ClockThứ Tư, 13/04/2011 21:56

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 3

TTH - 1. Cao đỉnh - đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại

THIÊN TÔN SƠN

 
4. Thiên Tôn Sơn, tức núi Thiên Tôn, còn gọi là núi Triệu Tường, núi Am, ở tỉnh Thanh Hóa. Núi Thiên Tôn nằm về phía tây bắc huyện Hà Trung (huyện Tống Sơn cũ); trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang (nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc), có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim của nhà Nguyễn, và lăng Đức Bà (vợ của Nguyễn Kim) cũng táng gần đó. Mạch núi này chạy từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, rồi nổi lên 12 ngọn liền nhau, cỏ cây xanh tốt trông như gấm vóc; ở phía đông bắc núi Thiên Tôn có dãy Tam Điệp, rồi đến núi Thần Phù chạy dài ở phía trái; ở phía tây có núi Điều Doanh, núi Trạch Lâm, núi Trang Chữ chạy vòng ở phía phải. Nguồn nước từ khe Rồng rót xuống Tống Giang, lượn vòng ở đằng trước, người xưa gọi là núi Am, núi Triệu Tường. Năm Minh Mạng thứ 2, 1821, vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chứa chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần”; núi Thiên Tôn còn được thờ theo vào đàn Nam Giao, ở Kinh đô Huế. Cùng giữa năm ấy, vua Minh Mạng ngự giá bắc tuần, thân đến yết Nguyên miếu Triệu Tường, bái vọng thần núi Thiên Tôn. Lễ xong, vua nói rằng: “Trẫm trông núi Kiều (ví sự nghiệp của Nguyễn Kim cao cả và huyền diệu như núi Kiều ở Trung Quốc) nhớ đến công đức tổ tiên. Sau khi hồi loan, sẽ soạn văn dựng bia để tỏ rõ từ đâu gây nghiệp lớn, truyền lâu dài hàng ức vạn năm”. Núi Thiên Tôn được các nhà phong thủy xem như là ngọn núi thiêng phò tá linh địa phát tích quần hùng nước Việt, mà sau này xem ra có phần đúng là họ Nguyễn Phúc. Năm 1835, vua Minh Mạng cho xây thành bao ngoài khu Nguyên miếu, phái quân canh phòng, hộ vệ nghiêm ngặt. Lại xây thêm công đường, nhà cửa, để làm nơi quan quân đóng giữ, đặt tên thành Triệu Tường.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, khắc hình tượng núi Thiên Tôn vào Cao đỉnh, lại cho liệt vào hàng danh sơn nổi tiếng, chép trong điển thờ, hàng năm phái quan đến tế thần núi.
Có tư liệu nói rằng, vào cuối năm 1788, vua Quang Trung từ Phú Xuân dẫn đại binh ra bắc đuổi quân xâm lược nhà Thanh; trước lúc đánh vào Thăng Long, ông đã cho lập đại bản doanh ở vùng núi này để cũng cố lực lượng, tổng duyệt binh mã lần cuối, dựa dãy Tam Điệp hùng vĩ cách đấy một đoạn về phía bắc để làm lễ tế cờ; trước tam quân trăm họ, nhà vua dõng dạc tuyên bố, phải quét sạch quân xâm lược nhà Thanh ra khỏi bờ cõi, giải phóng giang sơn, và với quyết tâm rất cao để giành thắng lợi cũng chỉ độ mấy ngày. Quả nhiên sau đúng vậy. Người am tường binh pháp nói rằng, chiến công oai hùng ấy của vua Quang Trung đã được sơn thần ở Thanh Hóa và Tam Điệp linh thiêng phù trợ.
 
 TỬ VI HOA
 
5. Tử Vi Hoa, tục danh là hoa tử vi, còn gọi hoa phạ dưỡng. Người Trung Quốc gọi là hồng vi hoa, bá tử kinh, ngũ lý hương... Hoa có mùi thơm dịu, phảng phất nhẹ nhàng và thường nở vào mùa thu. Cây có đặc tính hay “nhột”, hễ lấy tay cạo ngoài da cây, thì trên ngọn cây lại rung động. Vì hoa vốn nở thành chùm dài hơn 10cm, sáu cánh rời nhau, phiến hoa quăn và uốn lượn ở mép, lại giữ được tươi lâu, nên thuở xưa vua chúa Trung Quốc và Việt Nam thường ưa thích và hay cho trồng nhiều loại hoa này ở tiền sảnh trong cung cấm. Hoa tử vi, ngoài loại sắc tím lại có loại sắc hồngsắc bạch, loại hoa tím có đới màu thanh lam, gọi là hoa thúy vi. Hoa mọc thành chùm dài, sáu cánh hoa rời nhau, phiến quăn, uốn lượn ở mép. Ngày trước vì lối kiêng tránh, húy kỵ (tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa) người Huế thường gọi trại ra là bông tử vi. Cây hoa tử vi dễ trồng, ưa khí hậu mát ẩm. Nhân giống bằng hạt. Gieo ươm như các loại giống cây gỗ khác; cây trưởng thành có thể cao đến 4m. Cành vuông, mềm và dài, hơi đỏ, thân cây to bằng cánh tay, có cây cũng lớn hơn đôi chút, vỏ cây khi tróc ra thì rụng từng mảng trông giống thân cây ổi. Lá tử vi mọc đối nhau, hình trái xoan nhọn, trơn bóng.
Theo các nhà đông y, thì một số thành phần của cây tử vi rất quí như: hoa, rễ có vị hơi đắng, tính hàn, có thể dùng làm thuốc, chữa hoạt huyết, chỉ huyết, giải độc, thanh nhiệt, tiêu thũng; hoa của nó còn là một dược liệu quí dùng làm thuốc chữa trị cho người phụ nữ sau khi sinh nở chẳng may bị mắc chứng sản hậu lưu huyết, đau bụng, máu kết thành hòn cục...
Ngoài ra, rễ của hoa tử vi còn được dùng bào chế làm thuốc chữa mụn nhọt, ghẻ lở, các bệnh xuất huyết, viêm tuyến vú, viêm gan. Vỏ thân dùng để chữa bế kinh, đau cổ họng, chữa lở ngứa ngoài da...
Do đặc điểm của cây tử vi rất lạ: vừa có hoa, vừa có hương sắc lại giữ được tươi lâu và thành phần có nhiều dược tính mang lại ích lợi cho đời sống của con người, cho nên hoa tử vi được cổ nhân xem là một loài “kỳ hoa dị thảo”.
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng hoa tử vi vào Cao đỉnh.
Ngày nay, nhiều tỉnh thành của Việt Nam đều có trồng hoa tử vi, đặc biệt người Huế rất thích loại hoa này.
Dương Phước Thu
(còn nữa)
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top