ClockThứ Năm, 27/10/2011 05:53

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 17

TTH - Chương đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên phải tượng trưng cho ánh sáng

Mông Đồng Thuyền

12. Mông Đồng Thuyền,tức loại thuyền có nhiều tay chèo được chế tạo dưới triều vua Gia Long, Minh Mạng. Có tài liệu nói rằng, thời Nguyễn sơ, nhà vua cho mua một loại tàu của châu Âu, đem về tháo ra, mô phỏng lại, Sở Võ khố chọn người cứ theo vậy mà đóng thành loại thuyền đồng này?

Thuyền mông đồng là loại phương tiện thủy chiến khá “hiện đại” dưới thời Minh Mạng, đi sông lớn và ven biển rất tiện lợi. Đây là loại thuyền dùng cho thủy binh, đánh dấu thành tựu đóng thuyền đồng của Việt Nam ở thế kỷ XIX.

Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng loại thuyền mông đồng lên Chương đỉnh.

Lợi Nông Hà

13. Lợi Nông Hà, tức sông Lợi Nông, còn gọi sông Phủ Cam, sông An Cựu, ở phía bắc huyện Hương Thủy - nay thuộc thành phố Huế; cửa sông bắt nguồn từ đông nam xã Phú Xuân (nay là phường Vĩnh Ninh) ở bờ nam sông Hương đoạn gần cầu sắt cồn Dã Viên, chia nước từ đây chảy theo hình vòng cung ôm lấy phố xá rồi về hành cung Thần Phù, lại chảy qua hành cung Thuận Trực, đổ vào phá Hà Trung. Nguyên xưa: một dải ven sông, ruộng đất có hàng ngàn vạn mẫu, quanh năm là nước mặn, mùa lụt hay ngập úng, năm Gia Long thứ 13, xa giá ngự đến xã Thanh Thủy, xem xét hình thế, nhà vua cho triệu phụ lão đến hỏi và dụ bảo việc đào sông, dân trong vùng thưa rằng: “Khai đào con sông này thật là lợi cho nông dân”, nhà vua bèn sai quan quân đốc thúc dân binh khai đào. Lại sai đặt cửa đập ở hạ lưu Thần Phù để ngăn nước mặn. Sông được đào nhiều năm mới thành. Từ đấy vùng đất này trở thành màu mỡ, thu được mối lợi rất nhiều.

Nguyên tên sông An Cựu, năm Minh Mạng thứ 2, 1821, đổi thành tên Lợi Nông (làm lợi cho nhà nông, và ban khẩu dụ rằng: Đã có danh thì hãy lo lấy phận), phíatrên và phía dưới cửa sông đều có dựng mốc đá để ghi dấu.

Lợi Nông là con sông đầu tiên do triều Nguyễn khai đào ở Huế và Việt Nam. Khởi đào từ năm Gia Long thứ 13, 1814.

Sông Lợi Nông lấy nước từ sông Hương tưới cho đồng ruộng của huyện Hương Thủy, và là hào rãnh bảo vệ mặt nam của Kinh thành, nó còn có chức năng cân bằng độ nhiệt cho thành phố Huế, tạo nên vẻ duyên dáng trong bố cục kiến trúc ở hai bên bờ sông. Thành phố Huế cổ kính và đẹp hơn cũng nhờ có một phần của con sông này. Sông An Cựu nổi tiếng khắp đất nước bởi có đặc điểm “nắng thì đục, mưa thì trong”, và những tiếng ngâm, đàn ca Huế về đêm trên những con đò.

Dưới thời Huế còn là Kinh đô, hai bên bờ sông Lợi Nông có nhiều dinh cơ phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, đình thờ, miếu mạo được dựng lập, hưởng cơn gió trong lành theo thủy mạch Lợi Nông tạo ra. Những đêm trăng thanh trên dòng sông này thuyền bè xuôi ngược, dào dạt âm điệu thơ ca ngân vọng.

Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình sông Lợi Nông lên Chương đỉnh.

Dưới dòng sông này, trước đây mấy chục năm còn có “một xã hội” được gọi là các vạn đò Lợi Nông, An Cựu, Phủ Cam, Bình Linh sinh sống đông đúc bằng nghề sông nước, nay thì phần lớn cư dân thủy diện đã lên bờ định cư đổi đời.

Am La

14. Am La, còn đọc yêm la; tục danh quả xoài. Có hai loại nhỏ và lớn, thường gọi là hương cái, đầu đời Minh Mạng cho tên là mông, cây rất lớn, lá như lá chè mà dày; lá non ăn được; có vị chua, quả to bằng cái chén, hơi dài và dẹt, chín vào tháng 5 tháng 6, thịt mềm, sắc vàng tươi, vị rất ngọt thơm, thật là phẩm quí ở phương Nam. Vân Đài loại ngữ của Lê Quí Đôn chép rằng: tục truyền năm nào xoài sai quả thì ngũ cốc mất mùa, xoài ít quả thì ngũ cốc được mùa. Ứng với thời tiết điều này cũng có linh nghiệm. Xoài mọc nhiều ở Quảng Nam và Bình Định, nhưng từ Phú Yên, Khánh Hòa trở vào thì nhiều hơn. Một loại quả ngon, trước đây thường dùng để tiến vào cung vua. Lại có loại gọi là xoài cơm, xoài cát, xoài tượng.

Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây xoài có quả vào Chương đỉnh.

(còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top