lành dữ. Cho nên gà trống còn được xem là loài linh cầm, con vật mang lại đại cát, đại lợi, bình an. Ngạn ngữ có câu: “Ếch tháng ba, gà tháng mười” chỉ món ăn ngon và bổ nhất vào mùa đông. Trong địa chi 12 con giáp, gà (dậu) được xếp đứng hàng thứ mười.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con gà trống vào Chương đỉnh.
 
Linh Quy
 
Linh Quy, còn có tên là thái, hoặc Linh thái; tục danh con rùa thiêng; thiêng vì ngày xưa người ta thường dùng nó vào việc bói toán có tính cách thiêng liêng huyền nhiệm, gọi là bói rùa. Có sách chép là thủy qui tức rùa nước(30) (để phân biệt với loại rùa sống ở núi và biển), còn gọi là huyền y đốc bưu; xưa kia sông ngòi nước ta chỗ nào cũng có, nó rất dễ sống. Rùa đẻ trứng, lúc nào cũng ấp; nó thở hơi bằng tai; con đực con cái giao hợp bằng đuôi; sách Đại Nam nhất thống chí nói rằng: “cũng có khi rùa giao cấu với rắn”. Mai rùa làm thuốc có công dụng bổ âm và chữa được bệnh ho, sốt rét. Người ta lễ bằng vảy rùa để chữa bệnh ho và sốt. Rùa là con vật sống lâu, có sức chịu đựng dẻo dai, biểu tượng cho việc trường thọ. Trong các ngôi chùa, ta thường thấy nó cõng trên lưng con hạc thờ, ngoài đình thì gánh cả tấm bia đá nặng trĩu, nên có câu: “Thương thay thân phận con rùa / Trong chùa đội hạc, ngoài đình đội bia”. Rùa được xếp trong nhóm tứ linh (long, lân, qui, phụng). Theo Kinh Dịch, sử truyền rằng vua Vũ nhà Hạ trị thủy thành công được trời ban cho con rùa thần, trên mai có 9 chữ số. Vua Vũ nhân đó đặt thành chín mục và gọi là Lạc Thư. Chín mục, đó là Cửu trù của Hồng phạm, tức là phép lớn cai trị thiên hạ; là bản tóm tắt nền minh triết Trung Hoa cổ đại. Nó là thiên cảo luận triết lý có trước nhất trong lĩnh vực triết Đông bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh quan. Dựa vào đấy, người ta dùng con rùa để bói gọi là bốc. Bốc vốn có nghĩa “vấn qui” tức “hỏi rùa”, hỏi sự hung cát bằng con rùa. Sau người ta thay con rùa sống bằng mai rùa để bói. Con rùa trở thành vật linh... Những người tu hành hay tín đồ theo đạo Phật kiêng ăn thịt rùa. Những lúc làm lễ phóng sinh, người ta thường chọn rùa để thả (ngày nay có thể dùng ba ba để phóng sinh thay rùa). Theo các nhà phong thủy, những nơi có rùa (long, lân, qui, phụng) sống tự nhiên lâu năm thường được xem là “huyệt đạo” chính của mạch đất linh.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con rùa vào Chương đỉnh.
 
Theo Sách đỏ Việt Nam, họ nhà rùa đông đúc còn có giống rùa đầu to, rùa hộp trán vàng, rùa hộp lưng đen, rùa hộp ba vạch, rùa đất lớn, rùa răng, rùa núi vàng, rùa núi viền... đều có giá trị cao về kinh tế và dược liệu quí.
 
Do bản tính chậm chạp “chậm như rùa” nên ngày trước những người đi làm ăn xa khi xuất hành khỏi nhà gặp rùa thường kiêng, có câu: “Gặp rắn thì đi, gặp qui thì về” là vậy.
 
(30). Nhiều sách chép là thủy qui (rùa nước), hải qui (rùa biển), sơn qui (rùa núi) chúng tôi chép đúng chữ trên Chương đỉnh là linh qui (rùa thiêng).
 
Tây Hải
 
Tây Hải, chỉ vùng biển nằm về phía Tây thuộc chủ quyền nước ta; ở đây là vùng biển giáp với vịnh biển Thái Lan. Biển phía Tây có nhiều tài nguyên, nhất là những động vật sống dưới đáy biển. Hải sản vùng biển này rất phong phú, đa dạng. Vùng biển phía Tây ít gặp phải những cơn bão mạnh như biển ở phía Đông, bởi nó được các mũi đất liền che chắn và chịu ảnh hưởng khí hậu của vịnh biển Thái Lan, kín gió, ấm áp, rất thuận lợi cho sự sinh sống của các loài rong tảo thảm thực vật nhiệt đới dưới đáy biển. 
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng vùng biển phía Tây lên Chương đỉnh.

(Còn nữa)

Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top