ClockThứ Năm, 06/06/2013 05:48

Nói chuyện làng quê

TTH - Thuở xưa, mỗi làng có một hương ước, nhiều làng có hương ước thành văn nhưng cũng có làng có hương ước bất thành văn. Dù thành văn hay bất thành văn thì đối với dân làng, hương ước vẫn rất hiệu lực, thậm chí hiệu lực còn hơn cả pháp luật của Nhà nước, bởi vậy mới có câu “phép vua, thua lệ làng”.

Chuyện kể rằng ở làng Hà Trung (Nay là xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có Quan Tiên Chỉ, người có công xuất tiền của, huy động dân làng đắp đập, lấn phá, tạo ruộng cho dân cày. Khi con đê vừa hoàn thành, để bảo vệ con đê khỏi trâu băng, bò dẫm, ông cùng dân làng lập ra hương ước, thỏa thuận cùng nhau, nếu ai để trâu, bò của mình lên đê ăn cỏ thì con trâu, bò đó bị dân làng bắt giết thịt và gia chủ còn phải nộp phạt đủ để sắm xôi, rượu khao cả làng.

 

Nhờ đưa việc bảo vệ cây mưng vào hương ước làng nên nhiều vùng ở Phong Điền vẫn bảo vệ được hàng cây cổ thụ làm lá chắn cho làng quê. Ảnh: Ngọc Minh

Để hương ước được thực thi một cách nghiêm minh, ông ngầm sai gia nhân đánh một con trâu của nhà mình lên đê ăn cỏ, khi tuần đê phát hiện liền chạy đến báo cáo với Quan Tiên Chỉ, ông vờ hỏi như quát: “Ai to gan, dám để trâu lên dẫm trên đê, trâu của ai?” Tuần đê rụt rè, lễ phép: “Dạ thưa, trâu của Quan Tiên Chỉ ạ!”. Ông liền hạ giọng: “Pháp bất vị thân, dân làng cứ bắt trâu làm thịt, nộp phạt theo lệ của làng, việc sai phạm của gia nhân, tui sẽ hành xử theo gia quy để răn dạy”.

Sau bữa rượu, thịt vui say, dân làng bàn tán xôn xao, “trâu của quan mà còn như rứa, huống hồ là trâu của dân”, nên mọi người đều khiếp sợ, từ đó không ai dám cho trâu lên ăn cỏ trên đê, lệ làng đó còn hiệu lực đến cả hàng trăm năm, cho đến nay vẫn còn truyền tụng.

Cũng xưa, thuở tui còn nhỏ, trâu bò từ nhà ra đồng, ra đôộn (động cát) chỉ được phép đi theo đường đã được quy định, mà thông thường là dọc theo dưới những lòng con khe, ý thức của người chăn dắt cũng biết phận mình, đi quen thành lệ, không bao giờ dám cho trâu bò đi lên trên đường xóm, đường làng. Xuân sang thu chí, dân làng năm giới cùng đào khe, vét rãnh, vệ sinh đường sá, chặt cây tỉa cành cho đường sá sạch sẽ, thông thoáng, nước thoát dễ dàng để khỏi phá bờ phá đập. Theo ngày đã định, nghe ba hồi trống cả năm giới, nam phụ lão ấu tập trung, người cuốc kẻ cào, người mác kẻ rựa, mỗi người một việc, không ai bảo ai, thi nhau thực hành phận sự công dân của làng, các cụ cao tuổi thì chống gậy đi theo thúc trống, đốc chiêng, đôn đốc cháu con. Ngày Tết tuy còn thiếu thốn, nhưng làng trên xóm dưới đều vệ sinh quang đãng.

Ngày nay, dọc những con đường qua các miền quê, kể cả quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ hay đường xóm, đường làng, nhờ ơn Chính phủ và những người hảo tâm đa phần đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa, nhiều lúc người ta bắt gặp cả đàn trâu, bò hiên ngang đi giữa con đường, chặn hết cả lối đi của khách bộ hành, người chăn dắt thì vẫn cứ thản nhiên như chẳng có chuyện gì, mặc cho khách bộ hành run sợ. Phân trâu, phân bò phóng uế bừa bãi giữa đường là điều không hiếm, thấy người xung điện bắt cá, hủy hoại môi trường nhiều người làm ngơ; thấy kẻ trộm chó mèo, vịt gà cũng không dám nói; người phàn nàn trách móc thì nhiều, còn người có trách nhiệm áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì sao mà quá hiếm, người có chức trách không phải lúc nào cũng gặp cảnh này, còn người mắt thấy tai nghe thì cũng không cấp báo kịp thời với cấp có thẩm quyền nhằm tìm cách ngăn chặn. Dân qua đường thì nghiến răng cầu mong cho sớm thoát cảnh ách tắc hành trình, dân địa phương trong xóm, ngoài làng ngó trước nhìn sau đều bà con quen biết, dù thấy điều sai trái, quá gai mắt chướng tai mà nói họ cũng cho là lẻo mép, xoi móc hương lân, chi bằng lặng tiếng im hơi cho yên thân và được tiếng là xóm giềng thân thiện, thế là mọi người cứ bỏ mặc, bàng quan, ai làm gì thì làm, miễn không đụng đến lợi ích của mình là được.

Lệ làng là pháp luật của địa phương, thông thường, lệ làng do nhóm quan viên, trưởng lão trong làng khởi xướng, được cộng đồng cư dân đồng thuận đề lên thành lệ và có hiệu lực đối với cả cộng đồng, không miễn trừ cho bất cứ một ai dù là quan hay dân trong cộng đồng cư dân ở đó; quan viên, trưởng lão gương mẫu chấp hành thì dân tâm phục noi theo; quan viên, trưởng lão bất minh thì dân tâm bất phục. Thượng bất chính, hạ tắc loạn; tâm không phục thì dù có bắt buộc cũng cố hành xử chiếu lệ cho xong, nhưng chủ yếu là ngầm chống đối nhằm phá vỡ những lề thói cũ.

Ngày nay, nhiều nơi đã xây dựng hương ước của làng mình, thậm chí nhiều hương ước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng xem ra, việc thực thi cũng còn nhiều điều trăn trở. Phàm đã có quy định thì phải có chế tài, ai có công thì được thưởng, ai có tội thì phải hành, có như vậy mọi người phải tránh điều bị phạt, cố gắng lập công thì cộng đồng cư dân mới ngày càng gắn kết. Các hương ước hiện nay đa phần là nêu quy định, còn chế tài thì...

Làm cách nào để hương ước được cộng đồng dân cư tôn trọng, có giá trị trường tồn, bền vững ở địa phương? Rất nhiều luồng ý kiến khác nhau như phải đưa các chế tài nghiêm khắc vào các hương ước của các làng, phải phân cấp cho tập thể dân làng phân xử những điều đã định ra trong hương ước, hoặc phải phân cấp cho cán bộ ở thôn bản có quyền xử phạt, phải giáo dục ý thức văn hóa cộng đồng, những người trưởng lão phải gương mẫu chấp hành và phải thường xuyên nhắc nhở cháu con làm điều phải, điều thiện, tránh điều ác, biết chung lưng đấu cật, chung tay góp sức xây dựng hương thôn,... Người dân như tui không dám luận bàn, chỉ như văng vẳng bên tai điều lý giải giản đơn của người dân Hà Trung còn truyền tụng đến bây giờ là “trâu của quan mà còn như rứa, huống hồ là trâu của dân”.

Hồ Tư
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan
Return to top