ClockThứ Năm, 29/09/2011 04:09

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 15

TTH - Chương đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên phải tượng trưng cho ánh sáng

 Giới

Giới, tục danh là củ kiệu, còn gọi là hỏa thông, hay thái chi, thuộc họ hành. Nó là một thứ cây rau củ, có thể dùng khi tươi cả lá và củ làm gia vị, có thể phơi qua nắng để muối, hoặc chế biến làm mắm để ăn rất ngon. Những người tu hành không hay dùng vì mùi hăng qua hơi thở. Theo các nhà Đông y, dược tính của nó dùng làm thuốc rất lợi tiểu và chặt ruột. Vùng miền Trung nước ta trở vào Nam trồng nhiều. Các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trở vào Quảng Nam có giống kiệu ngon hơn cả. Đây là một loại rau củ, một thứ sản vật thơm tho của đất đai nước Việt.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng củ kiệu vào Chương đỉnh.
 
Tê, tục danh con tây ngu, hay tê ngưu, còn gọi muông tê, tức con tê giác, thuộc bộ ngón lẻ. Người xưa mô tả tê ngưu như sau:Con tê giác hình dáng như con trâu, đầu lợn, bụng to, chân ngắn, chân có ba móng sắc đen, có ba sừng, một sừng ở đỉnh đầu, một sừng ở trên trán và một sừng ở trên mũi, sừng trên mũi tức sừng để ăn. Cũng có loài chỉ có một sừng; giống tê ba sừng gọi là thủy tê, giống tê hai sừng gọi là sơn tê. Có sách chép là tỷ, tức là giống tê một sừng, giống này nặng hàng ngàn cân, như con đa ngưu, da rất cứng và bền, có thể chế áo giáp trang bị cho binh lính. Cổ ngữ có nói: giống tê trông lên mặt trăng mà mọc sừng. Lại nói sừng tê có vằn như hình trứng cá, gọi là túc vằn, giữa vằn có mắt, gọi là mắt thóc (túc nhãn); sừng nào giữa đen có hoa vàng là chính thấu, giữa điểm vàng có hoa đen là đảo thấu, giữa hoa lại có hoa gọi là trùng thấu, là hạng thượng phẩm; sừng có vằn như hột tiêu hột đậu là hạng thứ nhì; sừng đen tuyền không có hoa là hạng kém. Sừng tê giác có thể mài thành bột dùng làm thuốc rất quí, chữa trị được khá nhiều bệnh nguy hiểm, cấp tính, tăng cường sinh lực, bổ âm dương, chữa bệnh yếu chân tay, nên giá rất đắt. Da của nó là một món ăn ngon và là món cực bổ trong bát trân, lại có thể bào chế thuốc chữa được rắn độc cắn. Nơi nó sống thường là thung lũng ẩm ướt trong rừng già có độ cao tương đối. Tê giác quen sống độc thân, tuy to lớn nhưng di chuyển nhanh nhẹn, vùng hoạt động khá rộng. Trong thiên nhiên chúng không có kẻ thù, không cạnh tranh với các loài thú khác. Giống tê giác, thích ăn thực vật có gai, khi uống thì quậy cho đục nước mới uống. Tê giác là loài thú rất quí của rừng xanh nước ta.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng con tê giác vào Chương đỉnh.
 
Ngày trước nhiều cánh rừng thấp ở các tỉnh của Việt Nam đều có tê giác sinh sống. Hiện nay do môi trường sống bị xâm hại, lại vừa trải qua chiến tranh, rừng bị tàn phá nhiều, một phần do khai thác bừa bãi, một phần bị săn bắn trộm nên loài tê giác gần như chẳng còn lại mấy; do vậy mà nòi giống cá thể của chúng đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam cần phải bảo vệ khẩn cấp.
 
Nhờ có chính sách tốt, môi trường bình yên, mấy năm gần đây người ta lại phát hiện ra ở vườn quốc gia Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng có một số cá thể tê giác một sừng, rất quí lại xuất hiện.
 
Linh Giang
Linh Giang, tức con sông Linh, thường gọi sông Gianh; sông ở cách thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch chừng vài cây số về phía nam, bờ phía bắc thuộc huyện Quảng Trạch, bờ phía nam thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nước sông quanh năm trong xanh nên còn có tên là sông Thanh Hà, lòng sông rộng trung bình khoảng 680 mét, đoạn rộng nhất hơn 1.000 mét, từ nguồn đổ về tận cửa biển dài khoảng 160 cây số, phát nguyên từ ba nguồn: một nguồn từ núi Thanh Lãnh ở về địa giới huyện Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh chảy qua huyện Tuyên Hóa, do cửa Kiện Khê đến sông La Hà; một nguồn từ các núi Kim Linh chảy xuống qua núi Cao Mại, sông hơi sâu và rộng, đến xã Yên Lễ thì hợp lại với sông La Hà; một nguồn từ nguồn Son An Náu chảy về phía đông qua huyện Minh Hóa nhập vào sông La Hà, rồi từ đây đổ ra biển tại cửa Gianh. Dọc hai bên bờ sông từ đầu nguồn trở xuống toàn là núi đá vôi.

Hồi Nguyễn Hoàng nương theo lời sấm Trạng Trình, năm 1558 ông nhận lệnh vua Lê mới vào trấn thủ, khai phá Đàng Trong, ông lấy địa thế Hoành Sơn và sông Gianh mà hoạch định chiến lược, sau khi ông mất vào năm 1613, được một thời gian, người con trai của ông là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nhân cớ chúa Trịnh Tráng sai tướng đem quân vào đánh, ông bèn đối đầu với Đàng Ngoài, lấy sông này làm giới hạn, cho nên có tên "Nam Hà - Đàng Trong" và "Bắc Hà - Đàng Ngoài" để hai họ Trịnh - Nguyễn phân tranh, cát cứ hai miền, rạch đôi sơn hà từ buổi ấy và kéo dài hơn hai trăm năm sau. Lại gần cửa biển, quen gọi cửa Gianh, sóng gió dữ dội, hai bờ cách trở như hào rãnh của trời, cùng với lũy Nhật Lệ làm thế hiểm yếu trong ngoài. Trước kia người phương Bắc đạp đất phía Nam, khi qua sông Gianh, họ có câu ca rằng: "Mạnh khôn vượt được Thanh Hà / Dẫu rằng có cánh khó qua lũy dài", ý nói sông núi ở đây hiểm trở, khó vượt qua được.

Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, lấy hình tượng sông Gianh khắc vào Chương đỉnh; năm Thiệu Trị thứ 4, dựng bia đá ở bờ phía nam; đầu triều Tự Đức chép vào điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế.
 
Sông Gianh có nhiều loài tôm, cua, cá giá trị dinh dưỡng cao và ngon thơm một vùng.
 
Những năm kháng chiến vệ quốc, dưới mưa bom bão đạn, vượt qua được sông Gianh, người lính như đã vào mặt trận. Con sông Gianh linh thiêng kỳ vĩ chảy trên mảnh đất Quảng Bình từng ghi bao chiến tích anh hùng một thời chống Mỹ cứu nước.
 
(còn nữa)
 
Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top