ClockThứ Tư, 23/11/2011 20:21

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 19

TTH - Anh đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên trái tượng trưng cho sự hiển đạt

Mai Khôi Hoa

2. Mai Khôi Hoa, tức hoa hồng, còn gọi là hoa thích mai, hoa bút đầu, nguyệt quý, có nơi lại gọi hoa bồi hồi, gồm đủ cả hương và sắc. Có loại hương diệp mai khôi trồng nhiều ở xứ Tây Dương, vì nó có đặc tính hoa không thơm mà lá lại thơm nên gọi tên ấy(31).

Hoa hồng được giới đàn ông sống ở mọi nơi trên trái đất này ví như “người phụ nữ kiều diễm”, nên nó được chọn làm biểu tượng của tình yêu đôi lứa, là tiếng nói của con tim yêu thương.Ở Việt Nam có rất nhiều giống hoa hồng; vì lối kiêng tránh tên vua Tự Đức (Hồng Nhậm) nên người Huế quen gọi bông hồng bông hường. Hoa hồng có các loại màu sắc như hồng trắng, đỏ, hồng phấn, hồng nhung, hồng vàng, hồng cam...

Thơ vịnh Tây Dương mai khôi của vua Minh Mạng có dẫn nói: hoa này xuất xứ ở Tây Dương, tiếng Tây gọi là đô da hay đô úc, cành lá không khác thứ hoa thường, duy bề cao hơn 4 thước, hoa tươi đẹp bội phần hơn các thứ hoa khác và có mùi thanh hương khả ái, tuy có nhiều mà không chán, cho nên người Tây dùng để nấu làm dầu, đun hấp lấy nước thơm, bán khắp gần xa, ai cũng ưa dùng. Ngoài ra, theo các nhà Đông y, hoa hồng còn có nhiều dược tính được dùng chế làm thuốc chữa bệnh của phụ nữ như: kinh nguyệt không đều, thống kinh, băng huyết, bạch đới. Đặc biệt, hoa hồng trắng là một vị thuốc chữa bệnh ho cho trẻ em rất có hiệu quả.

Cứ theo như trên thì từ xa xưa giống hoa này đích thực là thứ hoa được nhập giống từ nước ngoài vào rồi, và nay đã thuần hóa ở Việt Nam như chính xứ sở của nó.

Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng hoa hồng vào Anh đỉnh.

Hiện nay, hoa hồng không chỉ có dân gian ưa dùng, mà trong các nhà chùa thờ Phật, đặc biệt là chùa sư nữ, hoa hồng vẫn được dùng để cúng dường lên chư Phật, Bồ Tát.

Hình ảnh hoa hồng đủ cả sắc và hương đã làm rung động bao tâm hồn văn nhân, nghệ sĩ nên nó đã đi vào thơ ca, nhạc họa từ ngàn xưa. Người Nga có một bài hát Triệu triệu bông hồng rất hay, để ngợi ca về loài hoa tuyệt diệu này. Xứ Bungari có nhiều loại hoa hồng nổi tiếng thế giới, nên được mệnh danh là “đất nước hoa hồng”.

Hoa hồng thật sự là loài hoa đáng được trân trọng trên khắp hành tinh này.

(31). Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phiên là hoa văn côi?

Tử Mộc

3. Tử Mộc, tục danh cây gỗ kiền kiền (32), còn gọi là mộc vương, chất gỗ cứng bền, lâu hỏng, ngày trước người ta lấy để làm áo quan chôn sâu dưới đất hàng trăm năm không hư. Kiền kiền có ba loại: cây thớ trắng gọi là tử, thớ đỏ gọi là thu, thớ vàng gọi là ỷ; lá cây kiền kiền dùng làm thuốc trị các chứng bệnh lở loét rất có hiệu quả. Rừng dưới chân núi Trường Sơn từ Thừa Thiên Huế trở vào Lâm Đồng, các tỉnh đều có. Kiền kiền là loại gỗ cực tốt, bền lâu, có nhiều công dụng, dùng được rất nhiều trong việc xây dựng đình chùa, nhà cửa, đóng đồ thờ và gia dụng...

Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình cây gỗ kiền kiền vào Anh đỉnh.

(32). Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phiên chép là cây gỗ thị?

Hồng Sơn

4. Hồng Sơn, tức núi Chim Hồng, do tích có nhiều chim hồng ở nên có tên vậy, lại gọi là Hồng Lĩnh, núi đứng chân ở giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh, mạch núi từ Trà Sơn kéo đến, hình thế hùng vĩ, trông rất đẹp. Tương truyền dãy núi này có 99 ngọn, trong ấy có: ngọn Am, cao vót chọc trời, mây mù bao phủ, phía tây có hồ rất sâu, phía nam hồ có hang động, có thể chứa được vài ba trăm người, dưới động có đá như hình người ngựa; lại có ngọn Lận, phía nam có hồ, nước hồ chảy về phía bắc đổ vào sông Lam. Ngày xưa khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Bảng nhãn Trần Bảo Tín người huyện Nghi Xuân, bỏ quan về ẩn ở Cù Sơn, tức núi này, nên lại gọi là Trần Sơn. Lại có ngọn Sư Tử, sườn núi có suối bay, theo vách đá mà chảy xuống, xói đá thành vực, cửa vực có phiến đá trắng vắt ngang, tục gọi là “Dục tiên kiều” (cầu tiên tắm), bên cạnh có tảng đá đứng sững như hình mũ phác đầu, cầu mũ tai mũ đều có đủ, nên gọi là vực Đầu Cận. Lại có ngọn ??ng D??ng, Đông Dương, cũng gọi là ngọn Hương Tích rất cao, hễ mây phủ tầng tầng là mưa, không bao giờ sai. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am bằng đá gọi là am Thánh Mẫu, dựng từ đời Trần. Ngày xưa có chùa gọi là chùa Hương Tích (nay đã dựng lại), trước chùa có suối chảy ra, thông trúc um tùm, là danh lam thứ nhất ở vùng Hoan Châu xưa. Lại có ngọn Hồ Trung, trên có hai khối đá lớn, đứng sừng sững hai bên hướng vào nhau, ở giữa là hồ, nước rất trong và thơm. Lại có ngọn Thiên Tượng ở phía tây, sườn núi có khối đá giống hình con voi, nên gọi tên thế, núi còn có chùa gọi là chùa Thiên Tượng. Chùa này cùng chùa Hương Tích đều là thắng cảnh, cho nên nói đến danh lam Hồng Lĩnh tất phải kể Hương Tích và Thiên Tượng.

Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng núi Hồng Lĩnh này vào Anh đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 3, khi ngự giá Bắc tuần nhà vua có làm thơ vịnh, khắc vào bia, dựng nhà bia ở phía trái đường đi (bài thơ này có chép trong Thánh chế thi tập); năm Tự Đức thứ 3, nhận núi Kim Nhan là danh sơn của Nghệ An, núi Hồng Lĩnh là danh sơn của Hà Tĩnh được ghi vào điển thờ.

Dưới chân dãy Hồng Lĩnh, rất nhiều anh hùng tuấn kiệt của đất nước, đời nào cũng xuất hiện làm rạng danh sơn hà xã tắc. Chẳng hạn họ Nguyễn Từ, họ Nguyễn Công ở làng Uy Viễn, hay như họ Nguyễn làng Tiền Điền của đại thi hào Nguyễn Du, mà phong dao xưa đã đúc kết:
 
“Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây,
 
Sông Lam hết nước, họ này mới hết quan”...
 
Quả nhiên đúng vậy. Nhân tài đất Hồng Lĩnh ken dày khắp đất nước.
 
(còn nữa)
 
Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top